Ngày 3-1, hàng chục ngàn bác sĩ ở Anh bắt đầu đình công 6 ngày do tranh chấp về tiền lương với chính phủ, theo hãng tin AFP.
Cuộc đình công dự kiến sẽ kéo dài đến hết ngày 9-1. Đây được xem là cuộc đình công dài nhất trong lịch sử của Cơ quan Y tế quốc gia Anh (NHS).
Các bác sĩ tham gia đình công cho biết rằng lương của họ đã giảm khoảng một phần tư kể từ năm 2010 đến nay.
Trong số những người tham gia đình công, bác sĩ cấp cứu và tai nạn ở London - ông Callum Parr cho biết: “Với tư cách là một bác sĩ, chúng tôi ở đây, vì chúng tôi xứng đáng nhận được những gì tốt hơn”.
Ông Parr cho biết rằng hiện tại ông đang nợ 120.000 bảng Anh (khoảng 150.000 USD) sau 6 năm học đại học. Tình hình ngày càng khó khăn hơn với ông khi các chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, bao gồm giá thuê nhà.
Theo ông Parr, công việc hiện tại của các bác sĩ đang rất khó khăn. Vị bác sĩ này chia sẻ rằng mặc dù rất muốn giúp đỡ các bệnh nhân nhưng trước hết ông phải có khả năng thanh toán các hoá đơn của mình.
Đồng chủ tịch Ủy ban Bác sĩ cấp dưới của Hiệp hội Y khoa Anh (BMA) - ông Robert Laurenson nói rằng chính phủ đã không tổ chức các cuộc trao đổi để giải quyết vấn đề này.
Do vậy, ông Laurenson nói rằng đình công là điều duy nhất mà các bác sĩ có thể làm để yêu cầu chính phủ đối thoại, lưu ý sẽ có nhiều cuộc đình công khi bác sĩ không nhận được đồng lương xứng đáng.
Bộ trưởng Y tế Anh - bà Victoria Atkins cảnh báo rằng các cuộc đình công sẽ gây ra tác động vô cùng nghiêm trọng.
Bà Atkins cho biết hơn 1,2 triệu cuộc hẹn khám bệnh phải dời lại khi cuộc đình công bắt đầu, trong đó có hơn 88.000 cuộc hẹn được lên lịch vào tháng trước.
Bà Atkins kêu gọi các bác sĩ ngừng đình công và quay lại đối thoại để có thể tìm ra giải pháp công bằng và hợp lý nhằm chấm dứt triệt để các cuộc đình công này.