Dừng V-League, CLB sẽ bớt khủng hoảng, nhưng VPF sẽ mất hết

Tại sao lại có những quyết định trái ngược nhau như thế dù 27 CLB đang tham dự V-League và hạng Nhất đều là cổ đông của VPF?

Khi HĐQT VPF ngồi với nhau để đưa ra phương án giãn mùa giải 2021 đến tháng 2 và 3-2022 theo như các CLB thì rõ ràng VPF chỉ tính phần thiệt ít cho VPF mà quên đi sự khủng hoảng của 27 CLB đang phải gánh quỹ lương kéo dài thêm hơn nửa mùa giải, trong đó có hàng loạt những hiền toái như hợp đồng, tiền lương, lót tay cho cầu thủ. Nói như Chủ tịch CLB TP.HCM Nguyễn Hữu Thắng là thiệt hại lên đến hàng trăm tỉ đồng cho việc giãn giải. Ngay như một CLB khéo co kéo như Nam Định mà chi phí sơ sơ cho mỗi tháng giãn giải đã phải mất hơn 1 tỉ đồng tiền lương cho cầu thủ.

Chủ tịch CLB TP.HCM Nguyễn Hữu Thắng và ông Lư Đình Tuấn. Ảnh: PHƯƠNG NGHI

Quỹ lương đặc biệt với cầu thủ ngoại trả từ nay đến tháng 3-2022 sẽ khiến nhiều CLB khủng hoảng. Ảnh: PHƯƠNG NGHI 

27 ý kiến của các CLB gửi về cho VPF về việc tán thành hay không đồng ý đa số đều không muốn V-League lẫn hạng Nhất kéo dài sang năm 2022 bởi bóp nghẹt khả năng tồn tại của rất nhiều CLB. Đặc biệt là họ không muốn làm chủ nợ với những khoản chi phí khổng lồ mà bóng không lăn, CLB không thi đấu nhưng vẫn phải đào ra tiền để thanh toán các khoản nợ lớn. 

Không khó hiểu khi các CLB đều không ủng hộ phương án của VPF dù họ là cổ đông.

VPF tính đến phần thiệt của mình nhiều hơn là nghĩ cho các CLB. Ảnh: CTV

Nhưng phủ quyết với phương án giãn giải của VPF thì các CLB đưa phương án nào?

Thực tế thì đến thời điểm này chẳng CLB nào còn ham vô địch hay đi AFC Champions League hoặc AFC Cup nữa mà chỉ quan tâm đến sự sống còn và quỹ lương của CLB. Thế nên đa phần quyết nhanh trao cúp vô địch cho HA Gia Lai, đội đang dẫn đầu rồi kết thúc giải mà không có ai xuống hạng. Cũng có CLB đề nghị để HA Gia Lai – Viettel đá play off chọn nhà vô địch, không ai xuống hạng rồi tổng kết nhanh để ai về nhà nấy.

Cách chọn của các CLB chưa phải là phương án hay nhưng lại là ít thiệt hại nhất cho các CLB mà nếu kéo dài đến tháng 2 và 3-2022 sẽ có nhiều CLB vỡ nọ và phá sản.

Những đội trong nhóm nguy cơ xuống hạng như Sài Gòn FC dù đầu giải rủng rỉnh tiền bác nhưng giờ cũng lo giải kéo dài. Ảnh: PHƯƠNG NGHI 

HA Gia Lai đang dẫn đầu giải và nhiều đội đề nghị trao luôn cho họ cúp vô địch rồi dừng giải. Nhưng như thế thì VPF sẽ mất hết. Ảnh: PHƯƠNG NGHI 

Với những phiếu phủ nhận và trả lời của 27 đội bóng, hàon toàn có thể nói rằng trái bóng đang được chuyền ngược lên cho VPF hay nói đúng hơn là quyết định của HĐQT VPF đã phá sản.

VPF đang ở thế khó bởi cổ đông lớn VFF đang muốn đơn giản hoá trong việc vừa ưu tiên lớn cho đội tuyển, vừa bớt phức tạp việc tổ chức banh bóng trong khi cả nước đang căng mình chống dịch.

Chỉ có điều là cổ đông lớn VFF và HĐQT VPF nghĩ đến quyền lợi và nghĩa vụ của VPF nhiều hơn nghĩ đến sự khó khăn của các CLB khi giãn V-League sang 2022.

Tại sao không dừng hoặc huỷ giải để 2022 đá mùa bóng mới?

Đơn giản là vì nếu giải không về đích thì những khoản tài trợ, và các hợp đồng với những đối tác của VPF sẽ thành không và thậm chí có khi phải bồi thường hợp đồng. Phần này xét cho cùng thì cũng giống như các CLB phải chịu thiệt và thậm chí phá sản nếu V-League kéo sang 2022.

Giờ thì VPF lại đau đầu sau khi quyết định của HĐQT đã phá sản.

Cái dở của VPF là tính cho mình nhiều hơn nghĩ đến các CLB, những cổ đông nhỏ và cũng là những đơn vị hàng năm phải bỏ những khoản kinh phí rất lớn để VPF tổ chức giải.

Nếu tháng 2 đá tiếp thì từ nay đến đấy thầy trò HLV Kiatisak làm gì?
Ảnh: PHƯƠNG NGHI 

Nam Định (áo xanh) nghèo có hạng trong giải mà mỗi tháng chờ cũng mất hơn 1 tỉ lương cho cầu thủ và các chi phí khác. Ảnh: PHƯƠNG NGHI 

Theo tôi nếu VPF và 27 CLB V-League lẫn hạng Nhất ngồi lại với nhau từ đầu thì sẽ dễ có sự đồng cảm và chia sẻ với nhau hơn là để tới tình trạng này.

Hoàn toàn có thể đưa ra những phương án như V-League, hạng Nhất đá xen kẽ trong những khoảng thời gian đội tuyển không làm nhiệm vụ (lịch đấu vòng loại thứ 3 World Cup 2022 không liên tục). Nghĩ đến đội tuyển quốc gia và ưu tiên cho đội tuyển quốc gia là đúng nhưng song song đó cũng phải tính đến sự phát triển của cả nền bóng đá dựa vào các CLB (nuôi quân, dưỡng quân cho đội tuyển quốc gia).

Nhiều CLB đã chia sẻ rằng thà là cứ đưa ra những phương án bóng lăn trong mùa 2021 còn phù hợp với tình hình dịch bệnh vào thời điểm đấy hay không thì sẽ tính tiếp. Cũng có CLB nói rằng VPF chỉ tính lợi (hay ít thiệt cho mình) mà không hề tính đến sự sống còn của các CLB.

Giờ ngồi lại với nhau thì đã quá muộn vì đã biết hết bài tẩy của nhau nhưng chắc chắn các CLB vẫn muốn một VPF cầu thị hơn và tôn trọng các CLB hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm