Đừng 'xuống tiền' mua cổ phiếu vì... lời thì thầm của hàng xóm

(PLO)-  Phần đông nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán trong nước đều là những người mua cổ phiếu nhưng lại không có kiến thức phân tích tài chính.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Họ chủ yếu chấp nhận “xuống tiền” vì đi theo tiếng gọi của tổ lái, tay to, thậm chí là lời thì thầm của người hàng xóm.

Đó là nhận định chung của các chuyên gia kinh tế đưa ra tại toạ đàm “Giải pháp phát triển thị trường chứng khoán bền vững” do báo Người lao động tổ chức sáng nay, ngày 25-5.

Bà Nguyễn Hoài Thu, Thành viên HĐQT, Giám đốc Điều hành Khối đầu tư chứng khoán Đại chúng và Trái phiếu – Công ty Quản lý Quỹ Vincapital, cho rằng: "Các nhà đầu tư nên xem thị trường chứng khoán là kênh đầu tư nghiêm túc, dài hạn. Hiện các nhà đầu tư cá nhân chiếm tới hơn 90% trên thị trường, điều này là rất khác so với thế giới.

Nhà đầu tư cá nhân không nên "chơi"chứng khoán theo bạn bè, hay xin "3 chữ cái" từ anh hàng xóm. Bởi thị trường tài chính cần có sự chuyên môn hoá rất rõ. Cũng giống như xây cái nhà tự làm hay có kiến trúc sư sẽ rất khác nhau".

Đồng quan điểm, GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội nhận định: "Thị trường chứng khoán trong thời gian vừa qua thật sự tăng trưởng nóng, vì vốn hóa thị trường đã tăng lên mức tương đương với nhiều nước trong khu vực, tới gần 93% của GDP Việt Nam.

Số lượng nhà đầu tư mở mới tài khoản tham gia vào thị trường cũng liên tục lập kỷ lục. Năm 2019, chỉ khoảng 2,3 triệu tài khoản và năm 2021 đã lên đến 4,3 triệu tài khoản. Chỉ trong hai năm đã tăng lên khoảng 2 triệu tài khoản mới, bằng cả 20 năm qua. Khoảng 2 triệu nhà đầu tư tham gia thị trường hầu hết là những nhà đầu tư cá nhân mới bước vào thị trường trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn.

Trong đó, nhiều người chưa đủ thông tin, chỉ tham gia với ba chữ cái mà không rành về doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực gì, tham gia sao... Họ đầu tư theo cảm xúc, cảm nhận và theo đám đông, chứ không phải dựa trên cơ sở có phân tích, có đánh giá, và khi thị trường nóng, đang tăng trưởng thì đổ xô vào mua. Và khi thị trường rung lắc, có suy giảm thì sẽ rút ra, càng tạo chao đảo thị trường, phản ánh tính chất không chuyên nghiệp.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết: "Tính đến hết tháng 4, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng đạt mức 7%, tỉ lệ nợ xấu vẫn kiểm soát tốt. Cho nên sự điều chỉnh trong thị trường thời gian qua chỉ là ngắn hạn. Giá trị cốt lõi là trong những tháng đầu năm 2022, ngành ngân hàng tăng trưởng ổn định nợ xấu được kiểm soát, dư nợ tín dụng tăng trưởng tốt…”.

Bình luận về nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán thời gian vừa qua giảm điểm, PGS.TS Nguyễn Văn Trình, chuyên gia kinh tế, Phó hiệu trưởng trường ĐH Võ Trường Toản cho rằng: “Biến động của thị trường trong thời gian qua, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, vĩ mô và vi mô. Trước hết, nhìn từ nguyên nhân khách quan thì chứng khoán thế giới, nhất là chứng khoán Mỹ có những phiên sụt giảm mạnh, Dow Jones mất trên 1.000 điểm do FED liên tục tăng lãi suất đồng USD khiến tâm lý nhà đầu Mỹ bán tháo, điều này cũng tác động tới Việt Nam vì chúng ta là nền kinh tế có độ mở lớn.

Bên cạnh đó, thị trường sụt giảm còn do nhà đầu tư lo ngại lạm phát khi tiền từ các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế đẩy ra ồ ạt, và nguồn cung tiền cao sẽ đẩy giá cả sẽ tăng vọt… Đồng thời, giá xăng dầu tăng mạnh, dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng; rồi Trung Quốc áp dụng chính sách Zero – Covid cũng tác động tới thị trường. Do đó, việc tìm những biện pháp để ngăn ngừa, kiểm soát lạm phát, cũng gây ra bất ổn trên thị trường chứng khoán".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm