EU chia rẽ về chuyện ngũ cốc Ukraine

(PLO)- Nhiều nước EU tuần qua áp lệnh cấm nhập ngũ cốc Ukraine cho thấy nội bộ khối này ngày càng chia rẽ sâu sắc dù có những nỗ lực kêu gọi hàn gắn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tuần qua nhiều nước Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine để bảo vệ nguồn nông sản nội địa. Phía EU nhanh chóng lên tiếng kêu gọi các bên đoàn kết và hành động mang tính xây dựng, trong khi đó chính quyền Kiev đã đệ đơn kiện các nước Đông Âu lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Diễn biến này cho thấy thách thức chia rẽ ngày càng sâu sắc trong EU liên quan vấn đề ngũ cốc Ukraine.

Nhiều nước cấm ngũ cốc Ukraine, EC kêu gọi thỏa hiệp

Theo đài CNN, vào ngày 15-9 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã tuyên bố kế hoạch đình chỉ lệnh cấm tạm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine và các sản phẩm khác vào năm quốc gia thành viên EU tiếp giáp Ukraine. Lệnh cấm này vốn được thông qua hồi tháng 5 năm nay nhằm cấm xuất khẩu lúa mì, ngô, hạt cải dầu và hạt hướng dương của Ukraine sang Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia để bảo vệ nông dân ở các quốc gia này.

Việc cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine từ lâu đã vấp phải sự chỉ trích của các nước khác trong EU. Ngay từ khi EC ban hành lệnh cấm hồi tháng 5, một nhóm 12 quốc gia EU (trong đó có Đức, Pháp, Hà Lan và Bỉ) đã nêu lên “mối lo ngại nghiêm trọng” về tác động bất lợi mà các hạn chế gây ra đối với thị trường chung, vốn hoạt động theo quy tắc bình đẳng cho mọi quốc gia, theo tờ euronews.

Vài giờ sau khi EC tuyên bố không gia hạn lệnh cấm, ba nước gồm Ba Lan, Hungary và Slovakia đã lên tiếng phản đối quyết định liên minh và cho biết sẽ tiếp tục cấm bán ngũ cốc Ukraine trong biên giới của họ.

Theo hãng thông tấn PAP, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết rằng phía Ba Lan sẽ gia hạn lệnh cấm này bất chấp sự bất đồng của EU. “Chúng tôi sẽ gia hạn lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine. Chúng tôi sẽ làm điều đó vì đó là lợi ích của nông dân Ba Lan” - ông Morawiecki nói. Theo ông, việc không gia hạn lệnh cấm vận gây ra mối nguy bất ổn cho thị trường ở năm nước này và có thể cả các quốc gia khác, đồng thời cũng có khả năng gây ra những tác động tiêu cực cho chính Ukraine.

Cuối ngày 16-9, người phát ngôn của chính phủ Ba Lan Piotr Muller đã công bố kế hoạch mở rộng lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine, nhấn mạnh rằng biện pháp này được thực hiện vì “lợi ích của nông dân và người tiêu dùng Ba Lan”.

Hungary cũng quyết định gia hạn lệnh cấm khi Thủ tướng Viktor Orban ngày 16-9 thông báo rằng chính phủ của ông có kế hoạch “tự giải quyết vấn đề”. “Các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine xuất khẩu sang châu Phi đang tràn ngập thị trường Trung Âu. Các quan chức ở Brussels một lần nữa đang nhắm mắt làm ngơ trước những vấn đề của nông dân châu Âu, vì vậy Hungary, Ba Lan và Slovakia đang gia hạn lệnh cấm nhập khẩu trên toàn quốc” - ông Orban nhấn mạnh.

Phía Bộ Nông nghiệp Slovakia cũng đã nhanh chóng ra quyết định gia hạn lệnh cấm sau tuyên bố của EC, với lý do cần phải bảo vệ “thị trường nội địa” của Slovakia. Thủ tướng Slovakia Ľudovít Ódor nói rằng chính phủ của ông đã quyết định cấm nhập khẩu bốn mặt hàng gồm lúa mì, ngô, hạt cải dầu và hạt hướng dương từ Ukraine. “Chúng tôi phải ngăn chặn áp lực quá mức lên thị trường Slovakia để duy trì sự công bằng cho nông dân của chúng tôi” - ông nói.

Ngoài ra, theo hãng tin Reuters, nông dân Romania hôm 16-9 cũng đã kêu gọi chính phủ cấm nhập khẩu ngũ cốc và các sản phẩm thực phẩm khác của Ukraine. “Chúng tôi không hiểu tại sao Romania lại dè dặt làm điều tương tự như Ba Lan, Hungary và Slovakia” - theo Hiệp hội Nông dân Romania.

Trước tình hình trên, EC hôm 17-8 kêu gọi Ba Lan, Hungary và Slovakia có tinh thần xây dựng hơn. “Chúng tôi đã biết về quyết định của một số quốc gia thành viên liên quan các lệnh cấm đơn phương. Điều quan trọng hiện nay là tất cả quốc gia nên làm việc trên tinh thần thỏa hiệp và mang tính xây dựng” - một phát ngôn viên của EC nói.

Ảnh chính, P16 ngày 20-9.png
Ba Lan, Hungary và Slovakia không đồng tình với quyết định của Ủy ban châu Âu và tuyên bố đơn phương áp lệnh cấm nhập ngũ cốc Ukraine. Ảnh: GETTY IMAGES

Ukraine kiện, các bên không đổi ý

Ngày 18-9, Phó Thủ tướng thứ nhất Ukraine Yulia Svyrydenko cho biết Ukraine đã kiện Ba Lan, Hungary và Slovakia lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhằm tiến hành “các cuộc tham vấn” với ba nước Đông Âu. “Chúng tôi hy vọng các quốc gia này sẽ dỡ bỏ các hạn chế để không phải giải quyết vấn đề tại tòa trong thời gian dài” - bà nói và lưu ý rằng Ukraine tìm kiếm sự đoàn kết với các quốc gia này nhưng đồng thời cũng phải bảo vệ lợi ích của nông dân nước mình.

Bà Svyrydenko cho biết các thương nhân Ukraine đã phải chịu thêm chi phí vận chuyển và khó khăn trong việc thực hiện các hợp đồng nước ngoài, do đó “hành động đơn phương của các nước thành viên EU trong lĩnh vực thương mại là không thể chấp nhận”.

Trước đó, chia sẻ với tờ Politico tối 17-9, Đại diện Thương mại Ukraine Taras Kachka nói rằng Kiev đang nhắm đòn trả đũa vào hoạt động xuất khẩu rau quả của Ba Lan. Theo ông, hành động cấm ngũ cốc Ukraine của các nước nói trên thể hiện rõ sự ngờ vực hoàn toàn của họ đối với EC. Ông Kachka lập luận rằng việc Ba Lan, Hungary và Slovakia công khai thách thức Brussels không chỉ là vấn đề nội bộ của EU mà còn cho thấy “mối lo ngại mang tính hệ thống lớn nhất” của liên minh, đó là liệu các đối tác thương mại quốc tế còn tin tưởng rằng Brussels có thể đại diện cho EU hay không.

Tuy nhiên, phản ứng trước đơn kiện của Ukraine, chính phủ Ba Lan và Slovakia vẫn kiên quyết không dỡ bỏ lệnh cấm.

Phát ngôn viên chính phủ Ba Lan Piotr Müller cho biết Warsaw coi lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine là hợp lý. “Chúng tôi sẽ không cho phép thị trường nông sản Ba Lan bị gián đoạn. Chúng tôi sẽ không thay đổi quan điểm của mình về vấn đề này và chúng tôi sẽ thực hiện các bước để bảo vệ lợi ích của nông dân Ba Lan” - ông nói, theo PAP.

PAP cũng dẫn lời người đứng đầu ủy ban đối ngoại quốc hội Ba Lan Radoslaw Fogiel rằng quyết định khởi kiện của Ukraine sẽ gây ảnh hưởng xấu ở Ba Lan và Ukraine nên nhận thức được điều này. “Quyết định của chúng tôi không nhắm vào Ukraine, nó được đưa ra nhằm bảo vệ nông dân Ba Lan và bảo vệ lợi ích của Ba Lan” - ông nói.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Slovakia Jozef Bires cho biết Slovakia sẵn sàng bảo vệ các quyền của mình trước WTO và không có ý định dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với việc nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine. “Chúng tôi sẽ không thay đổi quan điểm của mình trừ khi có sự đảm bảo. Chúng tôi có thể trình bày nguyên nhân và mối quan ngại của mình với WTO” - ông cho biết, theo hãng tin RIA Novosti.

Các lệnh cấm đơn phương này cũng diễn ra trong bối cảnh Nga đã rút khỏi thỏa thuận thời chiến về việc xuất khẩu ngũ cốc Ukraine qua Biển Đen, khiến tình hình đã khó càng thêm khó cho Kiev.•

Liệu thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen sớm được khôi phục?

Theo hãng thông tấn TASS, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov ngày 16-9 vừa qua nói rằng Nga đã nhiều lần tuyên bố cánh cửa khôi phục sáng kiến ​​​​ngũ cốc Biển Đen vẫn để mở và kêu gọi Mỹ nên thực sự dỡ bỏ các rào cản trừng phạt chứ không nên lặp lại những lời nói sáo rỗng.

Trước đó, chia sẻ với kênh truyền hình Rossiya-24, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergey Vershinin nói rằng việc nối lại sáng kiến ​​Biển Đen có thể thực hiện được khi các sản phẩm nông nghiệp của Nga được đưa ra thị trường toàn cầu.

Phần mình, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Yasar Guler cho biết cũng Ankara tiếp tục làm việc và đưa ra các đề xuất nhằm nối lại sáng kiến ​​​​ngũ cốc ở Biển Đen. Ông Guler cho biết ông ủng hộ một “cách tiếp cận hợp lý, bao gồm việc đổi mới sáng kiến ​​này và thực sự chấm dứt cuộc chiến giữa Nga và Ukraine càng sớm càng tốt”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm