Làn sóng đình công đang diễn ra tại một loạt nước lớn ở châu Âu và gây ra những tác động không nhỏ.
Ở Đức, các cuộc đình công của tài xế xe lửa diễn ra trên quy mô toàn quốc nhằm yêu cầu cơ quan điều hành đường sắt Đức Deutsche Bahn (DB) giảm thời gian làm và tăng lương. Đây là cuộc đình công thứ ba và là cuộc đình công lớn nhất của tài xế xe lửa ở Đức, kể từ tháng 11-2023.
Các cuộc đình công của tài xế xe lửa diễn ra trùng với thời gian các cuộc biểu tình của nông dân Đức nhằm phản đối kế hoạch cắt giảm trợ cấp.
Trong khi đó, tại Anh, từ ngày 3 đến 9-1, hàng chục ngàn bác sĩ đình công do tranh chấp tiền lương với chính phủ. Đây được xem là cuộc đình công dài nhất trong lịch sử Cơ quan Y tế Quốc gia Anh (NHS). Theo tờ Financial Times, làn sóng đình công của nhân viên y tế Anh bắt đầu từ tháng 12-2022.
Tại Pháp, một số cuộc đình công nhỏ cũng xảy ra. Trong đó, hồi cuối tháng 12-2023, nhân viên tháp Eiffel đã đình công khiến địa điểm này phải tạm thời đóng cửa.
Đòi tăng lương, giảm giờ làm
Theo tờ Nikkei Asia, lạm phát khiến giá các mặt hàng đắt đỏ, trong khi lương không đủ chi tiêu là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều cuộc đình công ở châu Âu trong thời gian gần đây.
Nước Anh đã trải qua năm 2023 với nhiều vụ đình công liên tục trong ngành y tế. Theo đó, nhân viên trong ngành này đề nghị chính phủ tăng lương để bù đắp chi phí sinh hoạt tăng vọt.
Các công đoàn cho biết tiền lương, đặc biệt là trong khu vực công, giảm trong nhiều năm qua trong khi giá thực phẩm và năng lượng tăng mạnh. Điều này khiến nhiều người gặp khó khăn trong việc mua sắm các mặt hàng thiết yếu.
Các công đoàn cho biết các bác sĩ mới ra trường kiếm được 15,53 bảng Anh (19,37 USD)/giờ. Con số này không cao hơn nhiều so với mức lương tối thiểu ở Anh, vốn hơn 10 bảng một giờ.
Trong những người tham gia đình công bên ngoài bệnh viện St. Thomas ở trung tâm London (Anh), bác sĩ Georgia Blackwell (28 tuổi) cho biết căng thẳng và lương thấp đã khiến nhiều bác sĩ phải ra nước ngoài làm việc.
“Rất nhiều bác sĩ đang chuyển đến Úc, không chỉ vì lương mà còn vì sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cũng tốt hơn” – bác sĩ Blackwell nói.
Trong khi đó, theo hãng tin AP, nguyên nhân chính của cuộc đình công ở Đức là do vấn đề tiền lương và thời gian làm việc.
Theo đó, Liên minh Những người lái xe lửa Đức (GDL) yêu cầu giảm số giờ làm việc từ 38 giờ/tuần xuống còn 35 giờ/tuần, tăng lương lên 555 euro (hơn 606 USD)/tháng và bổ sung phần bồi thường lạm phát một lần trị giá 3.000 euro (gần 3.300 USD).
Về phía DB, cơ quan này cho biết họ đồng ý cho tài xế xe lửa ở Đức có thể linh hoạt giờ làm việc. Tuy nhiên, DB không đồng ý cắt giảm giờ làm việc mà không giảm lương.
Bộ trưởng Giao thông Đức - ông Volker Wissing kêu gọi cả hai bên tiếp tục đàm phán.
“Hai bên cần nói chuyện với nhau. Tôi kêu gọi cả hai bên trở lại bàn đàm phán” – ông Wissing nói.
Trong khi đó, nguyên nhân khiến nông dân Đức biểu tình là do chính phủ nước này hủy bỏ quy định giảm thuế cho dầu diesel nông nghiệp. Các nông dân tham gia biểu tình cho rằng quy định này khiến nhiều người bị thiệt hại.
"Trang trại của tôi sẽ mất khoảng 10.000 euro (hơn 10.900 USD). Đối với chúng tôi, đó là một thảm họa" – ông Ralf Huber, một nông dân Đức nói.
Đình công gây tác động lớn
Bộ trưởng Y tế Anh - bà Victoria Atkins cho biết các cuộc đình công trong 13 tháng qua tác động nghiêm trọng đến bệnh nhân, khiến các cơ quan y tế phải sắp xếp lại hơn 1,2 triệu lịch hẹn khám bệnh.
Trong khi đó, theo tờ The Guardian, cuộc đình công của các bác sĩ Anh đầu năm 2024 đã khiến hơn 110.000 lịch hẹn khám chữa bệnh của bệnh nhân bị hủy bỏ.
Giáo sư Stephen Powis – Giám đốc NHS cho biết: “Cuộc đình công dài nhất trong lịch sử NHS đã dẫn đến sự gián đoạn chưa từng có đối với bệnh nhân và gia đình của họ. Trong khi các nhân viên y tế làm việc không mệt mỏi để cứu chữa bệnh nhân thì cuộc đình công xảy ra và gây thiệt hại khổng lồ”.
Theo ông Powis, các bệnh viện sẽ cần thời gian dài để khắc phục hậu quả của cuộc đình công vừa qua.
Trong khi đó, theo đài CNN, các cuộc đình công ở Đức buộc DB phải hủy hàng nghìn chuyến tàu, bao gồm tàu chở khách và tàu chở hàng. DB cũng cho biết khoảng 80% các dịch vụ đường sắt hành trình dài sẽ bị hủy.
Ngoài ra, nhiều chuyến tàu kết nối vùng và các chuyến tàu nội thành cũng không hoạt động.
Theo DB, các cuộc đình công của nhân viên đường sắt sẽ tác động đến các kế hoạch di chuyển của hàng triệu người ở Đức. Cơ quan này cũng kêu gọi người dân hoãn hoặc hủy bỏ tất cả chuyến đi không cần thiết.
Trong khi đó, các cuộc biểu tình của nông dân Đức cũng gây nên tình trạng hỗn loạn lớn. Nông dân đã dùng máy kéo chặn nhiều con đường và lối vào đường cao tốc trên khắp nước Đức. Họ cũng tổ chức các cuộc biểu tình ở các thị trấn và thành phố, gây ra sự gián đoạn đáng kể cho giao thông.
Tại Pháp, các cuộc đình công nhỏ dù không gây ra tác động lớn nhưng cũng ảnh hưởng đến đời sống của người dân và hoạt động tham quan của khách du lịch.
“Đây là lần đầu tiên chúng tôi đến Paris cùng với các con của mình. Tham quan tháp Eiffel là hoạt động đầu tiên trong kế hoạch du lịch của chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi đã thực sự thất vọng khi thấy tháp Eiffel bị đóng cửa” – một du khách cho biết.