Theo báo South China Morning Post, trong chặng cuối của chuyến công du châu Âu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại nước Pháp, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mời Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cùng tới cuộc họp tại Paris.
Cả bốn nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh việc ủng hộ chủ nghĩa đa phương và theo đuổi sự hợp tác giữa các cường quốc.
Chuyến công du của ông Tập diễn ra trong bối cảnh có sự hoài nghi ngày càng tăng của châu Âu về ảnh hưởng của Trung Quốc. Và Ủy ban châu Âu cũng vừa mới liệt các nhãn hiệu của Trung Quốc vào nhóm “đối thủ hệ thống” trong tháng này.
Tuy nhiên, EU và Trung Quốc cũng chia sẻ mối lo ngại về xu hướng ngày càng tăng chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ, được thể hiện trong cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Washington và Bắc Kinh.
Về phần mình, ông Tập nhấn mạnh Trung Quốc quyết tâm bảo vệ hệ thống đa phương của thế giới và sẵn sàng tiếp tục mở cửa kinh tế. Đồng thời, ông cũng mời các nước châu Âu tham gia sáng kiến vành đai và con đường.
Ông Tập cũng cho biết quá trình Trung Quốc mở cửa kinh tế ra thế giới đã cho phép nước này rút ngắn khoảng cách 40 năm mà người châu Âu đã đạt được trong suốt cuộc cách mạng công nghiệp.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục mở cửa và đóng góp cho thế giới có một nền kinh tế mở tốt hơn. Sáng kiến Vành đai và Con đường đã làm phong phú hệ thống đa phương của thế giới, chúng tôi hoan nghênh tất cả các nước tham gia, kể cả Pháp”, ông Tập nói.
Sáng kiến này đã gây ra mối lo ngại ở phương Tây về mức độ lan rộng sự ảnh hưởng của Trung Quốc, đặc biệt kể từ khi Ý trở thành nền kinh tế nằm trong nhóm G7 đầu tiên tham gia Sáng kiến vào cuối tuần trước.
Trái với các mối lo ngại đó, bà Merkel nhấn mạnh, đây là một dự án quan trọng mà người châu Âu vẫn muốn tham gia và xem Sáng kiến này như một hình mẫu tốt về sự tương tác, tương quan và phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế.
Bất chấp sự ủng hộ đối với lập trường của ông Tập và chủ nghĩa đa phương, bà Merkel vẫn bày tỏ sự ủng hộ đối với vai trò của Mỹ trong việc duy trì trật tự toàn cầu.
Mỹ cũng đã gây áp lực ngày càng lớn đối với các nước châu Âu trong việc ngăn chặn Tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei, vốn được coi là mối đe dọa an ninh, giữ vai trò trong các mạng truyền thông châu Âu.
Tam giác kinh tế giữa EU, Trung Quốc và Mỹ là rất quan trọng. Không có Mỹ thì sẽ không thể có chủ nghĩa đa phương. Quan hệ của châu Âu và Mỹ rõ ràng là rất quan trọng, bà Merkel cho hay.
Thêm vào đó, bà Merkel cũng lưu ý rằng cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã tác động tiêu cực và làm xáo trộn sự cân bằng của nền kinh tế Đức.