Đúng sai rút quyền miễn trừ an ninh quan chức thời Obama?

Nhà Trắng ngày 23-7 cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tính rút quyền miễn trừ an ninh với 6 quan chức an ninh, tình báo cấp cao thời chính phủ tiền nhiệm Obama.

Các quan chức này là cựu Giám đốc CIA John Brennan, cựu Giám đốc FBI James Comey, cựu Giám đốc DNI James Clapper; cựu Giám đốc NSA Michael Hayden, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice, và cựu Phó Giám đốc FBI Andrew McCabe.

Các nhân vật này từng công khai chỉ trích nặng nề cách điều hành chính phủ, các chính sách của ông Trump, đặc biệt về cách thể hiện của ông trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa rồi.

Cựu Giám đốc CIA John Brennan chỉ trích ông Trump kịch liệt sau thượng đỉnh Trump-Putin. Ảnh: REUTERS

Cựu Giám đốc CIA John Brennan chỉ trích ông Trump kịch liệt sau thượng đỉnh Trump-Putin. Ảnh: REUTERS

Lý do Nhà Trắng đưa ra là các nhân vật này đã “chính trị hóa và trong một số trường hợp đã lợi dụng chuyện công và quyền miễn trừ an ninh, đưa ra các cáo buộc vô căn cứ về tiếp xúc sai trái với Nga hay bị Nga ảnh hưởng”. Vậy ông Trump sẽ đúng hay sai nếu quyết rút quyền an ninh các cựu quan chức thời Obama?

Chưa có tiền lệ

Các cựu quan chức tình báo, an ninh Mỹ phần lớn vẫn được duy trì quyền miễn trừ an ninh sau khi rời nhiệm sở. Trong một số trường hợp họ còn tư vấn các quan chức đương nhiệm, tiếp tục cố vấn cơ quan mình từng làm việc, hoặc đó là một điều kiện đã đính kèm vị trí công việc của họ. Bị rút quyền miễn trừ an ninh, đồng nghĩa các nhân vật này bị khiển trách công khai và bị cắt nối kết với cộng đồng tình báo, an ninh Mỹ.

Rút quyền miễn trừ an ninh trả đũa bị chỉ trích chính trị là điều không thường xảy ra, theo CNN. Ông Michael Flynn – từng là cựu Cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump - vẫn không bị chính phủ Obama rút quyền miễn trừ an ninh dù dẫn đầu chiến dịch gây bất lợi cho ứng viên Dân chủ Hillary Clinton trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Mỹ.

Ông Michael Flynn vẫn không bị chính phủ Obama rút quyền miễn trừ an ninh dù gây bất lợi cho ứng viên Dân chủ Hillary Clinton trong cuộc vận động tranh cử tổng thống 2016. Ảnh: CNN

Ông Michael Flynn vẫn không bị chính phủ Obama rút quyền miễn trừ an ninh dù gây bất lợi cho ứng viên Dân chủ Hillary Clinton trong cuộc vận động tranh cử tổng thống 2016. Ảnh: CNN

“Không, tôi nghĩ bạn tự nghĩ ra chuyện này” – bà Sanders nói tại cuộc họp báo khi bị chất vấn liệu có phải ông Trump đang trừng phạt các cựu quan chức vì những lời chỉ trích của họ với mình.

Cựu Phó Giám đốc FBI Andrew McCabe thực tế đã bị rút quyền an ninh sau khi bị sa thải. Ảnh: AP

“Quyền miễn trừ an ninh chỉ bị tước với các lý do di phạm an ninh, thường là kết luận sau một cuộc điều tra. Các nhân vật này không công khai thông tin mật. Đây là sự trừng phạt chính trị vi phạm quyền tu chính án đầu tiên” – cựu Phó Giám đốc CIA John McLaughlin viết trên Twitter. Tu chính án đầu tiên của Hiến pháp Mỹ bảo vệ tự do phát ngôn.

Ông Trump có lý?

Trong khi đó theo Fox News, ông Trump đúng khi tính chuyện rút quyền miễn trừ an ninh các cựu quan chức này, khi họ cố tình hủy hoại ưu tiên an ninh quốc gia và các chính sách của chính phủ Trump. Chưa kể từ khi còn làm việc dưới thời Obama, các nhân vật này đã cố hủy hoại chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump.

Theo Fox News, quyền miễn trừ an ninh được cấp dựa vào sự tin tưởng, và không ai tin được ông Comey khi ông này vẫn liên tục truy cập các bí mật quốc gia, thậm chí viết trong cuốn sách của mình rằng đã lấy được thông tin mật sau khi bị sa thải.

Cựu Giám đốc DNI James Clapper là một trong những người đang bị ông Trump tính rút quyền miễn trừ an ninh. Ảnh: CNN

Cựu Giám đốc DNI James Clapper là một trong những người đang bị ông Trump tính rút quyền miễn trừ an ninh. Ảnh: CNN

Với ông Brennan, làm sao có thể để ông này tiếp tục bên cạnh đội ngũ của chính phủ Trump làm việc thực hiện chính sách, một khi ông này gọi ông Trump là phản nghịch, theo Fox News. Ông Hayden từng công khai cảnh báo mọi người đừng làm việc cho ông Trump, đó không phải là giúp đỡ chính phủ.

Fox News cho rằng tất cả những người này có quyền nói ra suy nghĩ của mình với các hành động của ông Trump, nhưng chính phủ không thể tiếp tục duy trì quyền miễn trừ an ninh để họ tiếp cận dữ liệu thông tin mật một khi đã biết quan điểm của họ.

Chuyện rút quyền miễn trừ an ninh với những người từng công khai cản trở cách điều hành chính phủ của tổng thống là điều cần thiết, dù đáng buồn. Đây không phải là bước đi chính trị mà là phản ứng với các bước đi chính trị của những người đã thực hiện nhằm phản đối ông Trump.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm