“Đừng “giết” chúng tôi!”

Đầu thập niên 1990, khi Sông Bé chưa chia tỉnh, người dân đất Thủ đã hạnh phúc với cái tên đội bóng đá Sông Bé. Một đội bóng nổi tiếng chân chất, đại diện cho miền Đông Nam bộ đi đá giải A1 toàn quốc.

Sông Bé thắng như chẻ tre và là đội bóng nổi tiếng vô tư và hồn nhiên giữa các đội bóng mạnh trong chiến dịch “đồng tiền đi trước” được xem là “mafia trong làng bóng nội” lúc bấy giờ.

Trận quyết định suất thăng hạng đội mạnh với Khánh Hòa trên sân Buôn Mê Thuột, ông giám đốc Sở TDTT Sông Bé - Tư Minh thật thà báo cáo với bà Út Lan - Phó Chủ tịch phụ trách văn xã tỉnh Sông Bé: “Về lực, mình dư sức thắng họ nhưng bóng đá Việt Nam không đơn giản mạnh thắng yếu thua. Tôi dám chắc họ đã mua trọng tài và mua cả ban tổ chức rồi. Đội chúng ta sẽ bị ép và sẽ thua thôi!”.

Một ngày trước trận đấu, trong buổi tiệc trước trận do ban tổ chức địa phương chiêu đãi hai đội bóng, tổ trọng tài, giám sát và ban tổ chức giải. Cuối tiệc, bà Phó Chủ tịch Sông Bé Út Lan xin được phát biểu. Đợi tất cả đều im lặng, bà Út Lan nói: “Tôi chúc các đồng chí trọng tài làm tốt, tôi chúc ban tổ chức giải thành công và tôi thiết tha mong các trọng tài làm nhiệm vụ thật công minh, đừng GIẾT đội bóng yếu thế của chúng tôi!”.

Không khí buổi tiệc đang náo nhiệt bỗng nặng như chì. Trưởng ban tổ chức Trần Bảy mặt lạnh nhìn từng thành viên trong ban tổ chức rồi quay sang các trọng tài. Đại diện đội Khánh Hòa lấm lét liếc sang từng thành viên ban tổ chức rồi lại nhìn các trọng tài.

Hôm sau đến bóng lăn trong sự điều hành của trọng tài chính Phạm Văn Quang, hai trợ lý Nguyễn Văn Mùi, Từ Minh Đăng và trọng tài thứ tư Triệu Hải Sơn. Ông Quang trên đường đi với hai đội ra sân còn dằn mặt cầu thủ Sông Bé: “Đá cho đàng hoàng đấy nhé! Không ai giết ai đâu!”.

Còi hết hiệp một vừa dứt khi Sông Bé bị Khánh Hòa dẫn 1-0 từ bàn thắng gây tranh cãi thì hơn 10.000 khán giả Buôn Mê Thuột bất bình đứng dậy phản ứng và la ó nhắm vào tổ trọng tài. Có người còn vô tư đòi thay trọng tài vì Khánh Hòa đá thô bạo, phạm luật nhưng cứ được cho qua, trong khi Sông Bé thì bị “đè ngửa” (ngôn ngữ của giới bóng đá nói về đội bóng bị chèn ép).

Trước khi vào hiệp hai, một trọng tài mò lên khu vực VIP nói với trưởng giải Trần Bảy: “Trọng tài Quang căng quá, bị rách bắp và đề nghị được cử trọng tài khác vào thổi thay”. Ông Bảy bình thản nói từng tiếng: “Nói lại với cậu Quang là khi nào không đi nổi và phải bò trên sân thì tôi mới cho thay!”. Câu nói ấy của ông trưởng giải khiến nhiều người “lạnh”.

Hiệp hai, trọng tài Quang gần như chỉ đứng một chỗ thổi với bước đi khập khiễng, lại còn bị khán giả ném đá vì thiên vị.

Đỉnh điểm của trận đấu là tình huống tiền đạo đội Sông Bé thoát xuống một mình một bóng thì thủ môn Khánh Hòa lao ra, bỏ bóng tung hai chân đạp thẳng vào ngực tiền đạo Sông Bé. Một quả 11 mét thấy rõ và đó là cơ hội gỡ hòa nhưng trọng tài xua tay cho trận đấu tiếp tục.

Cầu thủ Sông Bé vừa đá vừa khóc trên sân vì uất ức trong khi ở khu vực VIP, bà Phó Chủ tịch Sông Bé Út Lan cũng lấy khăn ra lau nước mắt.

Trận đấu kết thúc với kết quả 2-0 nghiêng về Khánh Hòa nhưng khán giả Buôn Mê Thuột không chấp nhận. Bà Út Lan xuống sân ôm từng cầu thủ khóc. Bà đau xót khi nhìn cái ngực bầm tím và rướm máu, hằn sâu dấu đinh giày mà cầu thủ nhà bị đạp rồi thốt lên: “Không phải là ngày hội bóng đá. Đó là ngày “tận thế”! Trọng tài Việt Nam như thế, ban tổ chức Việt Nam như thế thì có mời đội vô địch thế giới sang đây đá cũng không lại!”.

Chiều hôm ấy, khán giả Buôn Mê Thuột bất bình ngồi lì trên sân, la ó và phản đối. Họ đòi đưa các trọng tài ra “xử” và lên án cả ban tổ chức. Ban tổ chức địa phương đã phải tính đến việc đề nghị các trọng tài cải trang, mặc áo cảnh sát cơ động để ra xe về ... 17 giờ 15 kết thúc trận đấu nhưng phải đến 22 giờ đêm các trọng tài mới được đưa về khách sạn. Đêm đó, một nhóm cảnh sát cơ động đã được điều đến trực tại khách sạn để bảo vệ cho các trọng tài. Cũng đêm đó ở khách sạn, bia và rượu lênh láng trong phòng ban tổ chức và các trọng tài. Đến giờ vẫn còn nhiều người nhắc lại và nói vui bia đấy là bia “lộc” của đội lên hạng.

Sau trận đấu ấy, rất nhiều cầu thủ Sông Bé về nhà xin treo giày vì không còn niềm tin.

NGUYỄN HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm