Đường đi của chủng B.1.617.2 Ấn Độ tại Việt Nam

Chỉ trong một tuần, ca bệnh đầu tiên của đợt 4 (BN2899) đã lây cho sáu người, sáu người này tiếp tục trở thành F0 và lây cho 13 người khác, tốc độ lây lan dịch trải qua ba chu kỳ.

Chiều 4-5, Bộ Y tế và Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã tiến hành lấy mẫu ở những bệnh nhân mắc COVID-19 tại Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hưng Yên, Hà Tĩnh để làm xét nghiệm giải trình tự gene, giúp xác định nguồn gốc.

Ba chu kỳ lây nhiễm tại Hà Nam

Tại Vĩnh Phúc, viện này lấy ba mẫu của ba bệnh nhân mắc COVID-19 là nhân viên quán bar Sunny cho kết quả thuộc chủng B.1.617.2, là biến thể của Ấn Độ.

Tại Hà Nam lấy sáu mẫu, Hưng Yên lấy hai mẫu, Hà Tĩnh lấy hai mẫu (hai bệnh nhân mắc COVID-19 từ Lào sang Việt Nam qua đường bộ) đều cho kết quả thuộc chủng B.1.1.7, là biến thể của Anh.

Bộ Y tế cũng cho biết kể từ ca mắc cộng đồng đầu tiên tại Hà Nam vào ngày 28-4, đến nay cả nước ghi nhận tổng cộng 35 ca mắc COVID-19 trong đợt 4.

Đến nay, liên quan đến ổ dịch Hà Nam đã ghi nhận 20 ca bệnh, ổ dịch Vĩnh Phúc cũng đã ghi nhận 15 ca mắc, Đà Nẵng hai ca chưa xác định nguồn gốc.

Theo phân tích từ các chuyên gia Bộ Y tế, ổ dịch tại Hà Nam đã trải qua ba chu kỳ. Cụ thể:

Chu kỳ 1: Bệnh nhân Nguyễn Văn Đ. 28 tuổi (mã BN2899), sống tại xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 28-4 đã lây cho sáu người khác, trong đó có bốn người thân trong gia đình (bố, mẹ, vợ và con gái - BN2901, BN2903, BN2908, BN2909) và hai người bạn tiếp xúc gần khi cùng tham gia liên hoan ngày 23-4 (BN2941và BN2918).

Chu kỳ 2: BN2908 (vợ BN2899) lây cho hai trường hợp khác là cô và mợ (BN2917, BN2950).

BN2941 (bạn BN2899) lây cho ba người khác là vợ (BN2940), ông nội (BN2942) và bạn (BN2981).

BN2910 (bạn BN2899, ghi nhận tại TP.HCM) lây cho một trường hợp khác (BN2951).

Chu kỳ 3: BN2951 lây cho một người tiếp xúc gần là BN2980.

BN2911 lây cho BN2927 và BN2928 tại Hà Nội, cả hai đều là công nhân tại KCN ở Hà Nội.

Tại Hưng Yên, ghi nhận hai ca bệnh (BN2912, BN2913), trước đó BN2912 có tiếp xúc gần với BN2899 tại Hà Nam.

Khách sạn Như Nguyệt 2, nơi ghi nhận năm ca mắc đầu tiên của tỉnh Yên Bái cũng là nơi cách ly của đoàn chuyên gia Ấn Độ. Ảnh: PV

Thêm 1 ca COVID-19 trong nước tại Đà Nẵng

Bộ Y tế chiều tối 4-5 ghi nhận 11 ca dương tính với nCoV, trong đó một ca cộng đồng ở Đà Nẵng, 10 ca nhập cảnh cách ly ngay.

Ca 2989 ghi nhận lây nhiễm cộng đồng tại Đà Nẵng, là nữ, 25 tuổi, đến làm việc tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng từ ngày 30-4. Bệnh nhân là F1 của ca 2982, kết quả xét nghiệm khẳng định ngày 4-5 dương tính với nCoV. 

Chủng B.1.617.2 của Ấn Độ đi nhiều nơi

Phân tích chùm ca bệnh ở Vĩnh Phúc liên quan đến bệnh nhân CJB - chuyên gia người Trung Quốc, Bộ Y tế cho biết nhóm chuyên gia Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam làm việc rồi về nước thì có 4/5 người dương tính với COVID-19. Nguồn lây của nhóm này nghi ngờ từ đoàn 11 chuyên gia Ấn Độ cùng cách ly tại khách sạn Như Nguyệt 2, TP Yên Bái (đoàn có bốn người mắc COVID-19 và lây cho một nhân viên khách sạn Như Nguyệt). Đoàn Ấn Độ và đoàn Trung Quốc ở hai tầng liền nhau, chung một cầu thang lên xuống.

Nhóm chuyên gia Trung Quốc di chuyển về Công ty Vinatop tại Sơn Lôi, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. 2/5 chuyên gia tới quán bar - karaoke Sunny, Phúc Yên tối cùng ngày. Hiện đã ghi nhận chín trường hợp dương tính có liên quan tới quán bar - karaoke Sunny (sáu nhân viên và ba khách tới hát).

Ngày 24 và 25-4, đoàn chuyên gia đến các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, tuy nhiên chưa ghi nhận trường hợp dương tính có liên quan tại các tỉnh này.

Tối 26-4, có thành viên trong nhóm chuyên gia đi massage tại trung tâm chăm sóc sức khỏe Hoa Sen, Vĩnh Phúc. Hiện đã ghi nhận năm trường hợp dương tính có liên quan tới trung tâm Hoa Sen.

Từ ngày 27 đến 29-4, đoàn 15 người tách thành hai nhóm, hai người đi Đà Nẵng cùng hai nhân viên Công ty Vinatop; ba người còn lại ở lại Công ty Vinatop, Vĩnh Phúc.

Biến chủng virus B.1.617.2 của Ấn Độ nguy hiểm thế nào?

Ba mẫu của ba bệnh nhân ở Vĩnh Phúc giải trình tự gene thuộc biến chủng B.1.617.2 của Ấn Độ. Biến chủng virus B.1.617.2 từ Ấn Độ là biến chủng đột biến ngay trên chủng  B.1.1.7 từ Anh. Biến chủng này có tốc độ lây lan rất nhanh (đặc tính của chủng biến thể Anh)  và có dấu hiệu làm giảm tác dụng của vaccine (đặc tính của chủng biến thể Nam Phi) nên được gọi là chủng virus biến thể kép (hay đột biến kép).

Do chủng virus Ấn Độ có đột biến kép ở đoạn protein S nên lan tràn rất nhanh, tử vong rất cao. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến nay 17 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã ghi nhận có biến chủng B.1.617.2. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm