Dự thảo Luật Đất đai: Nhiều chính sách vẫn chưa có phương án tối ưu

(PLO)- Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội gồm 16 chương và 265 điều, tuy nhiên vẫn còn nhiều nội dung chưa có phương án tối ưu, có những nội dung có 3 phương án.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 3-11, Quốc hội thảo luận về những nội dung còn khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Trên cơ sở đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ báo cáo, xin ý kiến Quốc hội về phương án xem xét, thông qua dự án luật này trên tinh thần bảo đảm chất lượng dự án luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và khả thi.

sửa luật đất đai
Quốc hội sẽ thảo luận về những nội dung còn khác nhau của dự án Luật Đất đai. Ảnh: QH

Theo báo cáo của UBTVQH, dự thảo luật trình QH kỳ này gồm 16 chương và 265 điều. So với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, đã bỏ 04 điều, bổ sung 06 điều, sửa đổi 229 điều.

Nhiều nội dung lớn đã được chỉnh sửa, hoàn thiện thêm, như: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; căn cứ, điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất…

Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu; trong đó có hai nội dung có 3 phương án.

Điều kiện để cá nhân nhận chuyển nhượng đất lúa

Liên quan đến quy định nhận chuyển nhượng đất trồng lúa đối với cá nhân, theo UBTVQH, nhiều ý kiến đề nghị nghiên cứu thực hiện thí điểm tại một số địa phương về việc UBND cấp tỉnh chấp thuận cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp thành lập tổ chức kinh tế nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp để đánh giá tổng kết trước khi áp dụng quy mô rộng rãi trên cả nước.

Cũng có ý kiến đề nghị bổ sung quy định chi tiết về hạn mức chuyển nhượng đất nông nghiệp là đất trồng; nghiên cứu phương án quy định về hạn mức nhận chuyển nhượng mức nhất định thì cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp muốn nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp phải thành lập tổ chức kinh tế, trường hợp nhận chuyển nhượng với diện tích không lớn…

Do đó, dự thảo thiết kế 3 phương án liên quan đến điều kiện đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi nhận chuyển nhượng đất trồng lúa.

Phương án 1, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa khi nhận chuyển nhượng đất trồng lúa.

Đây là quy định mới so với Luật Đất đai 2013, do đó UBTVQH cho rằng “cần hết sức thận trọng”; nhất là trong điều kiện pháp luật hiện hành chưa có quy định về mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang như yêu cầu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Phương án 2 là không giới hạn về điều kiện đối với cá nhân nhận chuyển nhượng đất trồng lúa. Khi đó sẽ khuyến khích việc chuyển nhượng đất trồng lúa giữa các cá nhân, việc quy định thành lập tổ chức kinh tế không thay đổi bản chất việc nhận chuyển nhượng đất trồng lúa.

Tuy nhiên, phương án này có thể dẫn đến tình trạng trên diện tích đất trồng lúa sẽ có nhiều đối tượng khác nhau có quyền sử dụng đất trồng lúa, tiềm ẩn nguy cơ cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp thay vì sản xuất thực sự trên đất trồng lúa lại đầu cơ đất trồng lúa, cản trở việc tích tụ, tập trung đất trồng lúa để đưa vào sản xuất, kinh doanh…

Phương án 3, khi cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa quá hạn mức thì phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa theo quy định.

Tìm giải pháp giải quyết việc “chậm quy hoạch”

Nội dung tiếp theo của dự thảo luật còn ba phương án chưa thể chốt là về nguyên tắc lập và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất các cấp.

Có ý kiến cho rằng, nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất “được lập, thẩm định xong trước thì được quyết định hoặc phê duyệt trước” là chưa phù hợp với Luật Quy hoạch năm 2017.

Nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi theo hướng các quy hoạch sử dụng đất có thể được lập đồng thời, quy hoạch sử dụng đất cao hơn phải được phê duyệt, quyết định trước quy hoạch cấp thấp hơn; đồng thời đề nghị cần quy định rõ, chặt chẽ hơn về trách nhiệm, thời gian hoàn thành các cấp quy hoạch, tránh tình trạng vướng mắc cấp dưới phải chờ quy hoạch của cấp trên, kéo dài trong công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm, ảnh hưởng đến quyền lợi của tổ chức và cá nhân…

Trên cơ sở đó, UBTVQH xin ý kiến Quốc hội dựa trên ba phương án.

Thứ nhất, cho phép các quy hoạch sử dụng đất được lập đồng thời nhưng quy hoạch cấp cao hơn phải được phê duyệt, quyết định trước quy hoạch thấp hơn. Khi kết thúc thời kỳ quy hoạch sử dụng đất mà quy hoạch thời kỳ mới chưa được cấp có thẩm quyền quyết định, phê duyệt thì tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu chưa thực hiện hết đến khi quy hoạch sử dụng đất thời kỳ tiếp theo được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt.

Quy định theo hướng này bảo đảm các quy hoạch cấp trên sẽ phải sớm hoàn thành để làm căn cứ cho quy hoạch cấp dưới được phê duyệt, tránh chậm trễ như thời gian qua.

Thứ hai, các quy hoạch sử dụng đất được lập đồng thời; quy hoạch được lập, thẩm định xong trước được quyết định hoặc phê duyệt trước. Sau khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có mâu thuẫn thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh phù hợp quy hoạch cao hơn.

Thứ ba là chỉnh sửa theo hướng thực hiện theo pháp luật về quy hoạch.

UBTVQH cho biết, đa số ý kiến của UBTVQH thống nhất với ý kiến thứ nhất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm