Từ hôm nay (22-7), thí sinh (TS) trên cả nước sẽ bắt đầu đăng ký, điều chỉnh và bổ sung nguyện vọng (NV) xét tuyển ĐH theo hình thức trực tuyến. Đây là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT thực hiện đăng ký và lọc ảo chung bằng hệ thống phần mềm cho tất cả phương thức xét tuyển, do đó TS cần cẩn trọng từng bước trong quá trình đăng ký để tránh sai sót đáng tiếc.
Cán bộ tuyển sinh tư vấn cho thí sinh, phụ huynh chọn ngành, nghề xét tuyển năm 2022 tại một ngày hội tuyển sinh. Ảnh: PHẠM ANH |
Kỹ lưỡng mã ngành, mã phương thức
Theo kế hoạch mà Bộ GD&ĐT đã công bố, từ ngày 22 đến 17 giờ ngày 20-8, TS sẽ sử dụng tài khoản cá nhân đã được cấp để đăng ký, điều chỉnh và bổ sung NV xét tuyển ĐH theo hình thức trực tuyến thông qua hệ thống của Bộ GD&ĐT.
Như mọi năm, TS sẽ không bị giới hạn số lượng NV, sắp xếp thứ tự từ 1 đến hết (NV1 là NV cao nhất, ưu tiên nhất). Đây là những NV vào những ngành học mà TS muốn xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và những ngành mà TS đã đạt điểm chuẩn sơ tuyển khi tham gia xét tuyển sớm bằng các phương thức khác ở tất cả cơ sở đào tạo. Hệ thống sẽ đảm bảo TS chỉ trúng tuyển một NV cao nhất nếu đủ điều kiện trúng tuyển.
Trong quá trình đăng ký, Bộ GD&ĐT lưu ý TS cần tìm hiểu thông tin chính xác để nhập liệu đúng về mã trường, mã ngành, mã phương thức xét tuyển, mã tổ hợp đã được cơ sở đào tạo công khai trong đề án tuyển sinh.
Riêng đối với TS trúng tuyển thuộc đối tượng xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT, từ ngày 22 đến 17 giờ ngày 20-8, TS có thể xác nhận nhập học trên hệ thống. Tuy nhiên, khi TS đã xác nhận nhập học sẽ không được đăng ký NV xét tuyển tiếp theo, trừ khi được lãnh đạo cơ sở đào tạo cho phép không nhập học.
Trong trường hợp chưa xác định nhập học, TS có thể tiếp tục đăng ký NV trên hệ thống như các TS khác để các cơ sở đào tạo xét tuyển, nếu trúng tuyển TS sẽ xác nhận nhập học theo lịch chung.
Sau khi hoàn tất việc đăng ký, từ ngày 21 đến 17 giờ ngày 28-8, TS phải xác nhận số lượng, thứ tự NV xét tuyển trên hệ thống, đồng thời nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng NV bằng hình thức trực tuyến. Khi đó, hệ thống mới chính thức chấp nhận việc đăng ký NV xét tuyển của TS.
TS cần tìm hiểu thông tin chính xác để nhập liệu đúng về mã trường, mã ngành, mã phương thức xét tuyển, mã tổ hợp đã được cơ sở đào tạo công khai trong đề án tuyển sinh.
Đừng để đủ điểm chuẩn nhưng rớt đại học
Để tránh những sai sót trong quá trình đăng ký, ThS Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho rằng TS có gần một tháng để đăng ký NV xét tuyển, vì vậy cần bình tĩnh và cân nhắc kỹ từng NV, chọn thời gian đăng ký phù hợp, tránh dồn vào ngày đầu đăng ký sẽ dễ bị tắc nghẽn hệ thống, làm ảnh hưởng đến việc đăng ký, thậm chí mất dữ liệu khi đăng ký.
Tương tự, ông Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh (Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM), cũng lưu ý TS khi xác định NV xét tuyển nên theo nguyên tắc thứ tự chọn nghề/công việc, ngành học, bậc học, trường học, phương thức xét tuyển. Trong đó, việc chọn nghề nghiệp phải căn cứ vào năng lực, sở thích của bản thân, đồng thời tìm hiểu kỹ thêm các yếu tố liên quan như tố chất, yêu cầu công việc, xu hướng và cơ hội nghề nghiệp… Sau đó, khi sắp xếp NV, TS đặt ngành thích nhất ở trường muốn học nhất lên NV1, các NV sau có mức độ thích giảm dần.
Đối với những NV mà TS đã “đủ điều kiện trúng tuyển”, đại diện cán bộ tuyển sinh Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã đặt ra ba trường hợp để TS lưu ý khi đăng ký NV.
Cụ thể, thứ nhất, nếu TS đã có quyết định chỉ chọn một ngành trong các ngành (của các trường) đã được “đủ điều kiện trúng tuyển” để học thì trên hệ thống, TS chỉ đăng ký duy nhất một NV là trường và ngành đó. Việc này sẽ giúp TS thực hiện nhanh chóng, không tốn kém thêm chi phí đăng ký cho các NV khác.
Trường hợp thứ hai, nếu TS còn có các NV khác (chưa đủ điều kiện trúng tuyển) muốn xét tuyển hơn, TS sắp xếp các NV đó lên đầu và chọn một trong các ngành đã được “đủ điều kiện trúng tuyển” để ở cuối cùng trong bộ NV. Khi đó, nếu TS không trúng tuyển các NV ở trên, NV cuối cùng vẫn chắc chắn sẽ được xét trúng tuyển.
Trường hợp 3, nếu TS quyết định không chọn các ngành đã “đủ điều kiện trúng tuyển” (vì không yêu thích hoặc không phù hợp), thì trên hệ thống, TS đăng ký các NV khác và tuyệt đối không ghi các ngành đã “đủ điều kiện trúng tuyển” vào bộ NV.
Trường cũng lưu ý, ngay cả sau khi lọc ảo và có kết quả trúng tuyển, TS cũng cần phải xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống, trước khi nhập học trực tiếp tại các cơ sở đào tạo.
Còn với TS mong muốn xét tuyển theo phương thức dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc các phương thức kết hợp, ThS Trần Vũ, Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông (Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM), khuyên TS cần theo dõi phổ điểm để đánh giá đúng tình hình và lựa chọn các ngành có mức điểm năm ngoái phù hợp với điểm số. TS cũng trên nguyên tắc ngành nào muốn chọn học nhất thì đặt NV1. Ngoài ra, nếu có các vấn đề về tuyển sinh của từng trường, TS nên hỏi bộ phận tư vấn của các trường để tránh nhiễu thông tin và cũng được cập nhật chính xác hơn.•
Không thông báo trúng tuyển chính thức khi TS chưa
tốt nghiệp THPT
Để đảm bảo quyền lợi cho tất cả TS, Bộ GD&ĐT chỉ đạo trong thời gian đăng ký, các trường THPT phải mở các phòng máy tính có nối mạng Internet để TS sử dụng thực hiện đăng ký NV. Đồng thời, cử giáo viên hỗ trợ việc đăng ký NV cho những TS không có điều kiện đăng ký trực tuyến. Tuy nhiên, bộ lưu ý các trường chỉ hướng dẫn, hỗ trợ TS, tuyệt đối không giữ tài khoản, mật khẩu và không làm thay TS.
Riêng với các cơ sở đào tạo, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở không thông báo TS trúng tuyển chính thức dưới mọi hình thức khi TS chưa tốt nghiệp THPT và phải có phương án để không tuyển vượt số lượng chỉ tiêu đã dự kiến. Bên cạnh đó, các cơ sở không được yêu cầu hoặc thỏa thuận với TS việc cam kết, xác nhận nhập học sớm dưới bất kỳ hình thức nào (nộp kinh phí giữ chỗ, thu giữ các hồ sơ…).