Liên quan đến đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT công bố ngày 14-5 vừa qua, ThS. Lê Thị Kim Dung – Giáo viên ngữ văn trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), chia sẻ bản thân là giáo viên hiện đang trực tiếp giảng dạy và ôn luyện cho học sinh (HS) lớp 12 chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2017. Chính vì vậy, cô Dung luôn theo dõi, bám sát các hướng dẫn, cũng như tìm hiểu các đề tham khảo của Bộ, Sở và các trường.
Theo cô Dung đề thi thử nghiệm môn văn được Bộ GD&ĐT vừa công bố đã ra đúng với tiêu chí kiểm tra, đánh giá HS ở bốn mức độ đó là: nhận biết; thông hiểu; vận dụng và vận dụng cao.
Ngoài ra, đề thi tham khảo lần ba này có sự phân hóa cao, phù hợp với việc sát nhập cả hai kỳ thi làm một.
Cô Dung khuyên HS cần nắm vững kiến thức cơ bản, các kỹ năng làm bài.
Dựa vào đề thi cho thấy, ở phần đọc hiểu hay, nhưng khó. Theo cô Dung hay ở chỗ có thể kiểm tra được HS với nhiều phạm vi kiến thức khác nhau. Có câu dễ, câu khó, phân hóa được HS. Nhưng cái khó là các câu đều móc xích, logic với nhau, nếu HS không đọc kỹ câu hỏi thì sẽ dẫn đến hiện tượng trả lời chung chung, lặp ý (câu 2,3,4). Phần này HS rất khó đạt điểm tối đa.
Ở phần làm văn, với câu nghị luận xã hội, vấn đề đưa ra bàn luận “ý nghĩa của việc tìm ra niềm đam mê của chính mình”, rất hay và phù hợp với lứa tuổi các em.
“Các em có ‘đất’ để thể hiện mình. Nhưng cái khó là chính vì có ‘đất’ nên những em học lực khá rất dễ rơi vào tình trạng quá dung lượng (200 chữ). Nhưng với em học trung bình, yếu thì là khó vì câu này liên quan đến phần đọc hiểu. Vì vậy, nếu không cẩn thận các em lại lặp lại các ý trong phần câu hỏi đọc hiểu và như vậy sẽ rất dễ lạc đề” cô Dung chia sẻ.
Với câu nghị luận văn học ra dưới dạng đề bình luận, đây là một trong những dạng đề nâng cao. Dạng đề này hay, phát huy được trí lực, cá tính sáng tạo, độc đáo trong cách cảm nhận của HS. Vì một trong những đặc trưng của bình luận là mang dấu ấn chủ quan của người bình. Đề này đòi hỏi các em phải nắm vững văn bản, thuộc dẫn chứng và có cách lập luận chặt chẽ mới có thể được điểm cao. Với những em học lực trung bình, Yếu sẽ rơi vào tình trạng viết một cách chung chung, không có định hướng.
Qua đề thi thử nghiệm cô Dung có lời khuyên đối với các em HS như sau: Cần nắm vững kiến thức cơ bản, các kỹ năng làm bài (kỹ năng đọc hiểu, kỹ năng xây dựng đoạn văn, kỹ năng làm văn nghị luận, đặc biệt câu nghị luận văn học cần nắm vững kỹ năng xử lý các dạng đề), cần đọc kỹ câu hỏi, đọc kỹ đề trước khi hạ bút.
Bên cạnh đó để làm tốt câu nghị luận văn học, phải thuộc thơ, thuộc dẫn chứng vì đề có thể ra dưới dạng không trích dẫn văn bản văn học. Các luận điểm phải rõ ràng, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng phải cụ thể.