Dương Chí Dũng lãnh án tử hình

aSau ba ngày xét xử và một ngày rưỡi nghị án, chiều 16-12, HĐXX TAND TP Hà Nội đã tuyên mức án tử hình đối với hai bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc. Bản án được hai thẩm phán đọc trong ba giờ đồng hồ với những nhận định gần như giữ nguyên quan điểm buộc tội của cáo trạng.

Vừa bị án tử, vừa phải bồi thường 110 tỉ đồng

Cụ thể, Dương Chí Dũng bị tuyên tử hình về tội tham ô, 18 năm tù về tội cố ý làm trái…, tổng hợp hình phạt là tử hình. Ngoài ra, bị cáo Dũng phải bồi thường 10 tỉ đồng tiền tham ô cho Nhà nước, bồi thường 100 tỉ đồng trong số 338 tỉ đồng hậu quả thiệt hại do cố ý làm trái. Tòa tuyên tiếp tục kê biên hai căn hộ cao cấp mà Dũng đã mua cho người tình và căn nhà hai vợ chồng Dũng ở để bảo đảm thi hành án. Số tiền chưa nộp sẽ phải chịu lãi suất ngân hàng.

Nguyên tổng giám đốc Mai Văn Phúc cũng lãnh mức án và phải bồi thường số tiền tương tự Dương Chí Dũng.

Dương Chí Dũng lãnh án tử hình ảnh 1

Các bị cáo nghe hội đồng xét xử tuyên án. Ảnh: TTXVN

Đối với hành vi cố ý làm trái, tòa cho rằng trong khi dự án xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam chưa được bổ sung vào quy hoạch và chưa có quyết định phê duyệt cho phép đầu tư của Thủ tướng nhưng Dương Chí Dũng đã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, trong đó có hạng mục lắp đặt một ụ nổi sức nâng 15.500-27.000 tấn. Sau đó, bị cáo Dũng và đồng phạm đã mua ụ nổi cũ kỹ, không xài được từ đối tác trung gian với giá cao gần gấp bốn lần giá gốc. Từ phi vụ này, các bị cáo được “lại quả” 1,666 triệu USD để chia nhau.

Tiền tham ô là tiền của Nhà nước

Về việc mua ụ nổi 83M, tòa cho rằng những người tổ chức mua ụ nổi này buộc phải biết ụ nổi là tàu biển và do đó phải áp dụng các quy định pháp lý điều chỉnh đối với việc mua tàu biển. Việc xác định ụ nổi 83M còn được khẳng định bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam (như ụ nổi này được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu biển, dù là đăng ký tạm thời; trong biên bản làm việc với cơ quan điều tra, Cục Hàng hải Việt Nam xác định quy phạm ụ nổi thuộc hệ thống quy phạm tàu biển…).

“Không có cơ sở chấp nhận các quan điểm bào chữa cho rằng ụ nổi 83M không phải là tàu biển để loại trừ trách nhiệm của các bị cáo trong việc không tuân thủ các điều kiện và thủ tục pháp lý trong việc mua ụ nổi 83M” - tòa khẳng định.

Theo tòa, Vinalines mua ụ nổi bằng tiền của Nhà nước, bởi lẽ khi mua Vinalines phải sử dụng vốn vay ngân hàng sau đó lại thanh quyết toán các chi phí mua ụ nổi với Nhà nước…

Đối với hành vi tham ô, tòa khẳng định số tiền 1,666 triệu USD được trích từ số tiền mua bán ụ nổi là tiền của Nhà nước giao cho Vinalines thay mặt quản lý. Tại tòa, cả Dũng, Phúc đều không thừa nhận đã thỏa thuận với ông Goh (Giám đốc Công ty AP), không thừa nhận việc nhận tiền và thỏa thuận ăn chia. Tuy nhiên, lời khai của Phạm Hải Sơn là phù hợp với lời khai của các nhân chứng khác, phù hợp với các chứng cứ rút tiền tại ngân hàng…

Chưa thể công bố người gọi điện thoại báo tin cho Dương Chí Dũng

Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an Đặng Văn Hiếu trả lời như trên trong buổi họp báo tổng kết tình hình kết quả công tác của lực lượng CAND năm 2013 ngày 16-12 tại Hà Nội.

Liên quan đến cú điện thoại mật báo cho Dương Chí Dũng biết mình bị khởi tố (để rồi sau đó em trai Dũng - bị cáo Dương Tự Trọng, nguyên phó cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an, nguyên phó giám đốc Công an TP Hải Phòng - tổ chức cho Dũng bỏ trốn ra nước ngoài), phóng viên hỏi ai là người đã gọi điện thoại báo cho Dũng. Thượng tướng Đặng Văn Hiếu cho biết vụ án Dương Chí Dũng tham ô (vừa xử xong) và vụ tổ chức cho người trốn đi nước ngoài (do Dương Tự Trọng chủ mưu, cầm đầu) là hai vụ khác nhau. “Mọi chuyện vẫn còn trong vòng điều tra nên chưa thể công bố danh tính và cụ thể vụ việc được” - Thượng tướng Hiếu nói.

N.DÂN

Người mật báo cho Dương Chí Dũng phạm tội gì?

Trước hết phải xác định rõ “người quen” đã báo cho Dương Chí Dũng trốn là ai và việc báo đó nhằm động cơ, mục đích gì thì mới phân tích cụ thể được. Tuy nhiên, tôi cho rằng người đó là ai thì hành vi phạm tội với vai trò đồng phạm cũng đã rõ. Nếu người đó là người trong cơ quan tố tụng đang thụ lý vụ án Vinalines báo tin với mục đích tạo điều kiện cho bị cáo Dũng trốn thì hành vi này là đồng phạm của tội tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép trong vụ án mà bị cáo Dương Tự Trọng (em trai Dũng) là chủ mưu.

Nếu người đó là người cùng có hành vi phạm tội liên quan đến bị cáo Dũng, báo cho bị cáo Dũng sau khi nghe được thông tin từ nơi khác nhằm mục đích để bản thân người báo và bị cáo Dũng không bị lộ thì là đồng phạm của tội mà bị cáo Dũng bị xét xử.

Cần nói thêm về quyền khai báo của bị cáo tại tòa. Bị cáo Dũng có quyền khai hoặc không khai rõ về chi tiết này vì phiên tòa này không liên quan đến việc bỏ trốn và tòa cũng không bắt buộc phải khai. Nhưng đây là tình tiết rất nhạy cảm, cần sự tinh tế của các cơ quan tố tụng và những người tiến hành tố tụng liên quan đến hai vụ án của anh em ông Dũng. Từ lời khai này, cơ quan điều tra có thể truy lại các bút lục mà Dũng đã từng khai về chi tiết này để xem hồ sơ đã chặt chẽ chưa. Nếu bị cáo đã khai rõ, đủ chứng cứ thì ổn nhưng nếu hồ sơ chưa làm rõ tình tiết này thì phải tiếp tục điều tra bổ sung. Bởi đây là lời khai tại phiên tòa khác nhưng là một thông tin quý giá phát hiện tội phạm để điều tra trong phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng.

Thẩm phán PHẠM CÔNG HÙNG, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM

T.TÙNG ghi

Những mức án khác

1. Trần Hữu Chiều (nguyên phó tổng giám đốc Vinalines): 10 năm tù về tội tham ô tài sản; chín năm tù về tội cố ý làm trái, tổng hợp hình phạt 19 năm tù; bồi thường 340 triệu đồng tham ô và 39 tỉ đồng do cố ý làm trái.

2. Trần Hải Sơn (nguyên tổng giám đốc Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines): 14 năm tù tội tham ô, tám năm tù tội cố ý làm trái, tổng hợp hình phạt 22 năm tù; bồi thường trên 7,8 tỉ đồng tham ô và 39 tỉ đồng do cố ý làm trái.

3. Mai Văn Khang (nguyên phó trưởng Ban Đóng mới tàu biển): Bảy năm tù tội cố ý làm trái, bồi thường 12 tỉ đồng do cố ý làm trái.

4. Bùi Thị Bích Loan (nguyên trưởng Ban Tài chính-Kế toán): Bốn năm tù về tội cố ý làm trái, bồi thường 6 tỉ đồng.

5. Lê Văn Dương (đăng kiểm viên Cục Đăng kiểm Việt Nam): Bảy năm tù, bồi thường 15 tỉ đồng.

6. Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng, Lê Ngọc Triện (Chi cục Hải quan Vân Phong, Khánh Hòa): Mỗi bị cáo chín năm tù, bồi thường 9 tỉ đồng.

ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm