Thời luận

Đường cấm xe máy lưu thông không có nghĩa là cao tốc

(PLO)- Chúng ta cần phải thay đổi tư duy quy hoạch, thiết kế, đầu tư và quản lý vận hành đường cao tốc để đảm bảo an toàn và tốc độ lưu thông của các tuyến cao tốc.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vụ tai nạn giao thông thảm khốc trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn thuộc địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế khiến ba mẹ con tử vong thương tâm là vụ việc vô cùng đau lòng. Ngoài ý thức và kỹ năng của người tham gia giao thông, chúng ta cần công tâm xem lại việc quy hoạch, thiết kế đường cao tốc hiện nay.

Báo chí, mạng xã hội đã đăng tải nhiều đoạn clip chiếc xe vượt bên phải lên trên đầu xe container, đây là hành động vô cùng nguy hiểm cho tất cả người tham gia giao thông. Thông thường, trên cao tốc sẽ có biển báo hiệu để người tham gia giao thông quan sát, điều chỉnh tốc độ hay chuyển làn cho phù hợp đảm bảo an toàn.

Ví dụ, cách đoạn thắt hẹp tối thiểu 250-300 m là phải có biển báo cấm đi song song hoặc vượt phải, lúc này người điều khiển xe tự khắc sẽ không vượt bên phải nguy hiểm. Đồng thời, nguyên tắc khi muốn vượt thì xe sau phải xin vượt bằng tín hiệu đèn hoặc còi để xe trước nhường đường (di chuyển sang làn bên phải tốc độ thấp hơn) để xe sau tiến lên trên cùng một làn mới là vượt xe đúng cách và an toàn. Tuy nhiên, thực tế đa phần người Việt Nam có thói quen (xấu) là vượt phải, đây là tình huống nguy hiểm tiêu biểu trên những đoạn tránh vượt.

Chúng ta cần phải thay đổi tư duy quy hoạch, thiết kế, đầu tư và quản lý vận hành đường cao tốc để đảm bảo an toàn và tốc độ lưu thông của các tuyến cao tốc. Có thể thấy hạ tầng loại này được gọi là hạ tầng kém an toàn, không thân thiện với người điều khiển xe. Việc thiết kế làn vượt/dừng khẩn cấp như trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn là rất nguy hiểm.

Vì vậy, để nâng cao an toàn giao thông cho đường cao tốc được “phân kỳ” đầu tư, ở mỗi giai đoạn, đặc biệt là giai đoạn đầu cần được xem xét toàn diện từ góc độ hành vi người điều khiển xe (bao gồm yếu tố kỹ năng, nhận thức, ý thức, hành vi nguy hiểm và những sai sót của họ) và tốc độ cho phép. Từ đó mà thiết kế trang thiết bị hỗ trợ nâng cao an toàn cho người tham gia giao thông. Nỗ lực này sẽ hướng đến hạ tầng “an toàn”, “thân thiện”, “dễ hiểu” đối với người tham gia giao thông.

Còn nhớ vào tháng 10-2023, Bộ Công an đã có công văn gửi Bộ GTVT cảnh báo và yêu cầu khắc phục những bất hợp lý về tổ chức giao thông tại đây. Theo Bộ Công an, dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông chỉ hai làn xe, bề rộng đường 23 m, không có dải phân cách giữa, không có làn dừng khẩn cấp, cứ 10 km bố trí một đoạn vượt xe có quy mô bốn làn xe, đoạn đường tương đương đường cấp III đồng bằng.

Ngay cả phía Bộ GTVT cũng thừa nhận việc phân kỳ đầu tư với bề rộng mặt cắt ngang hai làn xe, không bố trí dải phân cách giữa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông; đường bốn làn xe với dải dừng xe khẩn cấp không liên tục nguy cơ gây ùn tắc trong trường hợp xảy ra sự cố...

Có thể thấy rằng khái niệm đường cao tốc được hiểu theo những quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện nay thì đã rõ, không có gì phải bàn cãi. Chúng ta cũng cảm thông với các cơ quan hữu quan vì nhiều lý do khác nhau mà chưa thể đầu tư đồng bộ được hệ thống cao tốc theo đúng tiêu chuẩn nhưng vẫn được coi là cao tốc, chỉ đơn giản vì đường đó không cho xe máy lưu thông. Tuy nhiên, điều tối quan trọng mà bất cứ dự án hay chính sách nào hướng tới vẫn là sự an toàn vì nó liên quan đến tính mạng, sức khỏe của người tham gia giao thông.

Ngoài ra, việc kết hợp đào tạo, nâng cao ý thức, kỹ năng lái xe trên đường cao tốc cho người điều khiển xe cũng rất quan trọng. Đây là yếu tố hàng đầu để đảm bảo an toàn, tránh những vụ tai nạn thương tâm trên cao tốc sắp tới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm