Theo chính quyền Canada, bà Mạnh đang đối mặt với khả năng bị dẫn độ sang Mỹ. Tờ The Globe and Mail dẫn nhiều nguồn tin chấp pháp nói rằng bà này bị tình nghi lách các biện pháp cấm vận thương mại nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo.
Huawei lâu nay là tâm điểm của những mối lo ngại sâu sắc về an ninh của Mỹ. Dưới thời Tổng thống Donald Trump và người tiền nhiệm Barack Obama, Nhà Trắng đã gây sức ép lên các nước châu Âu và những đồng minh khác nhằm hạn chế sử dụng công nghệ của tập đoàn này.
Mỹ xem Huawei và các nhà cung cấp công nghệ nhỏ hơn khác của Trung Quốc là những tấm bình phong khả dĩ cho hoạt động gián điệp và là những đối thủ thương mại. Chính quyền của Tổng thống Trump nói rằng các công ty này hưởng lợi từ những khoản trợ cấp không phù hợp và những rào cản thị trường.
Thời điểm xảy ra vụ bắt giữ được xem là khá bất tiện sau tuyên bố “đình chiến thương mại” giữa Mỹ và Trung Quốc vốn bắt nguồn từ chính sách công nghệ của Bắc Kinh. Bà Mạnh bị bắt tại TP Vancouver hôm 1-12, cùng ngày với cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Argentina và công bố thỏa thuận nói trên.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton phát biểu trên đài NPR rằng ông biết trước vụ Canada bắt giữ bà Mạnh nhưng không nói cụ thể về vụ việc. Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau ông được thông báo trước vài ngày về ý định của nhà chức trách Canada bắt giữ bà Mạnh nhưng khẳng định đó là quyết định của cơ quan thực thi pháp luật và không có sự can thiệp về chính trị.
Bà Mạnh Vãn Châu. Ảnh: 9News
Thị trường chứng khoán đã giảm mạnh khi thông tin về vụ bắt giữ được công bố hôm 6-12, gây ra những lo ngại về khả năng tái diễn những căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc vốn đe dọa sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán.
Một tuyên bố do chính phủ Trung Quốc đưa ra hôm 6-12 khẳng định bà Mạnh không vi phạm luật của cả Mỹ lẫn Canada và đòi Ottawa phải lập tức sửa chữa sai lầm và phóng thích bà Mạnh.
“Chúng tôi đã làm việc một cách nghiêm túc với đại diện Canada và Mỹ, yêu cầu hai nước phải làm rõ lý do bắt giữ và trả tự do ngay lập tức cho giám đốc tài chính của Huawei. Chúng tôi sẽ theo sát diễn biến của vụ việc để thực hiện mọi biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của công dân Trung Quốc”, hãng thông tấn Tân Hoa xã dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng tuyên bố.
Trước đó cùng ngày, Đại sứ quán Trung Quốc tại Ottawa cũng ra tuyên bố khẳng định Bắc Kinh “phản đối mạnh mẽ kiểu hành động gây tổn hại nghiêm trọng đến nhân quyền của nạn nhân”.
Tuy nhiên, Bộ Thương mại Trung Quốc tỏ dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh muốn tránh làm gián đoạn những tiến bộ đạt được nhằm hướng đến việc giải quyết tranh cãi với Washington liên quan đến chính sách công nghệ, vốn buộc cả hai nước tăng các mức thuế trị giá nhiều tỉ USD lên hàng hóa của nhau.
Trung Quốc tự tin có thể đạt được một thỏa thuận thương mại trong vòng 90 ngày mà Tổng thống Trump đồng ý hoãn tăng thuế suất đánh lên hàng hóa Trung Quốc, theo đài CNN.
“Mỹ đang tăng cường ngăn chặn Trung Quốc trong mọi phương diện”, ông Zhu Feng, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Nam Kinh. Theo ông này, việc nhắm vào Huawei, một trong những công ty thành công nhất, “sẽ kích hoạt tâm lý chống Mỹ” và vụ việc này “có thể cuối cùng trở thành một điểm vỡ”.