Dừng bớt những cuộc họp không cần thiết để lo chống hạn, mặn

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, đợt xâm nhập mặn lần này ở ĐBSCL nằm trong chuỗi Elnino 2014-2016 với ba đặc điểm là đến sớm, xâm nhập sâu vào đất liền và kéo dài ngày. Đây có thể xem là một đợt thiên tai xuất hiện lại sau gần 100 năm. Có những nơi chưa từng bị xâm nhập mặn như Vĩnh Long thì nay đã bị.

 Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhẩm tính thiệt hại trước mắt của người dân hai tỉnh Cà Mau, Kiên Giang về lúa đã lên tới cả ngàn tỉ đồng. Ảnh: N.NAM

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương trong vùng phải có nhận thức đúng đắn về sự nghiêm trọng của tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, phải coi phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu để có chỉ đạo quyết liệt với nhiều giải pháp cấp bách và lâu dài. Đồng thời, cần tăng cường thông tin, tuyên truyền để nhân dân có sự hiểu biết đúng về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra hết sức gay gắt hiện nay và cả trong tương lai để có các biện pháp phòng, chống và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

 Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trước mắt cần đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Ảnh: N.NAM

Phó Thủ tướng cũng lưu ý thiên tai phải giải quyết nhanh và kịp thời đừng để quy trình, thủ tục kéo dài. Dừng bớt những cuộc họp không cần thiết để chỉ đạo những việc cần làm ngay trong tình hình này. Các địa phương cần chăm lo đảm bảo đời sống người dân, không để thiếu đói, dịch bệnh bùng phát do hạn, mặn kéo dài.
"Các địa phương ưu tiên nguồn nước cho sinh hoạt, chăn nuôi rồi mới đến trồng trọt. Giao Bộ NN&PTNT và Văn phòng Chính phủ dự thảo nghị quyết của Chính phủ ưu tiên kinh phí cho Nam Trung Bộ và ĐBSCL trong gói dự phòng thiên tai 23.000 tỉ đồng. Bộ Tài chính trình đề án hỗ trợ các địa phương ngay sau hội nghị này…” - Phó Thủ tướng chỉ đạo.

 Quang cảnh hội nghị về phòng, chống hạn, mặn ngày 17-2. Ảnh: N.NAM

Theo ông Phúc, về lâu dài, ĐBSCL được đánh giá là một trong những khu vực chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Các nước thượng nguồn (Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia) đã và đang có những tác động đến dòng chảy sông Mekong nên nguy cơ tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt ở ĐBSCL ngày càng gay gắt, đòi hỏi các bộ, ngành cần tiếp tục có các nghiên cứu để có các biện pháp thích nghi, ứng phó phù hợp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới