Đức: Dành tiền cho quốc phòng hay phúc lợi cho dân?

(PLO)- Nhiều nước châu Âu, trong đó có Đức, gặp khó khăn trong việc cân đối nguồn tiền cho ngân sách quân sự và ngân sách phúc lợi xã hội.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các chính phủ châu Âu đã cắt giảm ngân sách quân sự và chi một khoản tiền bất ngờ lên tới hàng nghìn tỉ USD cho các chương trình xã hội. Các chính sách này được ban hành trong bối cảnh châu Âu ít phải đối mặt với các mối đe dọa hơn và nhận được sự hỗ trợ đảm bảo an ninh từ Mỹ.

Các chính sách này được lòng các cử tri nên các nước châu Âu khó có thể bãi bỏ, ngay cả khi cuộc chiến ở Ukraine xảy ra và chính sách của Mỹ đang dần thay đổi. Theo tờ The Wall Street Journal, hầu hết quốc gia châu Âu đều không thể đưa quân đội của họ vào trạng thái chiến đấu.

Trong số các quốc gia này, Đức là ví dụ điển hình cho thấy sự loay hoay trong việc giải bài toán cân đối giữa việc phân bổ tiền cho ngân sách quốc phòng và phúc lợi xã hội.

Ngân sách quân sự
Các thành viên Đội Bảo vệ Cơ động trên không thuộc quân đội Đức vào tháng 10-2023. Ảnh: REUTERS

Thực trạng chung

Nhiều nước châu Âu đã cam kết tăng ngân sách quân sự. Dù vậy, các bộ trưởng quốc phòng châu Âu cho biết họ đang phải rất cố gắng để có được đủ nguồn ngân sách cho hoạt động của ngành.

Tại Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu – các căn cứ quân sự đang xuống cấp hoặc đã được chuyển đổi sang mục đích dân sự, trở thành các trung tâm thể thao, viện dưỡng lão và văn phòng quỹ hưu trí. Quân số Đức hiện chỉ còn 180.000 người. Hiện tại, nước này có vài trăm xe tăng hoạt động, ít hơn nhiều so với hơn 2.000 xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 mà Tây Đức sở hữu vào cuối những năm 1980.

"Điều đó khiến tôi thất vọng. Điều đó có nghĩa là có một số việc tôi không thể thực hiện theo tốc độ mà tình hình thực tế đòi hỏi" – Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nói.

Theo báo cáo được Viện Kinh tế Thế giới Kiel (Đức) công bố đầu tháng 9, với tốc độ tái vũ trang hiện tại, Đức sẽ mất 100 năm để đưa kho dự trữ pháo binh của họ trở lại mức năm 2004.

Theo The Wall Street Journal, Mỹ chiếm hai phần ba chi tiêu quân sự trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Cả hai ứng cử viên tổng thống Mỹ hiện tại đều cho biết họ muốn châu Âu chi tiêu quân sự nhiều hơn.

Hiện tại, ngoại trừ Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic, rất ít quốc gia châu Âu chi gần 3% GDP cho quân sự.

Dưới thời các thủ tướng thuộc đảng Bảo thủ, Vương quốc Anh đã cam kết sẽ tăng ngân sách quân sự từ 2,3% GDP như ngày nay lên 2,5% GDP từ nay đến năm 2030. Tuy nhiên, sau khi đắc cử, Thủ tướng Keir Starmer không nói rõ khi nào sẽ tiến đến con số trên. Trong khi đó, ngân sách quân sự ở Ý và Tây Ban Nha hiện ở mức dưới 1,5% GDP.

Lựa chọn không dễ

Trong các cuộc đàm phán về ngân sách năm 2025 của Đức vào đầu năm nay, Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner muốn cấp thêm tiền cho quân sự bằng cách đóng băng chi tiêu phúc lợi xã hội trong 3 năm. Động thái này đã bị các đảng khác trong liên minh cầm quyền bác bỏ.

Theo đó, ngân sách quốc phòng cơ bản của Đức năm 2025 chỉ tăng 1,2 tỉ euro so với năm 2024, chỉ đủ để trang trải cho chính sách tăng lương mới nhất cho quân nhân. Chi tiêu cho viện trợ quân sự cho Ukraine đã bị cắt giảm xuống còn 4 tỉ euro, bằng khoảng một nửa mức của năm 2024.

Các đảng trong liên minh cầm quyền của Đức đã nhất trí là tăng 108/năm trong hai năm tới cho Kindergeld. Kindergeld là khoản thanh toán hàng năm 3.000 euro trả cho mỗi trẻ em đến khi chúng được 25 tuổi và áp dụng cho tất cả gia đình, bất kể thu nhập. Ngày nay, chỉ riêng khoản trợ cấp đó, chính phủ Đức cần chi hơn 50 tỉ euro/năm, tương đương với ngân sách hàng năm của Bộ Quốc phòng Đức.

"Ý tưởng về việc phá bỏ nhà nước phúc lợi vì chúng ta cần nhiều tiền hơn cho quân đội là một ý tưởng chết người. Chi tiêu phúc lợi xã hội điều là cần thiết để giữ cho đất nước thống nhất" – Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết.

Theo nhóm nghiên cứu Ifo (Đức), toàn bộ châu Âu đã tiết kiệm được khoảng 1.800 tỉ euro kể từ năm 1991 bằng cách chi tiêu ít hơn 2% GDP cho quốc phòng.

Chính từ việc chi tiêu cho phúc lợi xã hội nhiều hơn, nhiều vùng quê ở Đức đã được thay da đổi thịt.

Thị trấn Görlitz nằm ở đông nam nước Đức. Tại các quảng trường của thị trấn, những người về hưu ngồi nhâm nhi cà phê. Sinh viên được học miễn phí tại khuôn viên trường đại học thoáng mát. Nhà ga xe lửa đang được tân trang, quảng trường trung tâm được cải tạo và bệnh viện địa phương đang xây dựng một khu mới cho người già.

lua-chon-ngan-sach-quan-su-va-phuc-loi-xa-hoi (1).jpg
Một phụ nữ bên chiếc xe đẩy trẻ em ở thị trấn Görlitz (đông nam Đức). Ảnh: THE WALL STREET JOURNAL

Nhiều cử tri phản đối

Các nhà kinh tế cho biết nhiều biện pháp phúc lợi có thể sẽ bị cắt giảm để giúp tăng cường ngân sách quân sự. Theo ông Moritz Schularick – chủ tịch Viện Kinh tế Thế giới Kiel, những biện pháp này có thể là nguồn ngân sách 3 tỉ euro/năm hỗ trợ người dân dùng phương tiện giao thông công cộng và tàu hỏa khu vực trên toàn quốc, 5 tỉ euro/năm dành cho việc đào tạo những người thất nghiệp.

Việc tăng ngân sách quân sự của Đức lên 3% GDP sẽ đòi hỏi nước này phải cung cấp thêm 40 tỉ euro/năm cho quốc phòng.

“Tôi không chắc [cắt giảm chi tiêu phúc lợi] là giải pháp. Tôi nghĩ rằng những gì chúng ta cần là một nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn” – ông Michael Kretschmer, thống đốc của bang Saxony (Đức) nêu quan điểm. Ông cho rằng cần chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng là đúng nhưng vẫn cần chi tiêu cho trường học, cơ sở hạ tầng và các hạng mục khác.

Các đảng mới nổi tại Đức cũng phản đối việc ngân sách quân sự nhiều hơn.

Đảng cực hữu AfD đã giành được ảnh hưởng tại nhiều bang và gần như giành chiến thắng trong cuộc bầu cử cấp tiểu bang Saxony vào ngày 1-9. Một phần nguyên nhân dẫn đến chiến thắng này là nhờ các cam kết các phúc lợi mới như bữa ăn miễn phí tại trường học, đồng thời cam kết sẽ tìm cách cắt giảm ngân sách quân sự.

Đảng BSW cực tả mới cũng ghi điểm trong cuộc bầu cử khi cam kết sẽ ưu tiên phúc lợi cho người dân hơn chi tiêu quốc phòng.

“Chúng tôi không muốn chuẩn bị cho chiến tranh, chúng tôi muốn chuẩn bị cho hòa bình. Và trên hết, chúng tôi cần duy trì hòa bình xã hội tại Đức” – bà Zaklin Nastic, chuyên gia chính sách quốc phòng của đảng BSW tại quốc hội Đức, cho biết.

Trong khi đó, các dự án quân sự phải đối mặt với sự phản đối của người dân địa phương. Mùa hè năm 2023, hàng trăm người dân và chính trị gia địa phương từ đã biểu tình trước một căn cứ không quân bỏ hoang gần thị trấn Görlitz.

Những người biểu tình muốn ngăn cản nhà sản xuất vũ khí Rheinmetall xây dựng một nhà máy sản xuất đạn dược mới tại địa điểm này để cung cấp cho Ukraine và bổ sung kho dự trữ đạn dược của Đức. Nhiều người lo ngại nhà máy này có thể trở thành mục tiêu tấn công nếu xung đột xảy ra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm