Chiều 12-6, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại hội trường (vòng 2) về dự thảo nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD). Có 17 ĐB có ý kiến, một ĐB tham gia tranh luận, đa số ĐBQH đã tán thành với báo cáo giải trình, tiếp thu sửa đổi dự thảo nghị quyết xử lý nợ xấu.
Không miễn trừ trách nhiệm
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh cho biết nhiều ý kiến đề nghị bổ sung thêm nguyên tắc không sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) để xử lý nợ xấu; các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật để xảy ra nợ xấu phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Ủy ban Thường vụ QH đã tiếp thu, bổ sung về các nguyên tắc này tại Điều 3 của dự thảo nghị quyết.
Tuy nhiên, ĐB Lê Thị Thủy (Hải Dương) cho rằng tuy không sử dụng NSNN để xử lý nợ xấu nhưng bản chất vẫn có tiền của NSNN trong các hỗ trợ ưu tiên gián tiếp. Cho nên phải nói rõ bản chất vấn đề này.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng tái khẳng định Chính phủ nghiêm túc không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo thì TCTD phải trích lập dự phòng, khi yêu cầu TCTD phải dùng thu nhập để tăng trích lập dự phòng thì sẽ ảnh hưởng đến phần thuế của doanh nghiệp (DN) và khi tăng trích lập dự phòng thì còn ảnh hưởng đến cổ tức nộp NSNN. Như vậy là ngân sách đã gián tiếp hỗ trợ cho quá trình xử lý nợ xấu.
ĐB Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) băn khoăn có hay không việc vô tình giúp người có trách nhiệm gây nợ xấu được vô can, miễn tội. Do đó, cần giải thích rõ trong nghị quyết về việc không miễn trừ trách nhiệm dù nợ xấu đã được xử lý.
ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh) kiến nghị nên “khuôn” lại ở những khoản nợ phát sinh trước 31-12-2016, không nên mở rộng trong suốt quãng thời gian nghị quyết có hiệu lực để “vô tình trở thành lá bùa chống lưng cho các đơn vị sai phạm hoặc ít nhất là thiếu trách nhiệm trước đây để xảy ra nợ xấu”. ĐB này cho rằng việc xác định phạm vi nợ xấu được xử lý là quan trọng, nên đề nghị lấy ý kiến ĐBQH bằng phiếu.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ Cao Đình Thưởng phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
Băn khoăn quyền thu giữ tài sản đảm bảo
Liên quan đến việc thu giữ tài sản đảm bảo trong trường hợp có tranh chấp, ông Vũ Hồng Thanh cho biết một số ý kiến đề nghị quy định rõ trường hợp thu giữ tài sản đảm bảo, nếu có tranh chấp, liên quan tố tụng thì thực hiện qua tòa án. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ để việc thu giữ tài sản đảm bảo không ảnh hưởng đến quy định của hiến pháp về quyền công dân, quyền nhà ở của công dân...
ĐB Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An), Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An, cho biết vẫn “chưa yên tâm về việc xử lý tranh chấp và hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình thu giữ tài sản”. “Nghị quyết giao cho TCTD một quyền năng rất lớn, trong khi TCTD không phải cơ quan nhà nước, không có quyết định hành chính nên sẽ không đặt ra vấn đề khiếu nại-tố cáo. Nhưng vi phạm có thể xảy ra, thậm chí rất nhiều, vì trình tự thu giữ nghị quyết quy định còn rất chung chung nếu so với thi hành án dân sự…” - ĐB Thu Trang nhận định và cho rằng những gì được giải trình là chưa khả thi, trong khi thực tiễn chắc chắn sẽ diễn ra vì tài sản đảm bảo là bất động sản thường là nơi ở của cả gia đình, nơi sản xuất, kinh doanh của cả DN, nghĩa là liên quan đến nhiều người.
Giải đáp ý kiến của ĐB, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết cơ quan soạn thảo thấy rằng nghị quyết không đặt ra bất kỳ đặc quyền hay ưu ái nào cho TCTD. Theo thống đốc, việc xử lý nợ xấu sẽ giúp giảm bớt chi phí, qua đó sẽ giảm lãi suất, giúp việc tiếp cận vốn của nền kinh tế tốt hơn, giúp đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của TCTD và người gửi tiền. Với những điều ĐB Trang nêu, thống đốc khẳng định “hệ thống pháp luật Việt Nam đã có đủ quy định hiện hành để xử lý”.