Đầu tháng 8, thông tin về việc Mỹ và Iran đạt được thỏa thuận trao đổi tù nhân được lan truyền.
Đến ngày 10-8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken xác nhận: “Thỏa thuận trên chỉ là bước đầu của một quá trình để đưa các công dân về lại quê hương. Còn nhiều việc phải làm để đưa họ về nhà. Tôi tin rằng đây là khởi đầu cho sự kết thúc cơn ác mộng của họ”.
Thỏa thuận gồm những gì?
Theo thỏa thuận giữa Iran và Mỹ, Iran sẽ trao trả 5 công dân Mỹ bị giam ở Iran. Đổi lại, Mỹ sẽ trao trả 5 công dân Iran bị giam tại Mỹ và sẽ giải toả gần 6 tỉ USD tài sản của Iran bị phong tỏa tại Hàn Quốc. Thỏa thuận này do Qatar làm trung gian.
Ngày 18-9, đài CNN dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết 5 công dân Mỹ đã đến sân bay ở thủ đô Doha (Qatar) và sẽ sớm bắt đầu chuyến bay về Mỹ.
Trước đó, cũng trong ngày 18-9, ông Nasser Kanani - người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Iran - cho biết trong số 5 công dân Iran được Mỹ thả, 2 người sẽ quay lại Iran, 2 người sẽ ở lại Mỹ và 1 người sẽ sang nước thứ ba. Theo đài Press TV, trong ngày 18-9, 2 công dân Iran đã về đến Iran sau khi quá cảnh tại Qatar.
Về số tài sản bị phong tỏa, ông Kanaani cho biết: “May mắn thay, số tài sản bị phong tỏa của Iran ở Hàn Quốc đã được giải toả. Hôm nay (ngày 18-9), số tài sản đó sẽ bắt đầu được chính phủ và quốc gia Iran kiểm soát hoàn toàn”.
Sau đó, Giám đốc ngân hàng trung ương Iran - ông Mohammad Reza Farzin xác nhận Iran đã nhận được hơn 5,5 tỉ euro (5,9 tỉ USD) trong các tài khoản ngân hàng ở Qatar.
Theo CNN, Iran chỉ có thể sử dụng số tiền trên cho các hoạt động mua hàng nhân đạo. Ngoài ra, các giao dịch liên quan đến số tiền này sẽ được Bộ Tài chính Mỹ giám sát.
Những công dân Mỹ được trả tự do là ai?
Nhà Trắng cho biết 3 trong số 5 người được thả là ông Siamak Namazi, ông Emad Sharghi và ông Morad Tahbaz. Hai người còn lại được gia đình yêu cầu giấu tên.
Theo đài Al Zajeera, ông Siamak Namazi (51 tuổi) là một doanh nhân có hai quốc tịch Mỹ, Iran. Ông Namazi bị Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran bắt giữ vào năm 2015 khi đang thăm gia đình ở Tehran. Nhiều tháng sau, ông Baquer Namazi - cha của ông Siamak Namazi - đến Tehran để thăm con thì cũng bị bắt giam.
Năm 2016, cả hai đều bị kết án 10 năm tù với tội danh làm gián điệp và hợp tác với chính phủ Mỹ.
Ông Baquer Namazi là cựu tỉnh trưởng ở Iran và là cựu quan chức Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF). Vào năm 2018, ông Baquer Namazi được cho rời khỏi Iran để điều trị y tế.
Trong khi đó, ông Emad Sharghi (59) cùng vợ chuyển từ Mỹ đến Iran sinh sống vào năm 2017.
Ông Sharghi là doanh nhân người Mỹ gốc Iran. Ông bị bắt lần đầu vào năm 2018 khi đang làm việc cho Saravan Holding - một công ty đầu tư công nghệ. Ông được tại ngoại sau 8 tháng. Khi ấy, một tòa án ở Iran tuyên bố ông không liên quan đến các cáo buộc gián điệp.
Vào tháng 11-2020, ông Sharghi bị một tòa án Iran khác triệu tập và kết án ông 10 năm tù vì tội gián điệp.
Người Mỹ thứ ba được trả tự do trong đợt này là ông Morad Tahbaz (67 tuổi). Ông là nhà bảo vệ môi trường người Mỹ gốc Iran. Ông Tahbaz cũng có quốc tịch Anh. Ông Tahbaz bị bắt giam vào năm 2018.
Năm 2019, ông Tahbaz bị bị kết án 10 năm tù vì tội “tập hợp, thông đồng chống lại an ninh quốc gia Iran” và “liên hệ với chính phủ Mỹ nhằm mục đích gián điệp”.
Iran và Mỹ phản ứng ra sao trước tin các công dân được thả?
Tổng thống Iran - ông Ebrahim Raisi cho biết việc Tehran thả 5 công dân Mỹ "hoàn toàn là một hành động nhân đạo".
“Đây là bước khởi đầu cho các hành động nhân đạo khác, có thể được thực hiện trong tương lai” - ông Raisi nói, theo Al Zajeera.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden hoan nghênh việc 5 công dân Mỹ được trả tự do. Ông Biden cũng cảm ơn các đồng minh đã giúp thỏa thuận được diễn ra suôn sẻ.
“Ông Siamak Namazi, ông Morad Tahbaz, ông Emad Sharghi và 2 công dân giấu tên sẽ sớm được đoàn tụ với những người thân yêu của họ, sau nhiều năm chịu đựng đau đớn, bấp bênh và khổ cực” - ông Biden nói.
“Tôi biết ơn các đối tác trong và ngoài nước vì những nỗ lực không mệt mỏi của họ để giúp chúng tôi đạt được kết quả này. Họ bao gồm các chính phủ Qatar, Oman, Thụy Sĩ và Hàn Quốc” - theo tổng thống Mỹ.
Ngoài ra, ông Biden cũng nhắc nhở công dân Mỹ về rủi ro khi tới Iran. “Người mang hộ chiếu Mỹ không nên đến đó” - ông Biden nói.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết ông đã nói chuyện với những công dân Mỹ được thả, khi họ đến sân bay Doha.
“Sự tự do đã đến với những người Mỹ bị giam oan uổng quá lâu ở Iran. Điều đó có nghĩa là vợ chồng, cha con, ông bà có thể ôm nhau, có thể gặp lại nhau, có thể ở bên nhau lần nữa” - ông Blinken nói.