Dự án Luật Đất đai (sửa đổi): Còn 13 vấn đề chưa 'chốt' được phương án tối ưu

(PLO)- Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được thông qua tại kỳ họp Quốc hội tháng 10 tới đây, thế nhưng vẫn còn nhiều vấn đề chưa đạt được sự thống nhất.

Cuối tuần qua, tại phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến lần hai về một số vấn đề lớn cần tiếp thu, giải trình, chỉnh lý tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh cho hay tại phiên họp này, cơ quan chủ trì thẩm tra dự án luật báo cáo, trình xin ý kiến UBTVQH 13 vấn đề.

Về điều này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết tại phiên họp thứ 25 (hồi tháng 8), Ủy ban Kinh tế báo cáo 27 vấn đề, hiện đã giảm được 14 vấn đề, “đây là một tiến bộ trong thời gian rất ngắn”.

Tiền thuê đất điều chỉnh 5 năm/ln?

Một trong những nội dung xin ý kiến lần này liên quan đến quy định về tiền thuê đất trả tiền thuê hằng năm. Dự thảo luật đang thể hiện hai phương án.

p7-anh-bai-Datdai-quy.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo tại phiên họp.
Ảnh: PHẠM THẮNG

Phương án 1, tiền thuê đất trả tiền thuê hằng năm được ổn định cho chu kỳ năm năm, với chu kỳ tiếp theo, tiền thuê được tính theo bảng giá đất năm đầu tiên của chu kỳ đó. Trường hợp tiền thuê đất tăng thì không quá 15% so với chu kỳ trước đó.

Phương án 2 sẽ giao Chính phủ quy định mức trần tỉ lệ điều chỉnh tăng tiền thuê đất cho chu kỳ tiếp.

Ông Vũ Hồng Thanh cho biết Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết nhưng không quá mức trần tỉ lệ điều chỉnh tăng theo quy định tại luật.

Trong khi đó, Tổng Thư ký QH Bùi Văn Cường cho rằng cần giới hạn cụ thể tỉ lệ tăng thêm để đảm bảo tính minh bạch, tạo cơ sở cho doanh nghiệp tính toán phương án kinh doanh phù hợp...

Ông Cường cũng đề nghị nghiên cứu làm rõ thêm về cơ sở và xem xét sơ bộ tác động về mức tỉ lệ 15% như đề xuất tại phương án 1 của dự thảo.

“Luật hóa” hoạt động lấn biển trong Luật Đất đai

Về việc giao đất, cho thuê đất liên quan đến hoạt động lấn biển, Điều 190 dự thảo luật cũng thiết kế hai phương án. Một là giao Chính phủ quy định chi tiết; hai là quy định về giao đất, cho thuê đất đối với phần đất phục vụ trực tiếp cho hoạt động lấn biển. Ông Vũ Hồng Thanh cho biết Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị xem xét, lựa chọn phương án 1.

Chúng tôi thấy một chủ trương của Nghị quyết 18-NQ/TW là quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở […]. Tuy nhiên, nghiên cứu dự thảo Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở, chúng tôi thấy chưa thể chế hết chủ trương này. Đề nghị cần nghiên cứu thêm để thể chế hóa Nghị quyết 18 về nội dung tôi vừa nêu.

Trưởng ban Công tác đại biểu NGUYỄN THỊ THANH

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh cho rằng lấn biển là hoạt động rất khó khăn, phải làm đê chắn sóng, đê quai và san nền với một khối lượng rất lớn.

“Phải lấn biển theo quy hoạch, cũng không phải tự nhiên bảo tôi lấn biển. Vì vậy, nhà đầu tư muốn yên tâm rằng khi lấn biển rồi, thời gian lấn biển có thể 5-10 năm thì Nhà nước giao biển gắn với giao đất, tức là tính toán các chi phí để nhà đầu tư cân nhắc, quyết định việc lấn biển” - Bộ trưởng Khánh phân tích và cho rằng nếu giao cho Chính phủ quy định sẽ lại giống như Luật Đất đai hiện hành, chỉ là “khuyến khích lấn biển” (Điều 9 Luật Đất đai 2013).

Theo Bộ trưởng Khánh, cùng với Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo..., nếu “làm thêm một bước nữa” (quy định hoạt động lấn biển trong Luật Đất đai) thì có thể đảm bảo đồng bộ thủ tục hành chính, “luật hóa” hoạt động lấn biển. Ông Khánh mong UBTVQH cân nhắc việc này.

Bãi bỏ quy định về sử dụng đất tại một số nghị quyết

Dự thảo luật quy định bãi bỏ một số nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai tại các nghị quyết của QH về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP như Hải Phòng, Cần Thơ…

Về việc này, Thường trực cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ báo cáo, làm rõ việc bãi bỏ nêu trên có tác động như thế nào đến việc thực hiện nghị quyết.

Lý giải điều này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói: “Không phải lo lắng việc chúng ta bãi bỏ nội dung quản lý, sử dụng đất tại một số nghị quyết đang thí điểm. Thực chất các nghị quyết này đã được đưa vào luật…”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm