Vành đai và Con đường được xem là sáng kiến về chính sách đối ngoại hàng đầu của Chủ tịch trung quốc (tq) Tập Cận Bình. Dự án này được đánh giá đầy tham vọng khi đầu tư hàng ngàn tỉ USD vào cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các quốc gia mới nổi tại châu Á và châu Phi, các khu vực mà những nhà đầu tư phương Tây thiếu quyết đoán để nhảy vào.
Sáng kiến Vành đai và Con đường của TQ có phải là tầm nhìn táo bạo về cơ sở hạ tầng hay chỉ là một “quỹ đen”? Câu hỏi này ngày càng cấp bách. Theo tờ Wall Street Journal, các quan chức TQ đã đứng ra bảo lãnh cho Công ty 1Malaysia Development Berhad (1MDB) để tránh những điều tra tham nhũng tại tổ chức này. Thậm chí họ còn thăm dò và tìm cách tác động những nhà báo tham gia điều tra vụ việc bằng cổ phần các dự án đường sắt, đường ống dẫn nhiên liệu ở Malaysia.
Nếu đúng, đó sẽ là minh chứng về mối quan hệ giữa vụ bê bối 1MDB với sáng kiến Vành đai và Con đường vốn được nhiều người kỳ vọng sẽ tạo ra các điều kiện ưu việt hơn so với các thể chế đa phương khác như Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á. TQ đến nay luôn bác bỏ các nghi ngờ Bắc Kinh đang dùng tiền trong chương trình thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường để bảo lãnh cho 1MDB.
Hỗn độn triển khai dự án
Ngân sách dự tính cho Vành đai và Con đường được dồn vào một số vấn đề nằm trong phạm vi sáu “hành lang kinh tế” của dự án này. TQ đang tìm cách đẩy các nền kinh tế mới nổi vướng vào “bẫy nợ”, mà điển hình là các dự án thiếu khả thi và gặp thất bại như cảng Lambantota ở Sri Lanka. Từ đó, TQ đang từng bước thiết lập một mạng lưới các chính phủ khách hàng là “con nợ”, buộc phải ủng hộ Bắc Kinh dù muốn hay không, đồng thời tạo tiền đề để Bắc Kinh thúc đẩy tham vọng quân sự của mình.
Tuy nhiên, điều đáng nói hơn nằm ở chỗ sáng kiến Vành đai và Con đường đang ngày càng lâm vào cảnh hỗn độn hơn là phục vụ một đại chiến lược lâu dài của TQ. Dù Chủ tịch Tập Cận Bình rất quan tâm đến Vành đai và Con đường, tuy nhiên sáng kiến này trên thực tế sẽ không thể góp phần đáng kể vào đại chiến lược bá chủ toàn cầu của TQ. Thay vào đó, dự án này chỉ có thể được xem như phép thử nhằm xây dựng thương hiệu TQ, hay một giải pháp nhằm giúp nhiều quan chức địa phương và công ty quốc doanh TQ có thể nhận được sự ủng hộ của ông Tập khi họ theo đuổi các chương trình nằm trong khuôn khổ Vành đai và Con đường. Về tổng thể, phép thử này của Bắc Kinh đang bị xáo trộn mạnh mẽ.
Chuyên gia cao cấp Jonathan Hillman của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế của Mỹ (CSIS) năm ngoái phân tích rằng: “Khác xa với việc tuân thủ nghiêm ngặt các phạm vi quy hoạch rộng lớn của Bắc Kinh, phần lớn hoạt động của sáng kiến Vành đai và Con đường cho đến nay trông có vẻ bị phân tán và mang tính cơ hội”.
Các dự án thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc tạo ra nhiều hoài nghi về tính hiệu quả. Ảnh: AFP
Phân tích của tờ Wall Street Journal cho thấy liên quan đến vụ bê bối 1MDB, Malaysia đã vội vàng đề ra và triển khai kế hoạch một cách hấp tấp với những toan tính vụ lợi, trong đó vai trò quản lý của các nhà lãnh đạo TQ rất mờ nhạt. Với việc xây dựng tuyến đường sắt có kinh phí khổng lồ, các công ty quốc doanh TQ có thể kiếm chác được một khoản tiền, đổi lại họ sẽ bảo lãnh một số khoản nợ của 1MDB.
Nếu các chương trình nằm trong sáng kiến Vành đai và Con đường được triển khai tại Malaysia là một phần trong đại chiến lược của TQ thì thực tế cho thấy các bên chưa đủ tầm để thực thi. Theo tờ Wall Street Journal, cựu thủ tướng Malaysia Najib Razak từng đàm phán với Bắc Kinh về việc cấp phép hoạt động cho các tàu hải quân TQ nhưng đàm phán bất thành. Ông Najib bị Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia bắt giữ năm 2018 và người kế nhiệm Mahathir Mohamad đã tìm cách hủy bỏ hoặc tái đàm phán những dự án mà tân thủ tướng gọi là “chủ nghĩa thực dân kiểu mới”.
Sáng kiến Vành đai và Con đường không phải một âm mưu vĩ đại (của TQ), mà đơn giản đó chỉ là một mớ hỗn độn khổng lồ. Nhà báo DAVID FICKLING của tờ Bloomberg |
Bị lợi dụng uy tín
Ba trong số sáu “hành lang kinh tế” xuyên Á được quy hoạch ban đầu thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường lại không triển khai các dự án lớn, trong khi đó các quốc gia nằm ngoài phạm vi quy hoạch ban đầu, như Nigeria và Argentina, lại đang được hưởng lợi dưới danh nghĩa của sáng kiến Vành đai và Con đường. Thêm vào đó, các khoản đầu tư của TQ ở Malaysia, Sri Lanka và Maldives không những không thể ràng buộc chặt các chính phủ này với Bắc Kinh mà còn làm bùng lên những phản ứng dữ dội khiến chính quyền các nước hoài nghi TQ tìm cách thâu tóm vị thế bá chủ.
Ngoài ra, một số trường hợp các khoản đầu tư đáng giá của sáng kiến Vành đai và Con đường lại mắc kẹt trong những dự án nhàm chán như lưới điện, kho chứa khí hay quản lý lũ lụt. Thậm chí đôi lúc tiền đầu tư còn được dự kiến sử dụng để thúc đẩy một dự án phát triển mang tính hào nhoáng viển vông, ví dụ một tuyến đường sắt cao tốc nối liền Dhaka và Chittagong ở Bangladesh.
Rốt cuộc, thậm chí uy tín của sáng kiến Vành đai và Con đường còn bị lợi dụng để triển khai các dự án bất khả thi và tham nhũng. Đây là lý do giới quan sát không phải quá lo lắng về tham vọng địa chính trị của TQ phía sau sáng kiến Vành đai và Con đường. Thay vào đó, vấn đề cần quan ngại hơn chính là việc tham gia vào các dự án thuộc Vành đai và Con đường của ông Tập có thể không nhận được ích lợi gì, trái lại còn chịu ảnh hưởng bởi thực tế hỗn độn trong quá trình triển khai dự án.
Không thiếu các ví dụ về sự thất bại trong triển khai Vành đai và Con đường. Các đường ống dẫn dầu và khí đốt nối một cảng biển ở Myanmar đến tỉnh Vân Nam của TQ trị giá 9,6 tỉ USD hầu như bị bỏ phế sau năm năm vận hành. Một chuyến tàu cao tốc kết nối Jakarta với Bandung (Indonesia) cũng đang bị chậm tiến độ hơn hai năm và gần như chưa bắt đầu xây dựng. |