Gần nhà tôi có đám cưới. Cả cô dâu lẫn chú rể đều đã có con riêng. Đám cưới có đầy đủ nghi thức truyền thống, nên các “bà tám” trong xóm xầm xì dè bỉu, nào là “rổ rá cạp lại, có phải trai tân gái mới lớn đâu mà rình rang”, nào là “toàn “secondhand” có gì mà ầm ĩ”...
Còn nhớ lúc cậu tôi đưa vợ (mợ tôi bây giờ) về ra mắt, từ ông bà ngoại đến các dì, cậu trong nhà đều coi thường mợ ra mặt vì mợ từng ly hôn, trong khi cậu vẫn còn “trai tân” (ít ra là trong suy nghĩ của mọi người). Không ai phủ nhận, so với các cô gái cậu quen trước đó, mợ là người vẹn toàn hơn cả, nhưng cái tiếng “gái nạ dòng” đã làm cho cậu mợ trầy trật mãi mới đến được với nhau.
Mới đây, anh bạn tôi cũng gặp khó khi muốn tiến tới hôn nhân với người yêu, vì anh đã từng ly hôn. Dù anh không giấu diếm cuộc hôn nhân ngắn ngủi với người vợ trước, bố mẹ cô vẫn cứ khó chịu với anh. Cuối cùng, họ đành chia tay trong đau đớn vì bố mẹ cô ngăn cấm với lý do anh từng có “án tích” trong hôn nhân, cô thì quá yếu đuối không dám trái lời bố mẹ.
Anh rể tôi lại “dị ứng” kiểu khác, anh không muốn chị tôi qua lại với một cô bạn chỉ vì cô ấy từng ly hôn. Chỉ cần thấy vợ gặp gỡ cô bạn ấy là anh lại cạnh khóe, móc mỉa, kiểu “gần mực thì đen”, “chơi với “ngữ” đó cũng dám có ngày trở mặt với chồng”...
Tôi đã được nghe qua câu chuyện của chị bạn ấy. Xinh đẹp, duyên dáng, có vị trí đáng kể trong công ty, vậy mà chồng vẫn ngoại tình. Chị chỉ quyết định ly hôn khi các con và bố mẹ chị biết chuyện mà anh ta vẫn không thay đổi. Từ một phụ nữ đáng thương, bị ruồng bỏ, dư luận bỗng quay ngoắt 180 độ với chị, mọi ánh mắt dành cho chị - phần lớn từ những người đàn ông, như thể dành cho một thứ sinh vật ghê gớm, kiểu “đàn bà dám bỏ chồng chắc cũng không phải dạng vừa”.
Có ai biết được người ly hôn vừa đau nỗi đau bị phản bội, lại phải đối diện với ánh mắt khinh khi lẫn miệng lưỡi cay nghiệt của thế gian! Ly hôn như một nhát dao cứa vào tâm hồn họ, sự kỳ thị của không ít người lại như một nhúm muối xát mạnh vào vết thương ấy trong cuộc sống hậu ly hôn!
Tôi có vài người quen, đều thật sự hài lòng với cuộc sống mới “hậu ly hôn” của họ. Một cô bạn đã tươi tắn hơn, tự do ăn mặc, mua sắm những thứ mình thích, du lịch bất cứ nơi nào cô muốn đến; không như thời cô còn chung sống với ông chồng gia trưởng, ích kỷ, chỉ muốn giam hãm chứ không muốn vợ làm đẹp, giao du với bất kỳ ai, như hở ra là vợ sổng mất.
Ông anh họ tôi thì như người được giải phóng khi thoát khỏi chị vợ ngoa ngoắt, đã đoảng lại còn tiêu pha hoang đàng. Thế nhưng, cái án ly hôn tưởng chừng đem lại tự do cho anh lại làm khó anh trong việc kiếm tìm hạnh phúc mới. P. - anh bạn đồng nghiệp của tôi, luôn được mọi người khen là gia đình kiểu mẫu, vợ đẹp, con ngoan, nhưng kèm theo lại là những cái bĩu môi khi ai đó vô tình hay hữu ý tiết lộ tiểu sử đã “một lần đò” của vợ anh.
Trong cách nghĩ, cái nhìn còn nặng định kiến của nhiều người, chuyện ly hôn vẫn như một vết sẹo xấu xí, dù đã liền da nhưng vẫn khiến người ta nhức nhối mỗi khi trái gió trở trời. Chợt nhận ra, cái “lấn cấn” hóa ra lại nằm ở người-ngoài-cuộc chứ không ở những người từng ly hôn.
Dẫu không cổ xúy cho việc ly hôn đang có xu hướng gia tăng trong xã hội, nhưng tôi vẫn thầm cảm phục những người can đảm đối mặt với ly hôn, thay vì cam chịu giam mình trong cái vỏ bọc hôn nhân đã rách nát, tự huyễn hoặc mình bằng những mỹ từ như hy sinh, vì con, vì uy tín gia đình… Chúng ta - những người ngoài cuộc, đừng chỉ trích việc ly hôn hay tự cho mình cái quyền xem họ - những người từng dang dở, như một loại “thứ phẩm”.
Thật ra, họ đáng nể phục hơn là bị coi thường như cái cách người ngoài vẫn đánh giá về họ. Với người lần đầu lập gia đình, hôn nhân vốn đã là một bài toán khó, nên với người “làm lại tập hai”, bài toán ấy còn khó hơn gấp bội, chứa nhiều ẩn số hơn gấp bội, chỉ vì cái án ly hôn cứ đeo bám mãi. Đừng quá cay nghiệt với những người vì lỗi lầm hay bất hạnh mà phải dang dở, bởi đâu ai biết chắc cuộc sống của mình sẽ như thế nào trong tương lai.
Theo Lê Thị Ngọc Vi (PNO)