“Trung Quốc sẽ không lặp lại, không lặp lại thông lệ cũ của một cường quốc theo đuổi tham vọng bá chủ” |
Ông Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc (TQ) |
Thông điệp của ông Vương Nghị cũng là thông điệp mà các quan chức TQ đã cố gắng chuyển tải đến thế giới kể từ khi đất nước của họ vươn lên một cách ngoạn mục.
Trong nhiều thập kỷ, TQ nỗ lực tìm cách tự hạ thấp sức mạnh của mình và trấn an các quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ, về các ý định mà TQ cho là vô hại. Ông Giang Trạch Dân, lãnh đạo TQ trong những năm 1990, kêu gọi sự tin tưởng lẫn nhau, cùng có lợi, bình đẳng và hợp tác trong quan hệ đối ngoại của đất nước. Dưới thời ông Hồ Cẩm Đào, người nắm quyền lãnh đạo năm 2002, “phát triển trong hòa bình” đã trở thành khẩu hiệu của TQ. Chủ tịch nước hiện nay, ông Tập Cận Bình, vào tháng 9-2017 nhấn mạnh rằng TQ “không có gen” thúc đẩy mộng bá chủ.
Ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, TQ muốn thống trị hoàn toàn; họ muốn đẩy Mỹ ra ngoài và trở thành bá chủ không thể thách thức về chính trị, kinh tế và quân sự của khu vực. Ở phạm vi toàn cầu, mặc dù TQ có vẻ chấp nhận vị trí đứng đầu của Mỹ, nhưng Bắc Kinh muốn đủ mạnh để chống lại Washington khi cần thiết. Theo một quan chức TQ đã bày tỏ với tôi, “Là một siêu cường có nghĩa là bạn có thể làm những gì bạn muốn mà không ai có thể nói gì.”
Cho đến bây giờ TQ đã thành công trong việc phát triển mà không kích động. Tuy nhiên có một giới hạn trong việc một quốc gia có thể tăng cường sức mạnh mà không trực tiếp thách thức thế lực đương nhiệm (là Mỹ), và TQ hiện đang ở điểm giới hạn đó. Dưới thời ông Tập Cận Bình, TQ đã bắt đầu đối đầu với Mỹ. Với những thách thức trong nội bộ đất nước hiện có, sự trỗi dậy của TQ vẫn có thể bị đình trệ. Nhưng lịch sử đã chỉ ra rằng trong phần lớn các trường hợp khi một quốc gia có thể duy trì sự lớn mạnh của mình, quyền lực đang trỗi dậy cuối cùng sẽ vượt qua quyền lực đang thống trị, một cách hòa bình hay thông qua chiến tranh.
Điều đó không có nghĩa là Mỹ không thể tạo ra ngoại lệ so với những gì từng diễn ra trong lịch sử. Để duy trì ưu thế, Washington sẽ phải thay đổi hướng đi. Mỹ sẽ phải gia tăng thay vì giảm bớt sự tham gia vào trật tự quốc tế tự do. Mỹ sẽ phải tăng nhiều, thay vì từ bỏ, cam kết của Mỹ đối với các giá trị Mỹ. Và có lẽ quan trọng nhất, Mỹ sẽ phải đảm bảo rằng sự lãnh đạo của Mỹ sẽ mang lại lợi ích cho các nước khác thay vì chỉ theo đuổi chiến lược dựa trên cơ sở “Nước Mỹ trước hết.”
Trong lĩnh vực chính trị, TQ đã thực hiện sự kết hợp giữa các hoạt động bí mật và ngoại giao quần chúng hòng đồng hóa và vô hiệu hóa sự chống đối từ nước ngoài. Để định hình các cuộc thảo luận về các chủ đề nhạy cảm, TQ đã thành lập hàng trăm Viện Khổng Tử tại các trường đại học trên khắp thế giới và dựng lên các phương tiện truyền thông tiếng Anh để phổ biến đường lối của Đảng Cộng sản TQ. Các nhân viên tình báo TQ thậm chí đã tuyển dụng công dân TQ đang du học ở nước ngoài để làm người lấy tin và báo cáo những gì sinh viên và giáo sư TQ đang nói về đất nước của họ. Ở Úc và New Zealand, TQ đã tìm cách gây ảnh hưởng chính trị một cách trực tiếp hơn bằng cách bí mật quyên góp tiền bạc cho các ứng cử viên ưa thích.
Như nhà phân tích Nadège Rolland đã viết, Sáng kiến Vành đai và Con đường “nhằm mục đích cho phép TQ sử dụng tốt hơn lực lượng kinh tế đang phát triển của mình để đạt được mục đích chính trị tối thượng mà không gây ra phản ứng đối kháng hoặc xung đột quân sự.”
Điểm mấu chốt là Bắc Kinh tạo sự mơ hồ về phương diện quân sự của dự án này, từ đó tạo ra sự bất an của Washington về ý định thực sự của dự án. Nhiều nhà quan sát đã tự hỏi liệu Sáng kiến Vành đai và Con đường cuối cùng sẽ bao gồm thành phần quân sự hùng mạnh hay không, nhưng điều đó không phải là tâm điểm. Ngay cả khi sáng kiến này không phải là khúc dạo đầu cho sự hiện diện quân sự toàn cầu như kiểu Mỹ, TQ vẫn có thể sử dụng ảnh hưởng kinh tế và chính trị do dự án tạo ra để hạn chế phạm vi quyền lực của Mỹ. Ví dụ, TQ có thể gây áp lực cho các quốc gia phụ thuộc TQ ở Châu Phi, Trung Đông và Nam Á để từ chối quân đội Mỹ xâm nhập không phận hoặc tiếp cận các căn cứ quân sự trên mặt đất của các nước này.
Học thuyết “chống tiếp cận/chống xâm nhập” (A2/AD) của TQ là một sáng tạo quan trọng: bằng cách phát triển các khả năng quân sự bất đối xứng với chi phí tương đối thấp, TQ có thể gây khó khăn đối với những kế hoạch của Mỹ nhằm giúp đỡ Nhật Bản, Philippines hoặc Đài Loan trong trường hợp chiến tranh. Ngoài ra thay vì đối đầu với Mỹ để đẩy quân đội Mỹ ra khỏi khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, TQ đã tham gia vào các hoạt động tinh vi hơn, như quấy rối tàu và máy bay Mỹ bằng các phương tiện phi quân sự, cho phép nước này duy trì mức độ phủ nhận và không khuyến khích phản ứng từ phía Mỹ. Nhờ các chiến thuật như vậy, TQ đã đạt được những lợi ích chính trị và lãnh thổ đáng kể mà không vượt qua ngưỡng xung đột trực tiếp với Mỹ hoặc các đồng minh của Mỹ.
TQ cũng tránh gây ra phản ứng từ Mỹ bằng cách cố tình trì hoãn việc hiện đại hóa quân đội. Nhà lãnh đạo TQ Đặng Tiểu Bình có câu nói nổi tiếng: “Thao quang dưỡng hối.” Vì các quốc gia có xu hướng nhận diện ra “kẻ thách thức” thông qua việc đánh giá quy mô và bản chất các lực lượng quân sự, TQ đã chọn cách trước hết xây dựng các loại quyền lực khác như kinh tế, chính trị và văn hóa, để xây dựng hình ảnh đất nước ít mang tính đe dọa hơn.
Thực tế mãi đến cuối những năm 1990, TQ mới bắt đầu hiện đại hóa quân đội một cách nghiêm túc. Dù vậy, TQ dường như chỉ tập trung nhiều vào các khả năng khống chế Đài Loan hơn là phát huy sức mạnh ra phạm vi rộng hơn.
Ngoài ra, TQ tìm cách phát đi thông điệp rằng nước này tìm cách sử dụng quân đội vì lợi ích toàn cầu, với việc ông Hồ Cẩm Đào tuyên bố các lực lượng của TQ sẽ tập trung nhiều vào việc gìn giữ hòa bình và cứu trợ nhân đạo hơn là chiến tranh. Ngay cả học thuyết A2/AD khét tiếng của TQ ban đầu cũng được xem như một cách hạn chế khả năng can thiệp của Mỹ vào châu Á hơn là một phương pháp phát huy sức mạnh của TQ. Chỉ đến năm 2012, TQ mới hạ thủy chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên và mãi đến năm 2013 họ mới tiến hành cải cách cơ cấu để quân đội của họ có thể cạnh tranh trong tất cả lĩnh vực với Mỹ đang chiếm ưu thế ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Một phần quan trọng khác trong chiến lược tích lũy quyền lực của TQ liên quan đến mối quan hệ của TQ với trật tự toàn cầu do Mỹ lãnh đạo. Bắc Kinh đã tạo ra sự mơ hồ về các mục tiêu tối thượng của họ bằng cách hỗ trợ trật tự Mỹ trong một số lĩnh vực và làm suy yếu nó ở một số lĩnh vực nơi khác. Cách tiếp cận chọn lựa này phản ánh thực tế rằng TQ được hưởng lợi rất nhiều từ một số khía cạnh của trật tự hiện tại.
Tư cách thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho phép TQ góp phần thiết lập chương trình nghị sự quốc tế và ngăn chặn các nghị quyết họ không đồng ý. Ngân hàng Thế giới đã cho TQ vay hàng chục tỷ USD cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trong nước. Tổ chức Thương mại Thế giới (TQ tham gia năm 2001) đã mở rộng đáng kể khả năng tiếp cận của TQ với thị trường nước ngoài, dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng hàng hóa xuất khẩu, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong hơn một thập kỷ.
Nhưng có những phần của trật tự thế giới mà TQ muốn thay đổi. Và TQ phát hiện rằng bằng cách khai thác các khoảng trống hiện có, TQ có thể thay đổi trật tự thế giới mà không gây ra mối quan ngại ngay tức thời.
Khoảng trống thứ hai chính là lĩnh vực mới. Trong các lĩnh vực mà trật tự hiện nay tỏ ra yếu kém, mơ hồ hoặc không tồn tại, TQ đã tìm cách thiết lập các tiêu chuẩn mới, những luật lệ, quy tắc và quy trình mới có lợi cho họ. Ví dụ về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (gọi tắt là AI), TQ đang cố gắng định hình các quy tắc quản lý kỹ thuật AI mới theo những cách có lợi cho các công ty của TQ, hợp pháp hóa việc sử dụng công nghệ AI để giám sát người dân trong nước, và làm suy yếu tiếng nói của các nhóm xã hội dân sự vì các nhóm này đã cung cấp thông tin cho các cuộc tranh luận về TQ ở châu Âu và Bắc Mỹ.
Trong lĩnh vực hàng hải, TQ đang khai thác sự thiếu đồng thuận quốc tế về luật biển. Mặc dù Mỹ khẳng định rằng tự do hàng hải của các tàu hải quân được quy định trong luật pháp quốc tế, vài quốc gia khác cho rằng tàu chiến không mặc nhiên có quyền đi ngang qua vùng lãnh hải của một quốc gia - quan điểm này không chỉ là của TQ mà còn được các đồng minh của Mỹ như Ấn Độ ủng hộ. Bằng cách tận dụng những khác biệt này (và việc Mỹ không phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển - UNCLOS), TQ tìm cách thách thức quan điểm tự do hoạt động hàng hải của Mỹ trong khuôn khổ trật tự quốc tế hiện có.
Nhờ chiến lược mới này, TQ đã có thể phát triển thành một trong những quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, có lẽ chỉ sau Mỹ. Và nếu TQ chọn kiên trì theo đuổi chiến lược này, nước này có thể tiếp tục ở ngoài sự chú ý của Mỹ. Nhưng các cường quốc đang trỗi dậy chỉ có thể trì hoãn sự khiêu khích trong một thời gian nhất định, và tin xấu cho Mỹ – cũng như cho cả nền hòa bình và an ninh ở Châu Á - là TQ hiện đã bước vào giai đoạn đầu việc thách thức trực tiếp trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo.
TQ không còn bằng lòng trong việc đứng sau Mỹ, và đang tìm cách thách thức trực tiếp vị trí của Mỹ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. |
Oriana Skylar Mastro (ĐH Georgetown) |
Đối với Mỹ, cạnh tranh với TQ ngày nay không thể là vấn đề đối đầu với một đất nước, hoặc như Ngoại trưởng Mike Pompeo đã nói vào tháng 10-2018, đối đầu với TQ ở mọi mặt trận. Washington cần tập trung vào việc xây dựng sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ ở tất cả mọi nơi trên thế giới - làm cho Mỹ trở nên hấp dẫn hơn trong tư cách là đối tác về chính trị, kinh tế và quân sự - thay vì chỉ làm suy yếu nỗ lực của TQ trong việc thực hiện một chiếc lược tương tự. Bằng cách tập trung vào việc cải thiện bản thân hơn là đối đầu, Washington có thể giảm nguy cơ tạo ra kẻ thù và gây ra xung đột không cần thiết.
Bước đầu tiên là Mỹ nên mở rộng phạm vi của trật tự mà Mỹ đang dẫn đầu, từ đó làm bớt đi những khoảng trống mà TQ có thể khai thác. Trái ngược với thế giới quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump, thế giới cần nhiều trật tự hơn chứ không phải ít hơn. Washington nên thêm các thể chế mới để bao gồm các vấn đề hay lĩnh vực mà trật tự hiện nay không có, và sửa đổi các phần đã lỗi thời của những thể chế cũ.
Ví dụ Mỹ nên dẫn đầu trong nỗ lực cập nhật hóa Chế độ Kiểm soát Công nghệ Tên lửa, là một thỏa ước đối tác năm 1987 để ngăn chặn sự phổ biến các hệ thống phân phối hạt nhân nhằm kiểm soát tốt hơn sự xuất hiện máy bay không người lái. Mỹ cũng nên tạo ra các hiệp ước mới nhằm ngăn chặn chiến tranh trong không gian mạng. Khi TQ thành lập các tổ chức của riêng, như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á năm 2016, Mỹ nên sớm tham gia để tác động đến sự phát triển của các tổ chức mới này thay vì cố gắng ngăn cản. Mục tiêu là xây dựng một trật tự quốc tế toàn diện hơn để không thể bị TQ kéo theo chiều hướng thiếu tự do.
Mỹ cũng cần đẩy mạnh trò chơi kinh tế của mình. TQ có nhiều hiệp định thương mại chính thức gần bằng Mỹ. Ở châu Á, Mỹ chỉ ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương với Úc, Singapore và Hàn Quốc. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), được ký kết bởi 12 quốc gia vào năm 2016, là một bước đi đúng hướng nhưng chính quyền Trump đã rút, do đó đã bỏ qua một thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới, chiếm 40% kinh tế toàn cầu. Thay vào đó, chính quyền Trump đã ưu tiên các chính sách bảo hộ. Điều này tạo điều kiện cho sự thống trị kinh tế của TQ ở châu Á. TQ đã đưa ra một phiên bản tương tự TPP, gọi là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực bao gồm 16 quốc gia châu Á.
Một cách khác Mỹ có thể duy trì lợi thế của mình là dựa vào gợi ý của TQ: đưa vấn đề tài chính, thương mại vào cách tạo dựng và thực thi quyền lực. Những phương pháp tiêu chuẩn mà Washington đã theo đuổi kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc sẽ không còn hiệu nghiệm nữa. Ví dụ nếu Mỹ bất bình với một quốc gia vì vấn đề vi phạm quyền con người, thì việc trừng phạt bằng cách giảm hoặc cắt đứt quan hệ kinh tế và ngoại giao với quốc gia đó sẽ có nguy cơ giúp TQ, một quốc gia “dễ dãi”, gia tăng ảnh hưởng.
Thay vào đó, Washington nên tăng cường quan hệ với các chính phủ “bất hảo”, theo đuổi lợi ích của Mỹ không chỉ ở cấp độ ngoại giao mà còn ở cấp độ người dân. Tương tự khi nói đến quan hệ về mặt quân sự, Mỹ cần nâng cấp những biện pháp của mình. Các chuyến thăm bến cảng, triển lãm hàng không, thậm chí cả các cuộc tập trận chung và bán vũ khí với nước ngoài thường chỉ mang tính biểu tượng và không thể hiện cam kết của Mỹ đối với một quốc gia. Những nỗ lực nhằm tạo ra nhận thức về mối đe dọa chung giữa Mỹ và các nước thông qua việc tăng cường chia sẻ thông tin tình báo và lập kế hoạch dự phòng chung sẽ mang lại nhiều hiệu quả cho Washington.
Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ cũng phải tiến hành xem xét kỹ lưỡng về tính hiệu quả của các chi phí duy trì vị thế thống trị của Mỹ ở Châu Á. Hầu hết đều đồng ý rằng Mỹ nên cố gắng duy trì ưu thế của mình trong khu vực thông qua các biện pháp cạnh tranh nhưng bằng giải pháp hòa bình. Tuy nhiên điều trớ trêu là nếu Mỹ thành công trong việc đó thì xác suất xung đột với TQ có thể tăng lên. Lý do vì các nhà lãnh đạo TQ luôn cho rằng việc không thể khôi phục vị thế quốc gia của họ sẽ còn tồi tệ hơn chiến tranh, và vì thế TQ sẽ không né tránh xung đột nếu đó là điều cần thiết để nước này đảm bảo vị thế. Do đó nếu các nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng cần bảo vệ ưu thế của Mỹ ở châu Á, họ nên chuẩn bị cho trường hợp phải sử dụng sức mạnh quân sự.
... nếu các nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng cần bảo vệ ưu thế của Mỹ ở châu Á, họ nên chuẩn bị cho trường hợp phải sử dụng sức mạnh quân sự. |
Oriana Skylar Mastro (ĐH Georgetown) |
Mỹ cũng phải xem xét những chi phí mà họ sẵn sàng bỏ ra để bảo vệ các quốc gia ở châu Á, những nước không phải là đồng minh của họ nhưng nếu khuất phục TQ thì sẽ đe dọa các nguyên tắc nền tảng của trật tự quốc tế của Mỹ. Ví dụ ở Biển Đông, Mỹ tuyên bố rằng các hoạt động hải quân của Mỹ nhằm bảo vệ nguyên tắc tự do hàng hải chung, nhưng trên thực tế Mỹ cho thấy chỉ sẵn sàng bảo vệ quyền đi lại của tàu Mỹ và đồng minh. Sự thất bại của Washington trong việc đứng lên bênh vực những nước không phải là đồng minh đang bị hạn chế quyền tự do hàng hải khiến cho vị trí ưu việt của Mỹ gặp rủi ro. Vì vậy Mỹ nên bắt đầu đặt nền móng cho một liên minh, tương tự như lực lượng đặc nhiệm chống cướp biển mà Mỹ phát triển ở Vịnh Aden: những tàu của Mỹ sẽ hộ tống bất kỳ tàu nào, của nước nào cần được bảo vệ ở Biển Đông.
Các kịch bản khác thậm chí còn thảm khốc hơn. Khi vòng cải cách quân sự đầu tiên của TQ hoàn thành, dự kiến là vào khoảng năm 2025, Bắc Kinh sẽ muốn thử nghiệm khả năng mới của mình trước một quốc gia yếu kém không được Mỹ bảo vệ. Lấy ví dụ quốc gia ở Biển Đông. Mặc dù Mỹ không có nghĩa vụ bảo vệ các quốc gia (ngoài Philippines) ở Biển Đông, nhưng nếu TQ dùng vũ lực xâm chiếm một hòn đảo ở Biển Đông mà các nước này hiện đang chiếm giữ và Washington không can thiệp, thì vai trò bảo đảm hòa bình trong khu vực của Mỹ sẽ bị nghi ngờ, và TQ sẽ trở nên hung hăng hơn. Do đó Washington cần phải chuẩn bị cho một trường hợp chưa có tiền lệ, là sử dụng lực lượng quân sự để bảo vệ một quốc gia không có liên minh.
Cạnh tranh siêu quyền lực không chỉ đơn thuần về tính toán quân sự hay sức kéo kinh tế. Mỹ cũng cần tái cam kết bảo vệ các giá trị của mình. Một số người ở Washington nói rất nhiều về khả năng hoàn thành công việc của Bắc Kinh, một phần nhờ vào sự coi thường các quy tắc tự do. Thật vậy, loại chủ thuyết vô thần này mang lại cho TQ một lợi thế. Nó có thể giành chiến thắng trong việc thu hút các chính phủ châu Á bằng cách tung tiền bạc mà không kèm theo những điều kiện ràng buộc.
Các doanh nghiệp nhà nước TQ không chỉ nhận được sự hỗ trợ của chính phủ mà còn lấy được những thông tin độc quyền thông qua hoạt động gián điệp. Hệ thống chính trị của TQ giúp kiểm soát dễ dàng mặt tuyên truyền về các mục tiêu và hành động của chính phủ TQ cả trong và ngoài nước. Nhưng TQ có một nhược điểm chết người: các nhà lãnh đạo của họ đã thất bại trong việc đưa ra một viễn cảnh về sự thống trị toàn cầu có lợi cho nhiều quốc gia, thay vì chỉ có TQ hưởng lợi. Đó là lý do tại sao, không giống như Mỹ, TQ chỉ thích làm việc với các đối tác yếu để có thể dễ dàng kiểm soát.
Để cạnh tranh, Washington không thể hạ mình xuống cấp độ của Bắc Kinh. Mỹ mặc dù không có một bề dày hoàn hảo chứng tỏ đã làm đúng các giá trị của mình, nhưng nhìn chung Mỹ đã chọn lựa con đường dẫn đầu thế giới theo cách đảm bảo rằng những nước khác cũng được hưởng lợi. Bây giờ không phải là lúc từ bỏ phương pháp tiếp cận mang tính phổ quát này. Washington nên hỗ trợ các thể chế quốc tế tạo nên một trật tự có tự do. Mỹ nên dành nguồn lực lớn hơn để bảo vệ các đồng minh và đối tác của mình. Và trong hỗ trợ kinh tế, Mỹ nên tập trung vào chất lượng thay vì số lượng. Điều khiến Mỹ trở thành số một là vì Mỹ có tư duy toàn cầu, không phải tư duy “nước Mỹ trước hết.” Chỉ bằng cách mở rộng phạm vi của các giá trị tự do của chính mình, Mỹ mới có thể vượt qua thách thức của TQ.
---
Ảnh: REUTERS, GETTY, ZING