Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu mỗi doanh nghiệp xuất khẩu lao động chỉ được giao nhiệm vụ và ủy quyền cho ba chi nhánh có trụ sở đặt tại tỉnh, TP trực thuộc trung ương khác và khác với trụ sở chính của doanh nghiệp.
Yêu cầu trước ngày 31-12-1015 doanh nghiệp phải rà soát, sắp xếp và báo cáo đầu mối được giao tổ chức đưa người lao động sang Đài Loan. Cùng đó dự kiến trước ngày 31-1-2016, danh sách trụ sở và địa điểm hoạt động của doanh nghiệp sẽ được công bố trên website của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH).
Dự kiến từ ngày 1-2-2016, các doanh nghiệp không được tổ chức tư vấn, đăng ký, tuyển chọn, đào tạo, thu tiền và làm thủ tục đưa đi ở ngoài các địa điểm đã đăng ký và được đưa lên website của Cục. Trường hợp kiểm tra, phát hiện các văn phòng, cơ sở nằm ngoài danh sách đăng ký, Cục sẽ xử lý theo nguyên tắc, các doanh nghiệp có liên quan đến các cơ sở này sẽ bị tạm dừng đưa lao động sang Đài Loan tối thiểu 30 ngày để giải trình và báo cáo.
Lao động xuất khẩu đi làm việc tại Đài Loan. Ảnh: dantri
Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH cho biết sẽ tập trung kiểm tra đối với người lao động dự kiến xuất cảnh, trường hợp phát hiện lao động không được đào tạo đủ thời lượng, nội dung, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đồng thời phải tiến hành đào tạo bồi dưỡng kiến thức cần thiết bổ sung cho người lao động trước khi xuất cảnh.
Tăng cường công tác xử lý khiếu nại của lao động bị thu phí cao. Quá trình giải quyết, nếu phát hiện các vi phạm của doanh nghiệp không tuyển chọn trực tiếp, không thu tiền trực tiếp, thu phí quá quy định... sẽ xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật và dừng hoạt động của doanh nghiệp nếu bị khiếu nại nhiều.
Ngoài ra Bộ cũng lưu ý, tăng cường quản lý việc hợp tác với các công ty môi giới Đài Loan nhằm hạn chế số lượng công ty môi giới Đài Loan xếp hạng thấp được hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam để hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến tăng phí môi giới.