Đó là ý kiến của cô giáo Nguyễn Thị Hồng Châu, tổ trưởng tổ Giáo dục công dân của trường THPT Lê Qúy Đôn, TP.HCM về đề thi tham khảo môn học này do Bộ GD&ĐT vừa công bố.
Nhận xét chung về đề tham khảo này, cô Hồng Châu bày tỏ rất thích thú với cách ra đề trắc nghiệm như vậy. Theo cô, nội dung các câu hỏi trong đề rất hay, không đánh đố, nhưng nếu em nào chỉ học thuộc bài và nắm lý thuyết đơn thuần thôi thì sẽ khó làm tốt được.
"Đề thi có nhiều câu hỏi rất hay và mang tính thực tế, như các vấn đề bầu cử, phòng chống tham nhũng, xâm phạm thân thể... Vì thế, đòi hỏi HS phải đọc rất kỹ đề, như thế sẽ sàng lọc được những em vững kiến thức và ôn luyện chắc chắn mới làm tốt được, chứ lơ mơ là khó lắm. Những nội dung này các em đều đã được học kỹ trong chương trình rồi, hầu hết ở lớp 12 nên không xa lạ với các em", cô Châu nhận định.
Cô trò trao đổi bài sau giờ thi tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016
Cũng theo cô Châu, với đề này, thời gian 50 phút làm bài thì nhiều học sinh sẽ thấy khó do đề hơi dài, ngay cả thầy cô cũng phải cẩn thận đọc mới giải nhanh được. Do đó, để đạt điểm từ 5 đến 7 điểm thì dễ, nhưng điểm cao như 9 và 10 là rất khó mặc dù đề phân bổ từ câu dễ đến khó nhưng để đạt điểm lý thuyết thì cũng chỉ khoảng 4 điểm.
Theo cô Châu, các câu hỏi cũng rất rõ ràng nhưng các em phải đọc thật kỹ đề mới làm tốt. Như câu về luật bảo đảm an toàn về bí mật thư tín và điện thoại của công dân ở câu 120, câu 118 về quyền bình đẳng lao động, câu 119 về trách nhiệm pháp lý, khiếu nại tố cáo.... Đây là những cầu dạng nâng cao và suy luận, vận dụng thực tiễn nên có nhiều dữ kiện trong câu hỏi liên kết lẫn nhau. Do đó, nếu học sinh đọc chưa kỹ hoặc không nắm vững kiến thức sẽ rất dễ bị nhầm lẫn.
Nói về việc học để làm được dạng đề này, theo cô Châu, đòi hỏi các em phải đọc thêm từ sách báo, tham khảo tình hình thực tế trong xã hội hơn. Cả đề và việc dạy, ôn luyện ở lớp cho môn này cũng thế, thường chủ yếu kiến thức về pháp luật. Vì thế cô cũng phải đọc báo pháp luật rất nhiều đề làm đề và ôn kiến thức cho học sinh ở lớp.
“Đây cũng là hạn chế của môn học này hiện nay nên sẽ khó cho những học sinh học bình thường vì kiến thức nhiều và sâu, gắn với thực tế. Trong khi đó lâu nay môn học lại chưa được chú trọng nên nền tảng nội dung cũng như giáo viên chưa đủ lực về kiến thức luật, kể cả đã tập huấn nhưng cũng chưa được sâu. Nếu đề chính thức mà cũng ra như vậy thì rất thú vị, mang tính giáo dục rất cao, giúp các em hiểu sâu và rõ hơn để vận dụng vào thực tế sau này chứ không phải học để thi xong là thôi” – cô Châu thẳng thắn.
Môn Vật Lý: Phần đông học sinh sẽ làm được từ 24-36/40 câu Đó là ý kiến nhận xét của thầy Huỳnh Kiều Viết Lãm, giáo viên trường THPT Ten Lơ Man (quận 1, TP.HCM). Theo thầy Lãm, nhìn chung đề tham khảo lần nay tương tự như những đề minh họa trước đây của Bộ GD&ĐT, từ lí thuyết, thực hành, vận dụng.... Barem nội dung các câu chia rất đều cho các nội dung và hoàn toàn trong chương trình lớp 12 như dao động, sóng cơ, dòng điện xoay chiều, mạch dao động, sóng ánh sáng, điện hạt nhân, thuyết tương đối.... Thầy Lãm cho rằng, đề ra khá ổn, hi vọng đề thi thật không thay đổi nhiều. Những câu khó rơi vào những nội dung như dao động cơ, dòng điện xoay chiều và sóng cơ. “Với số câu này mà làm trong 50 phút thì hơi ít thời gian, khó làm hết một cách trọn vẹn. Vì 24 câu đầu làm ít nhất cũng 20 phút, 12 câu tiếp theo phải làm trong 30 phút. Với phần đông học trò bình thường sẽ làm được từ 24 đến 36 câu, còn 4 câu cuối đòi hỏi phải những em rất giỏi hoặc thủ khoa về vật lý mới làm được, nếu không phải đánh lụi” – thầy Lãm cho hay |