Tối 4-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với lãnh đạo Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan cùng lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang để tìm giải pháp cho trạm thu phí BOT Cai Lậy.
Theo Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, tuyến tránh Cai Lậy là một trong 88 tuyến giao thông được xây dựng theo hình thức BOT. Thanh tra Bộ KH&ĐT, Kiểm toán Nhà nước đã vào kiểm tra dự án này và hiện Thanh tra Bộ GTVT đang kiểm tra theo chỉ đạo của Thủ tướng. “Nếu phát hiện ai có sai phạm, kể cả bộ trưởng, đều sẽ kỷ luật nghiêm khắc” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT đã báo cáo ba phương án đối với tuyến tránh Cai Lậy. Sau khi lắng nghe các ý kiến đối với các phương án này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định tạm dừng thu phí trên tuyến tránh Cai Lậy 1-2 tháng để Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan tiếp tục làm rõ mọi vấn đề, đồng thời đề xuất phương án trên cơ sở khoa học và phù hợp thực tiễn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Có những vấn đề đúng pháp luật, đúng quy trình nhưng không phù hợp thực tiễn, không hợp lòng dân thì chúng ta vẫn phải nghiêm túc lắng nghe, cầu thị tiếp thu để sửa chữa”. Thủ tướng cũng khẳng định chủ trương xây dựng hạ tầng giao thông theo hình thức BOT là đúng đắn và cần tiếp tục hình thức này để xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại.
Trên tinh thần đó, trong khi Bộ GTVT hoàn thiện phương án cuối cùng trình Thường trực Chính phủ quyết định, các cơ quan liên quan cần xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm như khai tăng khối lượng, cũng như xem lại mức phí và vị trí đặt trạm thu phí để vừa bảo đảm quyền lợi của người dân vừa góp phần thúc đẩy các dự án BOT giao thông. Kiên quyết không được để vấn đề kinh tế phát sinh thành các bất ổn xã hội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ GTVT đánh giá tổng thể cơ chế, chính sách đầu tư đối với các dự án BOT, đẩy mạnh triển khai việc thu phí không dừng ở những tuyến có điều kiện.
Sau khi Thường trực Chính phủ quyết định phương án cuối cùng đối với dự án tuyến tránh Cai Lậy, Bộ GTVT cùng Bộ TT&TT sẽ tổ chức họp báo để công bố công khai, minh bạch phương án này.
NGHĨA NHÂN
Bộ GTVT và UBND tỉnh Tiền Giang cho biết CSGT đã ghi hình cũng như thống kê được danh sách 14 xe ở những tỉnh khác, không phải ở các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long chỉ chuyên chạy đi chạy lại qua trạm BOT Cai Lậy để gây rối. |
TS NGUYỄN XUÂN THỦY, chuyên gia giao thông: Dời trạm là cách sửa sai hiệu quả nhất TS NGUYỄN XUÂN THỦY Chỉ đạo của Thủ tướng rất kịp thời. Sau khi rà soát, bộ trưởng Bộ GTVT cần sớm cho di chuyển trạm BOT Cai Lậy vào tuyến đường tránh. Đồng thời điều chỉnh tăng phí để bù đắp thiếu hụt cho nhà đầu tư. Nếu làm vậy chắc chắn người dân sẽ đồng thuận. Hiện nay người dân rất hiểu biết pháp luật, tính công bằng, hợp lý… vì vậy cần phải giải quyết các vấn đề minh bạch, thực tiễn và sát với quyền lợi của người dân. Nếu Bộ GTVT không dời trạm sẽ không giải quyết được vấn đề. Người dân đang trông chờ tân Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thể hiện bản lĩnh, quyết đoán, sửa sai theo hướng đúng pháp luật và hợp lòng dân. Nếu không giải quyết nhanh, khoa học, hợp lý, hợp lòng dân vấn đề này, để tình trạng mất trật tự an ninh xảy ra tại Cai Lậy trong thời gian dài thì bộ trưởng phải chịu trách nhiệm. Ông NGUYỄN SĨ DŨNG, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Ông NGUYỄN SĨ DŨNG Vấn đề BOT Cai Lậy là vấn đề công lý. Khi công lý chưa được bảo đảm, sự phản kháng của những tài xế sẽ vẫn còn tiếp tục. Các biện pháp bố trí làn riêng cho xe thanh toán phí bằng tiền lẻ; bảo đảm đủ lượng tiền mệnh giá 100 đồng để thối lại... chỉ là những giải pháp để xử lý hiện tượng, chứ không phải để xử lý nguyên nhân. BOT là một chủ trương đột phá trong việc huy động nguồn lực của xã hội để đầu tư cho hạ tầng giao thông. Nhờ BOT mà cơ sở hạ tầng giao thông của đất nước được cải thiện rất nhanh chóng. Tuy nhiên, do lần đầu triển khai nên những khiếm khuyết, bất cập của BOT là rất khó tránh khỏi. Vấn đề là chúng ta phải đối mặt với những khiếm khuyết, bất cập đó để giải quyết. Quay lưng lại với chúng thì vấn đề vẫn còn nằm ở phía trước chúng ta. TS NGUYỄN HỮU ĐỨC, chuyên gia giao thông: Khái niệm “dự án nằm trong phạm vi dự án” không hợp lý TS NGUYỄN HỮU ĐỨC Bộ GTVT nhiều lần đưa khái niệm dự án sửa quốc lộ 1A nằm trong phạm vi dự án tuyến tránh là hoàn toàn không hợp lý. Ai cũng nhìn thấy dự án BOT Cai Lậy được “móc” thêm dự án sửa quốc lộ 1A để có vị trí đẹp đặt trạm nhằm thu hồi vốn nhanh. Điều đó khiến nhiều người không đi qua tuyến tránh cũng phải đóng phí, đây là nguồn cơn của bức xúc... Để giải quyết tận gốc vấn đề, Bộ GTVT cần đưa trạm BOT Cai Lậy về đúng vị trí của nó là trên tuyến đường tránh như dư luận đang đòi hỏi. Hoặc Nhà nước phải đàm phán với nhà đầu tư để mua lại trạm này. Nếu không người dân sẽ tiếp tục đấu tranh, bức xúc ngày càng tăng khiến cho tình trạng ở đây lộn xộn, gây tổn thất kinh tế-chính trị sẽ lớn hơn. Ông LƯU BÌNH NHƯỠNG, đại biểu Quốc hội: Chính quyền phải chịu trách nhiệm Ông LƯU BÌNH NHƯỠNG Vị trí đặt trạm Cai Lậy là bất hợp lý, vì vậy Nhà nước cần thỏa thuận với nhà đầu tư mua lại và di chuyển trạm BOT trên về đường tránh để thu phí. Chúng ta cũng phải thừa nhận trách nhiệm về vị trí đặt trạm chính là Nhà nước. Vì Nhà nước chấp thuận cho nhà đầu tư đặt trạm ở vị trí trên nên Nhà nước phải có trách nhiệm giải quyết những rắc rối. Không nên để doanh nghiệp đối đầu với người dân. |