Sau phiên xử trên, có ý kiến cho rằng việc quy kết bị cáo tội giao cấu với trẻ em là vội vàng, chưa thuyết phục. Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã trao đổi với Thẩm phán Vũ Linh (TAND huyện Tân Phú, chủ tọa phiên tòa).
Giấy tờ mâu thuẫn, phải dựa vào giám định
. Phóng viên: Thưa ông, nạn nhân có ba loại giấy tờ khác nhau thể hiện ba năm sinh 1999, 1997 và 1995 nhưng tại phiên xử lại không có mặt hai người làm chứng là bà nội của nạn nhân (người đi làm giấy khai sinh năm 1999) và đại diện UBND xã Phú Thanh (nơi cấp giấy khai sinh ghi sinh năm 1995). Có ý kiến cho rằng cần phải có mặt hai người này vì nếu xác định nạn nhân sinh năm 1995 thì bị cáo không có tội?
Cha và chị của bị cáo Mẫn đang hy vọng tòa phúc thẩm sẽ giám định lại độ tuổi của nạn nhân L. để chứng minh Mẫn bị oan. Ảnh: T.TÙNG
. Có nghĩa là kết luận giám định về độ tuổi mới là căn cứ pháp lý quan trọng nhất trong vụ án này, thưa ông?
+ Đúng vậy! Trong khi chưa chắc chắn điều gì thì cần phải có cơ sở khoa học. Hồ sơ thể hiện vào tháng 4-2013 cơ quan điều tra trưng cầu giám định tại Trung tâm Giám định pháp y của Sở Y tế tỉnh Đồng Nai và cho ra kết quả là nạn nhân 17 tuổi +/- ba tháng. Nhưng khi đọc kết luận này, chúng tôi phát hiện ra thành phần hội đồng tiến hành giám định khác với người trực tiếp đưa ra kết luận nên không thể sử dụng kết luận này vì bản thân nó cũng chưa rõ ràng, chưa đủ độ chính xác. Vì thế, tại lần mở phiên tòa thứ nhất ngày 28-11-2013, HĐXX đã hoãn để triệu tập giám định viên nhằm làm rõ nội dung trong kết luận giám định. Khi mở phiên tòa lần hai ngày 8-1-2014, sau khi nghe giám định viên giải thích thấy không ổn thì tòa lại phải hoãn xử để trả hồ sơ điều tra bổ sung về độ tuổi của nạn nhân. Như vậy, ngay từ đầu chúng tôi đã rất thận trọng trong việc đánh giá các chứng cứ sao cho đúng luật và đảm bảo khách quan.
Sau khi nhận lại hồ sơ cơ quan điều tra tiếp tục trưng cầu giám định tại Phân viện Khoa học hình sự phía Nam (Bộ Công an) cho ra kết quả khi bị cáo Mẫn giao cấu thì nạn nhân chưa đủ 16 tuổi.
. Vậy lý do gì trong phiên xử mới đây, tòa chấp nhận kết quả giám định mới nhất để làm căn cứ kết tội bị cáo, trong khi phía luật sư cho rằng các dữ liệu để giám định quá ít, thưa ông?
+ Tại phiên tòa vừa rồi HĐXX cũng mời giám định viên của Phân viện Khoa học hình sự phía Nam đến để giải thích về kết luận giám định của mình. Tại tòa, chúng tôi đã đặt ra một số câu hỏi về phương pháp giám định và căn cứ ra kết quả. Giám định viên đã lần lượt trả lời và chúng tôi thấy nó thỏa mãn với yêu cầu của mình nên chúng tôi chấp nhận dựa vào kết quả này làm căn cứ trong bản án. Còn về yêu cầu của luật sư về dữ liệu để giám định, đây là trách nhiệm riêng biệt của tổ chức giám định liên quan đến chuyên môn. Việc lấy mẫu những gì, dùng phương pháp nào, đưa ra kết quả ra sao là quyền của cơ quan giám định nhưng họ phải chịu trách nhiệm về kết quả của mình trước pháp luật nếu có sai sót.
HĐXX có quyền lựa chọn và chịu trách nhiệm
. Dù mâu thuẫn nhau nhưng không có nghĩa là kết quả giám định của Phân viện Khoa học hình sự phía Nam có giá trị pháp lý hơn của trung tâm pháp y tỉnh, thưa ông?
+ Chúng tôi cũng không cho rằng kết quả giám định nào có giá trị pháp lý và cao hơn kết quả nào nhưng kết quả nào HĐXX cho rằng hợp lý hơn thì HĐXX có quyền lựa chọn và chịu trách nhiệm về sự lựa chọn đó. Quá trình giải quyết vụ án trước mâu thuẫn giữa hai kết quả giám định chúng tôi cũng băn khoăn, cân nhắc rất nhiều. Tuy nhiên, tôi nghĩ không cần thiết phải trả hồ sơ yêu cầu giám định lại nhiều lần khi đã có kết luận được tiến hành theo đúng trình tự, thủ tục và khá rõ. Giả sử ở lần giám định thứ hai, cơ quan điều tra tiếp tục trưng cầu giám định tại Trung tâm Giám định pháp y tỉnh mà cho ra một kết quả khác với lần trước nhưng đúng trình tự, thủ tục thì tòa cũng lấy làm căn cứ xét xử. HĐXX đã chọn kết luận giám định nào cảm thấy hợp lý và được thuyết phục bởi chính nó để làm căn cứ tuyên án.
. Thưa ông, với vai trò là chủ tọa phiên tòa sơ thẩm, ông có băn khoăn gì về phán quyết của mình hoặc có đề xuất, kiến nghị gì với cấp phúc thẩm, chẳng hạn giám định lần thứ ba lại tuổi của nạn nhân ở một tổ chức giám định khác?
+ Tôi khẳng định mình đã làm hết trách nhiệm với vụ án và hoàn toàn tự tin về phán quyết của mình. Bằng chứng là đã hết thời gian kháng nghị nhưng VKS cùng cấp và cấp tỉnh không có ý kiến gì về bản án ngoài kháng cáo của hai bên đương sự. Đương nhiên về góc độ tình cảm, tôi cũng cảm thấy thương cho hoàn cảnh của bị cáo Mẫn vướng vào vòng lao lý chỉ vì thiếu hiểu biết, nhận thức pháp luật còn hạn chế. Nhưng đã làm nhiệm vụ thực thi pháp luật thì cần phải tuân thủ pháp luật.
. Xin cảm ơn ông.
THANH TÙNG
Nội dung vụ án Như Pháp Luật TP.HCM đã nhiều lần thông tin, bị cáo Mẫn và em L. có quan hệ tình cảm với nhau. Sau khi phát hiện em L. có thai, gia đình Mẫn đã xin tổ chức lễ cưới nhưng gia đình em L. không đồng ý và tố cáo với công an. Tháng 7-2012, Mẫn bị khởi tố về tội hiếp dâm trẻ em. Mẫn bỏ trốn khỏi địa phương, đến tháng 2-2013 thì ra đầu thú và bị truy tố về tội giao cấu với trẻ em. Trong vụ này, em L. có ba loại giấy tờ mâu thuẫn về ngày sinh: Theo giấy khai sinh do UBND xã Phú Thanh cấp thì em sinh ngày 17-6-1995 (ngày đăng ký là 27-11-1997), theo giấy khai sinh do UBND xã Phú An cấp thì em sinh ngày 12-12-1999, theo chứng chỉ bí tích của Giáo phận Xuân Lộc thì em lại sinh ngày 13-5-1997. Cha mẹ em L. thì khai em sinh năm 1997, vì đăng ký khai sinh trễ hạn, sợ bị phạt hành chính nên mới đăng ký cho em sinh ngày 12-12-1999. Trong khi đó, Trung tâm Giám định pháp y tỉnh Đồng Nai giám định, kết luận khi giao cấu em L. 17 tuổi +/- ba tháng, còn Phân viện Khoa học hình sự phía Nam (Bộ Công an) kết luận em L. từ 14 tuổi tám tháng đến 15 tuổi hai tháng. Sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Mẫn đã kháng cáo kêu oan, phía nạn nhân thì kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt và mức bồi thường. |