Thao túng chứng khoán lừa nhà đầu tư, gây hại kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sự kiện ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC bị bắt tạm giam để điều tra về hành vi thao túng chứng không phải quá xa lạ trên thị trường.

Trước đó, nhiều đại gia cũng đã bị phạt tiền và xử lý hình sự vì các hành vi tương tự. Chẳng hạn, vào năm 2020, nữ đại gia Phạm Thị Hinh, từng giữ vị trí Chủ tịch Công ty chứng khoán VSM đã bị toà án Hà Nội tuyên phạt 18 tháng tù giam vì tội thao túng chứng khoán. Toà án xác định hành vi của nữ đại gia này đã gây thiệt hại 8,1 tỉ đồng cho hơn 1.400 nhà đầu tư.

Vào năm 2019, Toà án Hà Nội cũng đã từng phạt tù treo nhiều nhà đầu tư với tội danh này.

Vào tháng 7-2021, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước đã phạt nhà đầu tư Trần Ngọc Bê với tổng số tiền phạt gần 1 tỉ đồng do thao túng cổ phiếu VPB.

Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, trong giai đoạn 2020-2021 đã xử phạt tổng cộng 659 tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt hơn 34 tỉ đồng, trong đó xử phạt 11 cá nhân, tổ chức có hành vi thao túng chứng khoán.

UBCKNN đã tiến hành 31 đoàn kiểm tra tập trung vào các giao dịch có
diễn biến bất thường của các cổ phiếu. Trên thị trường hiện nay có một số giao dịch tương đối bất thường của một số loại cổ phiếu. Hiện nay, UBCKNN đang hết sức nỗ lực để làm rõ các hành vi vi phạm đó trên thị trường.

Chuyên gia tài chính Trần Đình Phương cho biết, thao túng chứng khoán là hành vi cố ý và giả tạo ảnh hưởng đến cung hoặc cầu của một cổ phiếu để làm cho giá của nó lên hoặc xuống.

Khi các nhà đầu tư khác mua hoặc bán chứng khoán đã thay đổi giá đó, thì những kẻ thao túng thị trường kiếm lời. Thao túng chứng khoán còn có thể được thực hiện thông qua tin đồn, giao dịch giả mạo.

Ví dụ, theo thông tin ban đầu, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC đã chỉ đạo nhiều người thân trong gia đình và một số người khác điều hành nhân viên Công ty cổ phần chứng khoán BOS và các công ty con sử dụng khoảng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức để thổi giá cổ phiếu. Những cá nhân này thông đồng với nhau bằng việc liên tục mua, bán chứng khoán FLC với tần suất lớn, nhằm tạo ra cung cầu giả để đẩy giá cổ phiếu lên cao.

Họ đẩy giá cổ phiếu FLC từ mức hơn 14.000 đồng/cổ phiếu ngày 1-12-2021 liên tục tăng, thậm chí tăng trần nhiều phiên, mức nhất lên tới 24.000 đồng/cổ phiếu.

Sau khi giá cổ phiếu FLC lên cao, ông Quyết chỉ đạo người thân bán ra 175 triệu cổ phiếu, trong đó số lượng đã khớp lệnh là 74,8 triệu cổ phiếu, với giá trung bình là 22.500 đồng/cổ phiếu. Toàn bộ số cổ phiếu này được "bán chui", tức không công bố trước khi thực hiện giao dịch. Nhờ chiêu trò trên, ông Quyết hưởng lợi hơn 530 tỉ đồng.

"Nhiều nước cũng có hình phạt mạnh mẽ cho hành vi thao túng chứng khoán như phạt tiền và hình phạt tù giam. Nhưng nhiều người vẫn cố tình làm điều này vì thu lợi quá lớn dù biết là hành vi sai pháp luật. Do đó hành vi thao túng giá cần phải lên án mạnh mẽ, và xử phạt nghiêm minh để tăng tính răn đe. 

 Vì thị trường tài chính rất quan trọng cho sự tăng trưởng và hiệu quả của nền kinh tế. Thao túng chứng khoán không chỉ lừa gạt các nhà đầu tư mà còn gây hại cho nền kinh tế, làm xói mòn niềm tin vào thị trường tài chính cũng như các thể chế hỗ trợ nó" - ông Phương nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm