Giám đốc Huawei bị bắt, cuộc chiến thương mại Mỹ-TQ sẽ ra sao?

Xung đột Mỹ-Trung về thương mại và công nghệ có nguy cơ thêm nghiêm trọng sau khi Canada bắt Giám đốc tài chính Tập đoàn viễn thông Huawei Mạnh Vãn Châu theo yêu cầu của Mỹ.

“Cực kỳ sốc”

Bà Mạnh bị bắt cuối tuần trước. Sau cuộc điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ, khả năng Huawei vi phạm trừng phạt Iran của Mỹ. Hiện chưa rõ bà Mạnh có bị dẫn độ về Mỹ không hay sẽ đối mặt cáo buộc gì. CNN dẫn ý kiến nhiều nhà quan sát rằng chuyện xảy ra sắp tới với bà Mạnh sẽ tác động rất lớn đến cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hiện nay và cả quan hệ ngoại giao hai bên.

Chuyện xảy ra ngay lúc Mỹ và Trung Quốc (TQ) vừa đạt được “thỏa thuận đình chiến” thương mại cuối tuần trước, và đang bàn khôi phục đàm phán giải quyết cuộc chiến dai dẳng đã lôi hai nước vào vòng đánh thuế hàng trăm tỉ USD hàng hóa lẫn nhau. Các nhà phân tích tại tổ chức tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group (Mỹ) khẳng định chắc chắn “hành động này sẽ ảnh hưởng đến không khí thương lượng, làm giảm khả năng có được một dàn xếp bền vững”. GS Jia Wenshan, ĐH Chapman (Mỹ), cho việc bà Mạnh bị bắt “mang lại nguy cơ khổng lồ làm trật đường ray đối thoại thương mại Mỹ-Trung”.

Chuyên gia về quan hệ Trung-Mỹ Lu Xiang, Học viện Khoa học xã hội TQ, cho rằng chuyện bà Mạnh bị bắt là “cực kỳ sốc”. Trong khi đó, theo chuyên gia về TQ Christopher Balding, việc bà Mạnh bị bắt là một “sự xấu hổ chính trị” với TQ khi có thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đạt “thỏa thuận đình chiến” ngay đúng ngày Canada bắt bà Mạnh.

Việc Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu bị bắt là một rắc rối lớn nữa với đàm phán thương mại Mỹ-Trung. Ảnh: REUTERS

Mỹ, Trung sẽ làm gì tiếp?

Trong một động thái có thể xem là nhằm bác bỏ đồn đoán về tác động của chuyện bà Mạnh bị bắt, Bộ Thương mại TQ ngày 6-12 cho biết tự tin hai bên sẽ đạt được thỏa thuận giải quyết cuộc chiến trong 90 ngày “đình chiến”. Dù Bộ Thương mại nói thế nhưng có thể nhìn thấy rõ sự tức giận của TQ qua việc Bộ Ngoại giao nước này kêu gọi Mỹ và Canada “ngay lập tức sửa chữa sai lầm” bằng cách thả ngay bà Mạnh.

Câu hỏi lớn nhất hiện là Mỹ và TQ rồi sẽ làm gì. Nhiều nhà phân tích dự đoán TQ sẽ trả đũa và rồi chính phủ Trump cũng sẽ làm tương tự. Các nhà phân tích tại Eurasia Group cho rằng chính phủ Trump hành động khá quyết liệt, khi trước đây chính phủ tiền nhiệm Obama dù biết chắc việc các công ty TQ làm vẫn ngần ngại ra tay vì lo TQ sẽ đụng đến quyền lợi Mỹ ở TQ hoặc ở các nước khác. Tuy nhiên, theo chuyên gia Arthur Kroeber, tổ chức nghiên cứu kinh tế Gavekal Dragonomics - Chi nhánh Bắc Kinh, khả năng lớn TQ sẽ không dùng tới bước trả đũa cộng đồng doanh nghiệp Mỹ tại thị trường mình. Lý do, lợi ích mà cộng đồng doanh nghiệp Mỹ mang lại cho TQ quá lớn.

Việc bà Mạnh bị bắt là một trong những bước đi mạnh nhất của Mỹ với Huawei. Theo các nhà phân tích Eurasia Group, việc này “có thể là bước mở đầu cho hành động tiếp theo của Mỹ nhằm vào Huawei và các lãnh đạo cấp cao tập đoàn này”.

Có thể dự đoán được viễn cảnh của Huawei qua chuyện tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông đa quốc gia của TQ ZTE Corp, đối thủ nhỏ hơn của Huawei, đã trải qua với Mỹ. Đầu năm nay, tập đoàn này bị Bộ Thương mại Mỹ phong tỏa nhiều tháng liền, không cho mua các thiết bị tối cần thiết từ các công ty Mỹ sau khi bị Mỹ phát hiện giao dịch với Iran và Triều Tiên, vi phạm trừng phạt của Mỹ. Lệnh phong tỏa của Mỹ khiến ZTE điêu đứng, suýt phá sản và chỉ được dỡ bỏ vào tháng 7 năm nay sau khi đích thân ông Tập đề nghị ông Trump giúp đỡ và ZTE nộp phạt 1 tỉ USD. Một lệnh phong tỏa tương tự của Mỹ với Huawei sẽ có hậu quả đáng sợ hơn rất nhiều, theo các nhà phân tích.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm