Đừng để bồn nước biến thành 'bom' khi có bão

Cơn bão số 16 đang vào đất liền ở khu vực Nam bộ và TP.HCM (TP) cũng là vùng bị ảnh hưởng. Đã nhiều năm TP không có bão nên nhiều người sẽ chủ quan. Rất nhiều nguồn nguy hiểm ở trên cao như bồn nước, chậu hoa… được đặt trên cao và không được giằng kéo kỹ.
Nguồn nguy hiểm từ… trên trời!
Một vật từ trên cao rơi xuống, nếu loại trừ bị ai đó cố tình ném xuống thì sẽ có hai nguyên nhân: Một là do vật ấy mất liên kết vào vật chủ thể như nhà, cột, trụ điện… Vật ấy có thể là mảng bê tông, ô văng, cửa sổ của những ngôi nhà cũ kỹ hoặc thi công kém chất lượng; cục nóng máy lạnh, panô quảng cáo… treo lâu ngày bị phong hóa, mục nát, gỉ sét.
Hai là do sự tắc trách hoặc chủ quan kém hiểu biết của người đặt một vật nặng trên cao, tưởng đã an toàn mà không lường trước sẽ có một cơn gió mạnh thổi qua gây mất thăng bằng đẩy vật ấy rơi xuống đất.
Đáng sợ là hai nguyên nhân gây tai họa bất ngờ ấy không hiếm ở một nơi nhà cửa cao tầng san sát, cư dân đông đúc và lúc nào cũng có người di chuyển ngoài đường như TP chúng ta.
Dạo quanh một vòng bất kỳ khu dân cư nào trong TP, chúng ta dễ dàng thấy những chậu hoa cảnh nặng từ vài ký đến vài chục ký để, treo cheo leo trên sân thượng hoặc ban công của những ngôi nhà cao tầng. Những mái nhà lợp ngói, panô, bảng hiệu, mái tôn đưa ra khỏi ban công như cánh diều đợi gió với sự liên kết lỏng lẻo.
Đặc biệt có một thứ mà trên sân thượng hoặc mái nhà nào cũng có đó là bồn chứa nước. Do nước máy yếu, dự phòng cúp nước hoặc cấp nước cho máy nước nóng năng lượng mặt trời và có nhà dùng để lọc nước giếng khoan…
Tùy theo nhu cầu sử dụng mà chủ nhà trang bị loại dung tích bồn nước từ vài trăm đến vài ngàn lít. Và tùy theo diện tích nơi đặt bồn nước, tùy theo nhu cầu sử dụng mà người ta đặt bồn nước nằm hay đứng, nâng lên cao chênh vênh trên sân thượng.
Hầu hết người thiết kế và gia chủ ít chú ý tạo những móc néo bằng sắt liên kết với bê tông sân thượng để néo bồn nước vào cho chắc chắn.
Đừng chủ quan TP.HCM không có bão
Khi có người góp ý thì chủ nhà xuê xoa nói: Đặt nó như vậy đã nhiều năm rồi có sao đâu.
Nhưng giờ đây chúng ta, ai cũng biết thời tiết, khí hậu đã khác xưa nhiều.
Lớn lên ở miền Trung, xứ mà thường xuyên bị bão lụt, tôi từng chứng kiến những cây đại thụ, những bụi tre già kiên cố bị gió bão nhấc chỏng chơ cả gốc lẫn rễ; chiếc lu sành nhà tôi to bằng hai vòng tay người ôm, đặt trước hiên nhà đầy nước mưa, nặng như thế mà bị gió bão cuốn bay dật dờ qua vườn hàng xóm.
Nếu có một cơn bão ập xuống TP, tôi tin rằng những bồn nước nặng hàng tấn không giằng néo, những chậu cảnh để hớ hênh trên cao sẽ bay tứ tung. Đặc biệt, bồn nước sẽ như những quả bom nước rơi xuống đường dây điện, gây chập điện giữa lúc mưa gió rất nguy hiểm.
Rớt xuống mái tôn của những căn nhà cấp bốn sẽ gây sập nhà, rớt xuống những người đang đi đường không kịp ẩn nấp và dù có ngồi trong ô tô cũng rất nguy hiểm…
Giữa mùa mưa bão, chính quyền TP đã có nhiều giải pháp giúp người dân phòng tránh bão.
Nhưng trước hết, mỗi công dân phải có trách nhiệm phòng, chống bão ngay trong ngôi nhà của mình. Bỏ ra vài tiếng đồng hồ giằng néo hoặc dẹp bỏ những vật có thể bị gió bão cuốn đi, ngoài việc không gây nguy hiểm cho người khác còn tiết kiệm được tiền bạc cho mình là việc đáng làm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm