Trong hai ngày 7 và 8-1, Mỹ và Trung Quốc bắt đầu nối lại đàm phán thương mại vốn đã bị ngưng trệ từ nửa cuối năm 2018, CNBC đưa tin. Vòng đàm phán diễn ra tại Bắc Kinh (Trung Quốc).
Dẫn đầu phái đoàn Mỹ sang Trung Quốc đàm phán là Phó Đại diện Thương mại Mỹ Jeffrey Gerrish. Không bên nào cung cấp chi tiết về lịch trình của phái đoàn Mỹ, nhưng theo thông tin của Time thì trong phái đoàn có nhiều quan chức các bộ ngành nông nghiệp, năng lượng, thương mại, tài chính và ngoại giao.
Chưa có thông tin ai sẽ đại diện dẫn đầu phái đoàn đàm phán của Trung Quốc.
Ông Trump lạc quan
AP dẫn lời ông Tu Xinquan,Giám đốc Viện Nghiên cứu Tổ chức Thương mại Thế giới của Trung Quốc tại đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế (Bắc Kinh) dự đoán trong hai ngày này hai bên sẽ tập trung về các chi tiết kỹ thuật. Nói cách khác vòng đàm phán này chuẩn bị nền tảng cho các lãnh đạo cấp cao hơn “có các quyết định chính trị khó khăn”.
Trao đổi với báo chí tại Nhà Trắng ngày 6-1, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết quá trình giao tiếp hai bên chuẩn bị cho việc chính thức khôi phục đàm phán diễn ra rất suôn sẻ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham gia rất nhiều vào quá trình giao tiếp này.
“Tôi thật sự tin họ muốn có được thỏa thuận. Các vòng đánh thuế thật sự đã làm tổn thương Trung Quốc rất nặng nề”, ông Trump nói.
Đấu lại các chính sách thương mại không công bằng của Trung Quốc là một cam kết tranh cử của ông Trump năm 2016. Ông Trump có một danh sách yêu cầu rõ ràng với Trung Quốc: Chấm dứt ăn cắp tài sản trí tuệ, cưỡng ép các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ như một điều kiện để được làm ăn tại Trung Quốc, tìm cách chia sẻ quyền sở hữu các công ty Mỹ ở Trung Quốc, chấm dứt các rào cản thuế quan và phi thuế quan, và nhiều vấn đề khác.
Phó Đại diện Thương mại Mỹ Jeffrey Gerrish (giữa) dẫn đầu phái đoàn Mỹ sang Trung Quốc nối lại đàm phán thương mại. Ảnh: REUTERS
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cũng tỏ thái độ lạc quan về vòng đàm phán, tự tin phái đoàn hai bên sẽ có “các cuộc bàn bạc tích cực và xây dựng”. Nhận định với Al Jazeera, nhà phân tích chính trị Einar Tangen,cố vấn cho chính phủ Trung Quốc về các vấn đề kinh tế và phát triển cho rằng: “Trung Quốc muốn nhìn thấy một thỏa thuận dù là thỏa thuận tạm thời chỉ kéo dài vài năm”.
90 ngày quá ít
Đàm phán được khôi phục sau khi Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập thống nhất đình chiến đánh thuế nhập khẩu trong 90 ngày để hai bên thương lượng giải quyết cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới này.
Mỹ hiện đang áp hai gói thuế quan lên tổng cộng 250 tỉ USD hàng Trung Quốc nhập khẩu, trong đó 50 tỉ USD chịu thuế 25%, 200 tỉ USD chịu thuế 10%. Trung Quốc trả đũa với hai gói thuế quan đánh lên 110 tỉ USD hàng Mỹ nhập khẩu, trong đó 50 tỉ USD chịu thuế 25%, 60 tỉ USD còn lại chịu thuế 10%.
Trước thỏa thuận đình chiến 90 ngày ông Trump còn đe dọa sẽ áp gói thuế quan thứ ba lên 270 tỉ USD hàng Trung Quốc nhập khẩu. Nếu điều này xảy ra xem như Mỹ đã đánh thuế lên toàn bộ giá trị nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) thống nhất đình chiến thương mại 90 ngày để đàm phán giải quyết cuộc chiến. Ảnh: GETTY IMAGES
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung không chỉ làm ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế cả hai nước mà còn gây bất ổn lên các thị trường toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm xuống mức 6,5% trong quý 3 năm 2018. Tăng trưởng của Mỹ giảm xuống mức 3,4% trong quý 3 năm 2018, tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao nhất trong vòng 5 thập niên. Các thị trường tài chính thế giới ngày 7-1 cũng khởi sắc hơn, với hy vọng việc Mỹ và Trung Quốc trực tiếp đàm phán sẽ giúp giảm căng thẳng hai bên.
Tuy thế nhiều nhà phân tích nhận định thời gian 90 ngày quá ít để hai bên có thể tháo gỡ tất cả các bất đồng trong quan hệ thương mại, kinh tế của mình. Thời hạn đình chiến sẽ kết thúc vào ngày 2-3, và theo chuyên gia Tu Xinquan, về dài hạn, các gói thuế quan hai bên đánh lên hàng hóa lẫn nhau sẽ “tồn tại vài năm”.
Vòng đàm phán được khôi phục trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung đang rất căng thẳng quanh chuyện Mỹ yêu cầu Canada bắt Giám đốc Tài chính Mạnh Vãn Châu của tập đoàn Huawei với cáo buộc vi phạm trừng phạt của Mỹ với Iran. Chưa rõ sự kiện này có tác động gì đến vòng đàm phán hay không khi tháng 12-2018 ông Trump từng lên tiếng sẵn sàng can thiệp chuyện bà Mạnh bị bắt nếu điều này có lợi cho Mỹ, giúp Mỹ đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.