Dừng vụ án theo cuộc họp liên ngành?!

Theo kết quả điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Nha Trang (Khánh Hòa), biết Đỗ Duy Trí (nguyên nhân viên sân golf tại khu du lịch đảo Hòn Tằm) bị xử lý hình sự về tội trộm cắp tài sản, ông PTD (nguyên phó trưởng cơ quan đại diện của một tờ báo) đã gặp người nhà Trí hứa lo trọn gói cho Trí được giảm án và hưởng án treo. Ông D. yêu cầu gia đình Trí đưa cho mình 70 triệu đồng để thu xếp.

Dựa vào biên bản họp liên ngành

Ngày 18-11-2011, TAND TP Nha Trang đưa Trí ra xét xử sơ thẩm nhưng phải tạm hoãn vì vắng mặt nhiều người được triệu tập. Sau phiên tòa, người nhà của Trí đã thông tin cho luật sư bào chữa của Trí biết về việc ông D. hứa chạy án, đồng thời cung cấp các chứng cứ như biên nhận, CD ghi âm và đề nghị luật sư giúp đỡ lấy lại tiền.

Tiếp nhận thông tin từ luật sư, Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản gửi các cơ quan tố tụng đề nghị vào cuộc xác minh vì hành vi của ông D. có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Dù ông D. không hợp tác và không thừa nhận hành vi của mình nhưng qua quá trình điều tra, xác minh đã có đủ cơ sở xác định hành vi của ông D. đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Vì vậy, tháng 4-2012, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông D. về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Dừng vụ án theo cuộc họp liên ngành?! ảnh 1

Đến ngày 15-7-2013, thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Nha Trang đã ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án và quyết định khởi tố bị can đối với ông D. Căn cứ để hủy các quyết định đã khởi tố là “biên bản cuộc họp liên ngành giữa các ban, ngành VKSND - Cơ quan CSĐT - TAND đưa ra kết luận đối với vụ án PTD: PTD có hành vi gian dối nhưng ý thức chiếm đoạt tài sản chưa rõ, chưa đủ căn cứ để truy tố”.

Một vụ án khác xảy ra ở thị xã Long Khánh (Đồng Nai) cũng được cơ quan tố tụng căn cứ vào biên bản cuộc họp giữa hai ngành công an và VKS để đình chỉ điều tra.

Cụ thể, năm 2010, do tranh chấp nên giữa ông ĐVT và ông HVN đã xảy ra xô xát. Theo kết luận giám định, ông T. bị chém vào tay gây thương tật 37%, ông N. bị đánh bằng cây gây thương tật 5%. Tháng 5-2011, cơ quan điều tra Công an thị xã Long Khánh đã ra kết luận điều tra, đề nghị VKS thị xã truy tố ông T. về tội cố ý gây thương tích, ông N. về tội cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Ngày 18-8-1011, tại cuộc họp giữa hai ngành VKS với công an đã thống nhất quan điểm là “để giải quyết vụ án một cách hài hòa, không cần xử lý hình sự cả hai mà chuyển phần khởi kiện dân sự đến TAND có thẩm quyền”. Căn cứ vào biên bản cuộc họp liên ngành, ngày 7-9-2011, VKS thị xã Long Khánh đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, đình chỉ điều tra bị can.

Luật không quy định

Xung quanh hai vụ án trên, một vấn đề pháp lý được đặt ra: Theo quy định hiện hành, cơ quan tố tụng có được căn cứ vào biên bản cuộc họp liên ngành để đình chỉ điều tra hay không?

luật sư Cao Quang Thuần (Đoàn Luật sư TP.HCM) khẳng định ngay: “Không được!”. Theo ông, Điều 164 BLTTHS (cùng một số quy định liên quan như các điều 105,107 BLTTHS; các điều 19, 25, 69 BLHS) đã quy định rất rõ về các trường hợp để cơ quan tố tụng ra quyết định đình chỉ điều tra. Đó là các trường hợp: Người bị hại rút yêu cầu khởi tố đối với các vụ án khởi tố theo yêu cầu của người bị hại; không có sự việc phạm tội; hành vi không đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Tương tự là các trường hợp: hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; tội phạm được đại xá; người phạm tội tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội; người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự; đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được tội phạm…

Điều đáng nói là BLTTHS không hề có quy định nào ghi nhận hay cho phép cơ quan tố tụng được căn cứ vào cuộc họp liên ngành để ra quyết định đình chỉ điều tra cả. Việc cơ quan tố tụng căn cứ vào biên bản cuộc họp liên ngành (chứ không phải căn cứ vào các trường hợp luật định) để ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, đình chỉ điều tra bị can là trái pháp luật.

Đồng tình, luật sư Phạm Quyết Thắng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết thêm: Trong thực tiễn tố tụng, gặp vụ việc phức tạp, quan điểm xử lý chưa rõ, các cơ quan tố tụng thường họp liên ngành để thống nhất hướng xử lý nhằm tránh tranh cãi, bất đồng, hồ sơ trả đi trả lại… kéo dài thời gian giải quyết án. Việc họp liên ngành này có tính phối hợp nội bộ, không phải là một thủ tục tố tụng bắt buộc và cũng không hề được BLTTHS quy định. Trong tình hình hiện nay, cơ quan tố tụng đang thụ lý vụ án có thể tham khảo tinh thần của cuộc họp, đối chiếu với quy định của BLTTHS, nếu phù hợp thì viện dẫn các quy định đó (có điều khoản cụ thể) trong quyết định đình chỉ chứ không thể “công khai” viện dẫn biên bản cuộc họp để làm căn cứ đình chỉ được.

Theo luật sư Thắng, cơ quan ra quyết định đình chỉ phải tự mình khắc phục sai sót, nếu không thì cơ quan tố tụng cấp trên phải khắc phục.

Không có giá trị pháp lý

Trước đây, vấn đề “họp liên ngành” này được hướng dẫn tại Thông tư liên ngành số 01 ngày 8-12-1988 của TAND Tối cao - VKSND Tối cao. Thuật ngữ được sử dụng lúc này là “họp trù bị”. Việc “họp trù bị” không phải là một thủ tục tố tụng bắt buộc mà chỉ là lề lối làm việc trong quan hệ phối hợp giữa tòa án và VKS nhằm giúp nhau thực hiện tốt hơn những công việc thuộc chức năng của mỗi ngành. Trường hợp mỗi bên không nhất trí và giữ quan điểm riêng thì mỗi bên vẫn tiến hành những công việc thuộc chức năng của mình.

Kể từ khi BLTTHS năm 2003 có hiệu lực, thuật ngữ “họp trù bị” không được sử dụng nữa và cũng không có văn bản hướng dẫn nào về vấn đề này. Tuy nhiên, thực tế khi gặp các vụ án phức tạp thì các cơ quan tố tụng tiến hành họp liên ngành để thống nhất đường lối áp dụng pháp luật. Cuộc họp liên ngành không phải là một thủ tục luật định, không có giá trị làm căn cứ để ban hành các quyết định tố tụng. Mặc dù các cơ quan tố tụng thống nhất đình chỉ vụ án nhưng khi ban hành quyết định đình chỉ thì phải căn cứ vào điểm, điều, khoản của điều luật cụ thể chứ không được căn cứ vào cuộc họp liên ngành. Biên bản họp liên ngành không có giá trị pháp lý!

TS LÊ TIẾN CHÂU, Cục Công tác phía Nam (Bộ Tư pháp)

ĐỨC TRÍ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm