Việc công an đề nghị truy tố các bị can về tội danh trên tưởng không có gì phải bàn cãi nhưng có ý kiến băn khoăn, rằng tội danh trên nhất thiết phải có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, tức phạm tội có tổ chức theo khoản 3 Điều 20 Bộ luật Hình sự.
Băn khoăn trên liệu có đúng? Về lý luận, phạm tội có tổ chức là một hình thức đồng phạm, có sự phân công, sắp đặt vai trò của những người tham gia. Trong đó mỗi người thực hiện một hoặc một số hành vi và phải chịu sự điều khiển của người cầm đầu. Phạm tội có tổ chức là nói nên quy mô, tính chất của vụ án.
Phạm tội có tổ chức khác với tổ chức phạm tội. Luật hình sự nước ta không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một tổ chức (pháp nhân). Vì vậy, không có khái niệm tổ chức phạm tội trong Bộ luật Hình sự. Mặc dù trong xã hội vẫn có thể có một số tổ chức phạm tội dưới hình thức “băng, đảng” do một số người thành lập hoặc có sự cấu kết để hoạt động phạm tội. Cũng có ý kiến cho rằng cần có quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với “nhóm tội phạm có tổ chức” để trừng trị một số đối tượng thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm có tổ chức để thực hiện một số tội đặc biệt nguy hiểm như: khủng bố, giết người, rửa tiền, buôn bán người, sản xuất, mua bán trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, đó là chuyện sắp tới, còn hiện nay chưa có quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với “tổ chức phạm tội”.
Phạm tội có tổ chức khác với người tổ chức trong vụ án có đồng phạm, vì người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu chỉ huy việc thực hiện tội phạm, nói lên vai trò, nhiệm vụ của một người trong một vụ án có đồng phạm. Còn phạm tội có tổ chức lại nói lên quy mô của tính chất, mức độ nguy hiểm mà tội phạm đó đã xảy ra. Tất nhiên phạm tội có tổ chức bao giờ cũng có người tổ chức (người cầm đầu) nhưng không phải chỉ có người tổ chức mới bị áp dụng tình tiết tăng nặng này mà những người tham gia đều bị coi là phạm tội có tổ chức.
Phạm tội có tổ chức cũng khác với hành vi tổ chức trong một số tội phạm như: tổ chức tảo hôn (Điều 148), tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 197), tổ chức đánh bạc (Điều 249), tổ chức người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép (Điều 275).
Khái niệm “tổ chức” mà nhà làm luật quy định trong các tội phạm cụ thể nêu ở trên là hành vi phạm tội; một người cũng có thể thực hiện được hành vi tổ chức. Do đó, đối với hành vi tổ chức trong các tội phạm này không coi là tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, tình tiết tăng nặng “phạm tội có tổ chức” vẫn có thể áp dụng đối với các tội trên nếu vụ án có đủ dấu hiệu thỏa mãn tình tiết “phạm tội có tổ chức”.
Trở lại vụ án trên, việc tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài là hành vi khách quan của cấu thành tội phạm, các bị can trong vụ án này mỗi người thực hiện một hoặc một số hành vi nhưng đều cấu thành tội “tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép”.
Việc các bị can có bàn bạc, phân công… không ảnh hưởng đến việc định tội. Nếu vụ án có đồng phạm thì tất cả bị can đều bị áp dụng chung một điều khoản quy định tại Điều 275 Bộ luật Hình sự; nếu có phạm tội có tổ chức thì các bị can còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội có tổ chức” chứ không thể mặc nhiên xem các bị can tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn là phạm tội có tổ chức.
ĐINH VĂN QUẾ