Dương Chí Dũng khai không chỉ đạo việc mua ụ nổi 83M

10 bị cáo trong vụ án này bị truy tố về tội làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản, trong đó có Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines, nguyên Cục trưởng Cục Hàng Hải Bộ Giao thông Vận tải).
Dương Chí Dũng bị dẫn vào phòng xét xử. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Ngày 12-12, TAND TP. Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ “đại án tham nhũng” xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). 10 bị cáo trong vụ án này bị truy tố về tội làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản, trong đó có Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines, nguyên Cục trưởng Cục Hàng Hải Bộ Giao thông Vận tải).

Các phóng viên đã phải làm tục đăng ký từ những ngày trước đó để được cấp thẻ dự phiên tòa. Tuy nhiên sáng 12-12, khi các phóng viên có mặt tại tòa thì phải nộp lại công cụ tác nghiệp như máy tính, máy ảnh, máy ghi âm, chỉ được mang theo giấy, bút và được bố trí một phòng riêng theo dõi phiên xử qua màn hình tivi.

Hội đồng xét xử gồm có hai thẩm phán và ba hội thẩm nhân dân, thẩm phán chủ tọa phiên tòa là Ngô Thị Ánh. Hai kiểm sát viên của VKSND TP. Hà Nội giữ quyền công tố tại phiên tòa là Nguyễn Chí Dũng và Trương Tuấn Hưng.

Có 15 luật sư bào chữa cho 10 bị cáo tại phiên tòa này, riêng Dương Chí Dũng mời ba luật sư bào chữa là Ngô Ngọc Thủy, Trần Đình Triển và Trần Đại Thắng.

Riêng bị cáo Trần Hữu Chiều (nguyên Phó tổng giám đốc Vinalines) không mời luật sư bào chữa nên tòa chỉ định luật sư Nguyễn Đình Khỏe (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) bào chữa cho bị cáo này.
8h15 phiên xử bắt đầu. Chủ tọa Ngô Thị Ánh đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử, kiểm tra căn cước của những người được triệu tập đến phiên tòa…

Trong hơn hai tiếng đồng hồ sau đó, từ 9h15 tới 11h30, hai kiểm sát viên thay nhau đọc hơn 40 trang cáo trạng.

11h 30, chủ tọa tiến hành xét hỏi Dương Chí Dũng. Dũng khai giữ chức Chủ tịch HĐQT Vinalines từ tháng 1-2007. Trước đó, bị cáo giữ chức Tổng giám đốc Vinalines từ 8-2005 đến hết tháng 12-2006.

Chủ trương xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam có từ năm 2006. Khi đó, Dũng là Tổng giám đốc, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, đã trình HĐQT quyết định chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy.

HĐQT sau đó đã có văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải để Bộ này báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch. Tuy nhiên, theo cáo trạng, trong khi dự án xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam chưa được bổ sung vào quy hoạch và chưa có Quyết định phê duyệt cho phép đầu tư của Thủ tướng Chính phủ thì Dương Chí Dũng đã ký quyết định “phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam tại tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu với tổng mức đầu tư là gần 4.000 tỷ đồng, trong đó có hạng mục lắp một ụ nổi sức nâng 15.500 đến 27.000 tấn”.

Tại tòa, Dũng khai thời điểm đó không biết làm vậy là sai, vì dự án dự kiến triển khai bằng vốn huy động (không sử dụng tiền từ ngân sách) nên Dũng cho rằng thẩm quyền quyết định phê duyệt dự án thuộc HĐQT.

Liên quan đến việc mua ụ nổi 83M, Dũng khẳng định mình hoàn toàn không chỉ đạo việc này dưới bất kỳ hình thức gì, vì thẩm quyền thuộc Tổng giám đốc  khi đó là Mai Văn Phúc. Hơn nữa, mối quan hệ cá nhân giữa Dũng và Phúc không tốt nên Dũng cũng không muốn can thiệp.

Dũng khai chỉ được báo cáo về kết quả chuyến đi khảo sát ở Nga tại cuộc họp HĐQT. Dũng nói không nhớ rõ nhưng tại cuộc họp này, Dũng có hỏi tại sao không mua ụ nổi trực tiếp của công ty Nakhodka (Nga), là chủ sở hữu của ụ nổi 83M, mà phải mua qua công ty AP (Singapore) thì được trả lời là do vướng về thủ tục xuất nhập khẩu…

11h 45, tòa tạm dừng để nghỉ trưa và sẽ bắt đầu làm việc lại vào 13h30.

Theo cáo trạng, Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines), Mai Văn Phúc (nguyên Tổng giám đốc), Trần Hữu Chiều (nguyên Phó tổng giám đốc) và Trần Hải Sơn (nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines) bị truy tố về tội tham ô tài sản theo khoản 4 điều 278 BLHS, với khung hình phạt cao nhất có thể là tử hình. Ngoài ra, bốn bị cáo này cùng sáu bị cáo khác còn bị truy tố về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 3 Điều 165 BLHS.

Cụ thể, từ đầu năm 2007 đến hết năm 2008, Vinalines tiến hành triển khai dự án xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, trong đó có mua ụ nổi 83M của Công ty AP (Singapore), một hạng mục quan trọng của dự án. Ụ nổi 83M được sản xuất từ năm 1965 tại Nhật Bản, bị hư hỏng nhiều, không còn hoạt động và đã bị đăng kiểm Nga dừng phân cấp từ năm 2006. Công ty Nakhodka (Nga) là chủ sở hữu đưa ra giá để đàm phán dưới năm triệu USD. Tuy nhiên, Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc đã chỉ đạo phải lập báo cáo kết quả khảo sát đủ điều kiện mua ụ nổi 83M qua Công ty AP (chỉ là công ty môi giới, giám đốc công ty này đã có mối quan hệ thân thiết với Dương Chí Dũng từ năm 2000). Sau đó, Dũng ký quyết định phê duyệt đầu tư mua ụ nổi này với tổng giá trị đầu tư trên 14 triệu USD rồi tiếp tục điều chỉnh mức đầu tư lên gần 20 triệu USD, trong đó giá mua ụ nổi là chín triệu USD. Trước khi Vinalines ký hợp đồng với Công ty AP thì công ty này đã mua của Nakhodka chiếc ụ nổi 83M với giá 2,3 triệu USD.

Chiếc ụ nổi 43 tuổi này, với tình trạng kỹ thuật không đáp ứng yêu cầu về phòng ngừa và ô nhiễm môi trường, an toàn hàng hải, không đủ điều kiện để nhập khẩu, sau đó vẫn được làm thủ tục thông quan.

Theo cơ quan công tố, Dương Chí Dũng cùng bộ sậu đã không thực hiện quy định của nhà nước, gây thiệt hại cho Vinalines gần 367 tỷ đồng (tính đến ngày 17-5-2012).
Trong số tiền thiệt hại này, Dũng, Phúc, Sơn và Chiều đã tham ô gần 1,7 triệu USD, tương đương hơn 28 tỷ đồng. Dũng và Phúc qua việc này đã đút túi10 tỷ đồng, Trần Hải Sơn hơn 7,8 tỉ đồng và Trần Hữu Chiều 340 triệu đồng...


ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới