‘Đứt ruột’ cắt lúa cho bò ăn vì hạn, mặn

Ngày 18-2, gặp chúng tôi, ông Đặng Văn Tám (xã Vĩnh An, huyện ba Tri, Bến Tre) than thở: “Tôi trồng ba công lúa nhưng chỉ hơn một tháng đã bị nước mặn xâm nhập. Tôi đành cắt nước để không cho nước mặn vào ruộng. Nhưng lúa không có nước ngọt để tưới nên cũng chết khô, tôi đành bấm bụng cắt đem về cho bò ăn thay rơm, cỏ”.

Thiệt hại nặng nề

Báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre ngày 18-2 cho hay đến thời điểm hiện nay, ranh mặn bao trùm hầu hết đất đai toàn tỉnh. Tổng diện tích lúa đông xuân 2015-2016 đã bị thiệt hại (chủ yếu ở huyện biển Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú) hơn 10.000 ha (toàn tỉnh chỉ xuống giống vụ đông xuân khoảng 14.000 ha), giai đoạn lúa từ 40 đến 70 ngày tuổi.

Cánh đồng lúa Ba Tri chịu thiệt hại nặng nề nhất (8.600 ha). Hầu hết người dân đã bỏ các cánh đồng, riêng một số ít nông dân còn lại vì tiếc lúa đã mua thêm thuốc bảo vệ thực vật, bón phân hy vọng cứu lúa nhưng xem ra không hiệu quả. Một số hộ đã cắt lúa cho bò ăn vì bị nghẹn đòng, không trổ được. Trường hợp của ông Tám không phải là cá biệt dù biết rằng cắt lúa đem cho bò ăn “lòng nông dân đau xé” nhưng không cắt cho bò ăn thì để đó chẳng biết làm gì.

Ông Nguyễn Thành Lâm, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ba Tri (Bến Tre), cho biết: “Thiệt hại rất nặng nề do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra. Sắp tới, tình hình hạn, mặn ngày càng gay gắt và diện tích thiệt hại đang tiếp tục tăng”.

Anh Phạm Thành Công (xã Ea H’leo, Ea H’leo, Đắk Lắk) và hồ nước đã cạn kiệt từ đầu tháng 1-2016. Ảnh: H.PHƯỢNG

Máy khoan giếng ở các xã thuộc huyện Ea H’leo (Đắk Lắk) hoạt động hết công suất để chống hạn. Ảnh: H.PHƯỢNG

Ngập mặn vây quanh

Tại tỉnh Tiền Giang và Trà Vinh, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn cũng gây thiệt hại nặng. Vùng ngọt hóa ở Gò Công xuống giống 30.000 ha thì có gần 1.000 ha mất trắng. Huyện Trà Cú (Trà Vinh) cũng có 285 ha mất trắng, 330 ha thiệt hại 30%-70%. Ông Nguyễn Văn Trưởng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Trà Vinh, cho biết: “Chưa năm nào nước mặn lại bao vây toàn bộ tỉnh như năm nay. Ngành thủy lợi chủ động canh trực lấy nước ngọt để cứu lúa”.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cũng cho biết hiện tỉnh này có 18.000 ha lúa trồng trên đất tôm bị ảnh hưởng mặn, trong đó diện tích lúa bị thiệt hại trên 70%, chiếm đến 13.000 ha. Cạnh đó hơn 10.000 ha rừng tràm nước ngọt có nguy cơ thiếu nước, khả năng cháy rừng cao nếu nắng nóng và gió lớn kéo dài.

Bến Tre và Kiên Giang cũng không thoát khỏi tình trạng này.

Không được để người dân đói, bị bệnh, thiếu nước uống

Hạn, mặn diễn ra gay gắt, các địa phương phải huy động cả hệ thống chính trị và sức dân phòng, chống hạn, mặn. Bộ NN&PTNT phối hợp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL rà soát lại lịch thời vụ, chủ động dự báo cho các địa phương và nhân dân để đối phó và bình tĩnh xử lý các tình huống xảy ra; tập trung chăm lo đời sống nhân dân, không để dân đói, bị bệnh, thiếu nước uống. Những giải pháp mà các địa phương đưa ra cần phải hành động ngay vì đây là thiên tai… Trước mắt phải đảm bảo dân có đủ nước ngọt để sống và phục vụ tưới tiêu, sản xuất. Những diện tích lúa bị thiệt hại trên 70% các địa phương phải hỗ trợ ngay cho người dân để người dân kịp thời phục hồi sản xuất.

Phó Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC

Thiếu nước kỷ lục trong 14 năm qua

Thời gian qua, tại xã Cư Mốt (huyện Ea H’leo), gia đình ông Phùng Văn Thái cứ ba ngày phải đưa xe đi mua 1.000 lít nước hết 20.000 đồng để nấu nướng, sinh hoạt. “Xài nước mà phải cân đo đong đếm sao cho hợp lý rất mệt. Lần đầu tiên trong chục năm nay, nhà tôi phải đi mua nước” - ông Thái cho biết.

Chị Phạm Thị Mỹ Diệu (xã Ea Ral, Ea H’leo) than thở: “Mỗi năm giờ này nước dùng thoải mái mà không hiểu sao năm nay lại thiếu nước nhiều đến vậy. Nhà tôi thiếu nước nên chưa thể giặt được chăn mùng, mền gối gì cả”.

Gia đình anh Phạm Thành Công (xã Ea H’leo) phải khoan giếng để có nước tưới tiêu vì hiện tại ao, hồ nhà anh cạn nước, nứt nẻ. Các gia đình khác cũng không tránh khỏi việc này. Theo ghi nhận của chúng tôi, từ mùng 6 tết đến nay, máy khoan giếng ở các xã thuộc huyện Ea H’leo hoạt động hết công suất, từ sáng sớm đến tối khuya. Giá một giếng khoan có nước hiện dao động 15-20 triệu đồng.

Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, cho biết đúng là năm nay tình trạng thiếu nước nặng nề hơn các năm và xảy ra trên diện rộng. Sở đã lên phương án cho các đập thủy điện ở thượng nguồn chủ động xả nước từ các hồ chứa về hạ nguồn để có nước phục vụ cho tưới tiêu hoa màu.

“Song song với việc xả nước là trồng rừng ở Đắk Lắk, khôi phục các mảng rừng bị phá bỏ, có rừng sẽ có nước” - ông Thích khẳng định.

 HÀ PHƯỢNG

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hiện tượng El Nino thời gian qua sẽ đạt cường độ tương đương với El Nino mạnh kỷ lục năm 1997-1998. Ngoài ra có đến trên 90% khả năng El Nino sẽ kéo dài đến hết mùa đông xuân năm 2015-2016, kéo dài nhất trong khoảng 60 năm qua.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới