Báo cáo của Ủy ban này cho rằng các hệ thống máy tính của Mỹ và các công ty tư nhân nên loại bỏ mọi thiết bị của hai hãng nói trên, đồng thời kêu gọi Ủy ban về Đầu tư nước ngoài của Mỹ phong tỏa các hợp đồng, các tiếp quản hoặc hợp tác liên quan đến hai công ty.
Tuy nhiên, theo Plummer, bản báo cáo 52 trang nói trên không đưa ra bằng chứng cụ thể cho các cáo buộc nhằm vào Huawei, công ty mà ông này nói rằng đã giúp duy trì hàng trăm công ty Mỹ và hàng chục nghìn người lao động Mỹ.
"Người Mỹ đáng với sự thật được xác nhận nếu họ sắp mất hàng chục nghìn việc làm, hàng trăm triệu đôla trong đầu tư và hàng tỷ đôla trong mua sắm các sản phẩm Mỹ, và nếu họ phải trả nhiều hơn cho băng thông thộng của mình", ông Plummer nói với Tân Hoa xã.
Về giả thuyết Huawei cấu kết với chính phủ Trung Quốc hoạt động gián điệp chống lại Mỹ, ông Plummer lập luận rằng cáo buộc này bỏ qua những thực tế cả về thương mại và kỹ thuật.
Thứ nhất, ông Plummer cho rằng báo cáo không công nhận ngành viễn thông mang đặc điểm của một chuỗi cung cấp toàn cầu và rủi ro về mạng là một vấn đề chung toàn cầu. Thứ hai, là một doanh nghiệp định hướng lợi nhuận, Huawei sẽ không đánh liều hoạt động hàng tỷ đôla cho bất kỳ ai. Thứ 3, nếu công ty thông đồng với một chính phủ để thực hiện hoạt động gián điệp, hàng chục nghìn người lao động sẽ liên quan, và thực tế này cho thấy âm mưu đó là phi hiện thực, theo ông Plummer.
"Nó đặt ra một tiền lệ chính sách bóp méo thị trường nguy hiểm mà các thị trường khác có thể sẽ chọn để chống lại các công ty Mỹ làm ăn ở nước ngoài", ông Plummer nói và khẳng định Huawei hoạt động công khai, trung thực với Ủy ban trong 11 tháng qua song Ủy ban "chưa bao giờ có ý định thực hiện một cuộc điều tra khách quan".
Theo Thanh Hảo (VNN / THX)