Tuy nhiên, đừng bao giờ hy vọng với một vài chuyến đi khảo sát là có ngay những hợp đồng, có ngay các thương vụ làm ăn. Nếu đi chớp nhoáng, không có điều tra khảo sát nghiên cứu để có cách làm phù hợp thì sẽ không khai thác được tiềm năng này.
Trên đây là chia sẻ của ông Đào Ngọc Tâm, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Myanmar, tại hội thảo về thị trường Myanmar do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) vừa tổ chức.
Một số ý kiến khác tại hội thảo cho biết hiện ở Myanmar phân khúc hàng bình dân vẫn chiếm phần lớn. Họ ưu tiên mua sắm những mặt hàng dùng trong gia đình, chẳng hạn như hàng may mặc. Những mặt hàng có giá dưới 5 USD được tiêu thụ nhiều. Đồng thời, nhiều người Myanmar thích mua hàng có rút thăm trúng thưởng, khuyến mãi...
Ông Tâm lưu ý thêm, do mới mở cửa nên ở lĩnh vực thương mại, chính phủ Myanmar chưa cho nước ngoài được buôn bán trực tiếp. Từ đó thị trường bán lẻ và bán buôn hiện chỉ có DN Myanmar kinh doanh nên các DN Việt phải hợp tác với các công ty địa phương. Mặt khác, hàng Việt bị cạnh tranh gay gắt với hàng Thái và Trung Quốc do họ ở gần Myanmar hơn.
Mặt khác, thị trường Myanamar thiếu nhiều thứ nhưng điều này không có nghĩa là DN Việt đem cái gì qua đó bán cũng được. DN muốn thâm nhập thị trường này phải tích cực đánh giá, tích cực khảo sát, chuẩn bị kỹ.