Nhân dịp Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP.HCM đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí về phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM gắn với các định hướng chiến lược phát triển của đất nước trong thời gian tới. Pháp Luật TP.HCM xin được chuyển tải các nội dung trả lời của người đứng đầu chính quyền TP.HCM đến bạn đọc.
***
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng, nhìn lại nhiệm kỳ 2015-2020, TP tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí vươn lên, quyết tâm khắc phục những tồn tại, yếu kém, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.
TP tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế và đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế cả nước với tỷ trọng đóng góp trên 22% GDP, 27% thu ngân sách cả nước, năng suất lao động bình quân cao hơn 2,6 lần so với bình quân cả nước. Đồng thời, TP.HCM đã đóng góp nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình quản lý kinh tế - xã hội của đất nước.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong trả lời phỏng vấn. Ảnh: PHƯƠNG THÙY
Ba mốc mục tiêu phát triển đến năm 2045
. Phóng viên: TP.HCM xác định những mục tiêu phát triển trong giai đoạn mới như thế nào, thưa ông?
+ Ông Nguyễn Thành Phong: Trên cơ sở kết luận của Bộ Chính trị tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy góp ý văn kiện Đại hội XI của Đảng bộ TP, cùng với nghiên cứu dự thảo văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025, TP.HCM đã xác định 3 mốc mục tiêu cụ thể.
Đến năm 2025: TP.HCM là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP) bình quân đầu người khoảng 8.500 USD.
Đến năm 2030, là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000 USD, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.
Tầm nhìn đến năm 2045, trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của Châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.
Trước mắt, trong nhiệm kỳ 2020-2025, TP đề ra 26 chỉ tiêu phát triển trên 5 lĩnh vực, như: GRDP bình quân hàng năm khoảng 8%; kinh tế số đóng góp khoảng 25% đến năm 2025, 40% đến năm 2030 trong GRDP của TP; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm; tỷ lệ người dân hài lòng với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước ở từng lĩnh vực đạt 95% trở lên…
TP Thủ Đức (đoạn qua cụm ĐH Quốc gia TP.HCM và Khu du lịch Suối Tiên) - vừa được thành lập theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: HOÀNG GIANG
Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh
.Để thực hiện được các chỉ tiêu trên, những nhiệm vụ và giải pháp nào được đặt ra, thưa ông?
+ Thứ nhất, TP sẽ tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế để phát triển kinh tế thành phố nhanh và bền vững trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động.
Thứ hai, TP phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, làm nền tảng cho TP phát triển bền vững. Trong đó, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quốc tế ở 8 lĩnh vực ưu tiên, gồm: công nghệ thông tin - truyền thông, cơ khí - tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, quản trị doanh nghiệp, tài chính - ngân hàng, y tế, du lịch và quản lý đô thị.
Phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội; ưu tiên các lĩnh vực ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ 5G và sau 5G.
Đặc biệt, chúng tôi sẽ xây dựng TP trở thành một không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nơi tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu thường xuyên, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên của thành phố mang tên Bác.
TP cũng sẽ quan tâm nâng cao sức khỏe cho người dân cả về tầm vóc, tinh thần, tuổi thọ cũng như chất lượng cuộc sống; phát triển TP trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực Đông Nam Á.
Thứ ba, TP sẽ phát huy hiệu quả mọi nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, gắn công tác quy hoạch với tổ chức thực hiện quy hoạch, xem quy hoạch là công cụ quan trọng để quản lý và điều hành phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, sẽ tiếp tục phát triển ngành xây dựng, đẩy mạnh chỉnh trang và phát triển đô thị, xây dựng mới các chung cư cũ, triển khai các dự án phát triển nhà ở xã hội, thu hút đầu tư xây dựng các khu đô thị mới: Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu đô thị Nam thành phố, Khu đô thị Tây Bắc, Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, Khu đô thị lấn biển Cần Giờ.
Nâng cao hiệu quả công tác giảm ngập nước và ứng phó với biến đổi khí hậu, tập trung xây dựng thành phố sạch và xanh, thân thiện với môi trường; chú trọng phát triển giao thông, giảm ùn tắc và giảm tai nạn giao thông.
Tiếp tục triển khai đảm bảo tiến độ Đề án xây dựng đô thị thông minh đồng bộ với phát triển kinh tế số và xã hội số.
Thứ tư, TP luôn đảm bảo giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, môi trường hòa bình trong mọi tình huống, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP.
Bên cạnh đó, sẽ thực hiện tốt chủ trương kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng - an ninh; xử lý có hiệu quả các nhân tố ảnh hưởng đến an ninh chính trị, không để phát sinh điểm nóng trên địa bàn.
Thứ năm, TP tiếp tục triển khai hiệu quả, đồng bộ các hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Tinh thần là luôn chủ động và sáng tạo, phù hợp với đặc điểm và tình hình TP, tạo môi trường quốc tế thuận lợi, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, phát huy hiệu quả nguồn kiều hối cho sự phát triển toàn diện của TP.
Thứ sáu, TP sẽ đổi mới quản lý, tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 54/2017 của Quốc hội giai đoạn 2017-2022, đẩy mạnh cải cách hành chính với những giải pháp thiết thực và cụ thể, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu quả công tác cải cách hành chính.
Thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số.
Phấn đấu thực hiện thành công, hiệu quả Nghị quyết số 131 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM và Nghị quyết số 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM.
Ngoài ra, TP cũng sẽ tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp vào quá trình xây dựng chính sách và thể chế. Đề cao vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, tạo sự thống nhất, đồng lòng chung tay xây dựng, bảo vệ và phát triển TP.
. Trong sáu nhiệm vụ và giải pháp nêu trên, ông có nhấn mạnh đến vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế để phát triển kinh tế TP nhanh và bền vững. Ông có thể nói rõ điều này?
+ Để làm được điều đó, trong thời gian tới TP sẽ tập trung phát triển nhanh các ngành kinh tế chủ lực của TP, có giá trị gia tăng cao như ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng, thương mại, du lịch…
Đồng thời, sẽ xây dựng và chia sẻ cơ sở dữ liệu dùng chung để khai thác, quản lý hiệu quả, tiết kiệm trong vận hành các hoạt động dịch vụ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của TP trong khu vực.
Tiếp đó, TP sẽ triển khai thực hiện đề án phát triển TP.HCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Chủ trương này đã được đưa vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021–2030.
TP cũng sẽ chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng khuyến khích sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao, phần mềm, sản phẩm số. Đây là những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động và tài nguyên đất đai. Đồng thời, tận dụng tối đa các cơ hội mở cửa và các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết để mở rộng, thúc đẩy xuất khẩu.
TP cũng sẽ xây dựng thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất cả nước, đi đầu trong việc tận dụng các cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn. Thông qua việc phát huy tối đa các lợi thế sẵn có và đầu tư bổ sung cho Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông – TP Thủ Đức trở thành một cực tăng trưởng mới cho thành phố và cả Vùng.
Bên cạnh đó, TP cũng tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu, tăng hàm lượng khoa học, công nghệ trong các công đoạn nhằm mang lại giá trị gia tăng cao trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số. Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu của TP.
TP cũng tiến hành các bước quy hoạch và xây dựng mới các khu công nghiệp có chất lượng và tính cạnh tranh cao, phù hợp với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
TP cũng sẽ tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững gắn với chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Trong đó, ưu tiên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp sạch…
Phát huy tối đa lợi thế kinh tế biển và khu vực ven biển, khẩn trương triển khai quyết định của Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ. Đây là một hướng phát triển mới về kinh tế gắn với bảo vệ môi trường của TP.
Ngoài ra, TP sẽ huy động và khai thác mạnh mẽ tiềm năng các nguồn lực trong nước, ngoài nước để đầu tư phát triển TP. Đề xuất cơ chế điều phối, hợp tác Vùng hiệu quả trên nguyên tắc nhận diện đúng lợi thế cạnh tranh từng địa phương.
TP.HCM sẽ tập trung chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực TP.HCM. Ảnh: QUANG HUY
Ba chương trình đột phá và một trọng điểm
.Đại hội XIII dự kiến sẽ đề ra ba đột phá chiến lược. Vậy, TP.HCM sẽ vận dụng như thế nào, thưa ông?
+ Trên cơ sở 3 đột phá chiến lược theo dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, TP.HCM sẽ vận dụng sáng tạo để xây dựng 3 chương trình đột phá, đồng thời đề ra 1 chương trình trọng điểm với tổng số 51 đề án, nội dung thành phần phù hợp với thực tiễn. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, cũng là lâu dài để tạo tiền đề vững chắc phát triển TP.
Về chương trình đột phá đổi mới quản lý TP.HCM: Thể hiện sự chủ động xây dựng, kiên trì kiến nghị, triển khai các cơ chế, chính sách quản lý TP phù hợp tính chất đô thị đặc biệt, đầu tàu về nhiều mặt của cả nước.
Trong đó, đề xuất tỷ lệ điều tiết phù hợp cho ngân sách TP; xây dựng chính quyền đô thị; hình thành và phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông gắn với thành lập TP Thủ Đức; thực hiện nhanh chuyển đổi số, hoàn thiện chính quyền số, xây dựng TP trở thành đô thị thông minh.
Khơi dậy tiềm năng, niềm tự hào của các tầng lớp nhân dân TP tham gia tích cực các phong trào hành động cách mạng, thi đua sáng tạo xây dựng, bảo vệ và phát triển TP.
Về chương trình đột phá phát triển hạ tầng TP.HCM: Tập trung phát triển đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ, hạ tầng viễn thông, hạ tầng số, hạ tầng công nghiệp, hạ tầng giao thông, tạo môi trường, điều kiện tốt để phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng không gian phát triển, kết nối các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gắn với bố trí, cơ cấu lại sản xuất và phân bố dân cư.
Về chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa TP.HCM: Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo đạt trình độ quốc tế ở 8 lĩnh vực; phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển tiềm năng trí tuệ của nguồn nhân lực thành những thành quả ứng dụng và sáng tạo khoa học công nghệ, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Về chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực TP.HCM: Khẳng định sự đồng hành và tích cực hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả hợp tác các ngân hàng, tổ chức tài chính và Nhà nước để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp và phát triển. Chú trọng phát triển sản phẩm và thương hiệu sản phẩm, nâng cao tỉ lệ cung ứng sản phẩm đặc trưng của TP trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Có thể nói, TP.HCM luôn bám sát chỉ đạo của Trung ương, nghiên cứu sâu kỹ dự thảo các nội dung văn kiện Đại hội XIII của Đảng để vận dụng triển khai gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP.
. Xin cảm ơn ông!