F-16 sẽ như 'hổ mọc thêm cánh' tại Ukraine khi được trang bị tên lửa không đối không của Mỹ

(PLO)- Được trang bị các tên lửa AIM-120 và AIM-9X, tiêm kích F-16 có thể được Ukraine sử dụng để chiến đấu không đối không chống lại các máy bay chiến đấu của Nga.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo một báo cáo mới về vũ khí, Mỹ đang gửi đính kèm các loại tên lửa không đối không cùng với các tiêm kích F-16 mà các đối tác châu Âu cung cấp cho Ukraine mùa hè này.

Theo báo Wall Street Journal hôm 30-7, Ukraine sẽ nhận được tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến AIM-120 (AMRAAM) và tên lửa AIM-9X. Mỹ còn có kế hoạch gửi cho Ukraine tên lửa không đối đất.

Có được những tên lửa này từ Mỹ, tiêm kích F-16 như 'hổ mọc thêm cánh'
Tiêm kích F-16 Block 70/72. Ảnh: Lockheed Martin

F-16 là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4, hứa hẹn sẽ tăng cường khả năng phòng không của Ukraine cũng như bổ sung vào phi đội tiêm kích cũ kỹ có từ thời Liên Xô của nước này. Tuy nhiên, hiệu quả của F-16 sẽ phần nào do loại vũ khí mà nó mang theo quyết định.

Các tướng lĩnh Mỹ và quan chức Ukraine tỏ ra thận trọng rằng mặc dù F-16 là một nền tảng hiệu quả có thể thực hiện các hoạt động tấn công và phòng thủ nhưng sẽ không phải là vũ khí giúp thay đổi cuộc chơi. Tiêm kích F-16 đối mặt với một môi trường hoạt động khó khăn tại Ukraine, và có thể sẽ là mục tiêu hàng đầu của các hệ thống phòng không Nga.

Tên lửa không đối không lợi hại

AIM-120 là tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, có radar chủ động giúp giảm phụ thuộc vào máy bay trong việc đánh chặn. Tên lửa này được chế tạo theo sau tên lửa AIM-7 Sparrow mà Ukraine đã có trong kho vũ khí cho mục đích phòng không.

Hiện chưa rõ Kiev chính xác sẽ nhận được biến thể AIM-120 nào cũng như số lượng bao nhiêu. Các biến thể trước đó của tên lửa này có tầm bắn hơn 32 km, trong khi biến thể mới nhất AIM-120D được cho là có tầm bắn hơn 160 km. Thiết kế AIM-120 lâu đời nhất được đưa vào sử dụng vào đầu những năm 1990.

Có được những tên lửa này từ Mỹ, tiêm kích F-16 như 'hổ mọc thêm cánh'
Tên lửa AIM-120 AMRAAM. Ảnh: Military.com

Một quan chức không quân Mỹ hồi năm ngoái cho hay Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine tên lửa AIM-120 có thể bay hơn 160 km. Dù vậy, một số chuyên gia bày tỏ hoài nghi việc Kiev thực sự sẽ nhận được các vũ khí mới, vì công nghệ quá nhạy cảm đối với Mỹ.

AIM-9X là một loại tên lửa khác mà Ukraine đang nhận được. Đây là tên lửa không đối không tầm ngắn, có đầu dò hồng ngoại, và là biến thể mới nhất trong dòng Sidewinder. Giống như AIM-120, tầm bắn cụ thể của nó được bảo mật.

Ukraine cũng đã sở hữu tên lửa AIM-9M có tầm bắn 29 km. Các phiên bản Sidewinder cũ nhất được đưa vào hoạt động trong giữa những năm 1950. Dù AIM-9 là hệ thống cũ nhưng được coi là rất thành công.

Ukraine cũng đã có tên lửa chống bức xạ tốc độ cao AGM-88 HARM, do Mỹ cung cấp, để săn lùng hệ thống radar đối phương. Tên lửa này cũng đang được chuyển đến thêm cùng với F-16. Với F-16, Ukraine có thể sử dụng tốt hơn những vũ khí này, làm suy yếu năng lực phòng không của Nga.

Ukraine trước đây lắp tên lửa này cho máy bay Liên Xô của họ.

F-16 giờ như “hổ mọc thêm cánh”?

Được trang bị các tên lửa AIM-120 và AIM-9X, tiêm kích F-16 có thể được sử dụng để chiến đấu không đối không chống lại các máy bay chiến đấu của Nga, dù đây có thể không phải là cách sử dụng tốt nhất.

Nga đang vận hành các tiêm kích Su-35 và MiG-31 mang tên lửa không đối không tầm xa như R-37. Điều này sẽ đe dọa nghiêm trọng tới F-16. Tầm bắn xa hơn có thể mang tính quyết định, nhưng còn có những yếu tố khác ảnh hưởng tới chiến đấu không đối không.

Một phương án thay thế đó là Ukraine có thể sử dụng F-16 để hạ gục tên lửa hành trình, máy bay không người lái (UAV) tấn công một chiều, và có thể là cả máy bay ném bom đang thả bom lượn vốn có sức công phá cao của Nga.

Tướng Oleksandr Syrskyi - Tổng Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine - trước đó nói rằng sự có mặt của F-16 sẽ tăng cường khả năng phòng không của Ukraine, song ông cũng thừa nhận những chiến cơ này có thể sẽ phải đặt cách xa tiền tuyến ít nhất 40 km để tránh bị bắn hạ.

Các chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS - Mỹ) tháng trước cho rằng khi được tung ra chiến trường, F-16 sẽ nâng cao khả năng không đối không của Không quân Ukraine.

Nhờ vào radar mạnh mẽ cùng với việc được trang bị tên lửa AIM-120, F-16 sẽ mang lại sự cải thiện phạm vi giao tranh đáng kể so với các tiêm kích MiG-29 và Su-27 có từ thời Liên Xô của Ukraine, CSIS lập luận.

Sử dụng F-16 trong vai trò phòng thủ sẽ giúp Ukraine giảm bớt một số áp lực lên mạng lưới phòng không hiện có của nước này – vốn đang bị hạn chế các nguồn cung tên lửa đánh chặn. Những hệ thống phòng không này bao gồm tổ hợp Patriot do Mỹ sản xuất và NASAMS cũng như thiết bị thời Liên Xô.

Ngoài giao tranh không đối không, Ukraine có thể sử dụng F-16 trong vai trò không đối đất, thực hiện trấn áp và gián đoạn nhiệm vụ phòng không của đối phương.

Có được những tên lửa này từ Mỹ, tiêm kích F-16 như 'hổ mọc thêm cánh'
Tên lửa AIM-9 Sidewinder. Ảnh: Military.com

Một số quốc gia phương Tây gồm Đan Mạch, Na Uy, Bỉ và Hà Lan đã cam kết cung cấp 80 tiêm kích F-16 cho Ukraine, và việc chuyển giao sẽ được dàn trải theo thời gian. Tổng thống Ukraine – ông Volodymyr Zelensky từng cho biết Kiev sẽ cần thêm vài chục chiếc F-16 mới có thể thực sự tạo sự khác biệt.

Tướng James Hecker – Tư lệnh Không quân Mỹ tại châu Âu – hôm 30-7 cho rằng F-16 sẽ không phải là “viên đạn vàng” để Ukraine ngay lập tức giành được ưu thế trên không. Lý do là chúng đang đối đầu với các hệ thống phòng không tiên tiến của Nga.

Tại một sự kiện do Viện Nghiên cứu Hàng không vũ trụ Mitchell tổ chức, Tướng Hecker nói rằng máy bay Mỹ sẽ giúp đưa Ukraine đến gần hơn với phương Tây, đồng thời giúp lực lượng nước này liên kết hơn với các chiến thuật, thiết bị của NATO.

“Điều này giúp họ bước đi đúng hướng” – ông Hecker nhấn mạnh.

Ukraine hiện chỉ có thể vận hành 3 tiêm kích F-16

Theo trang Bulgarian Military, thực tế hiện nay đối với Không quân Ukraine là ngay cả khi các đồng minh muốn gửi ngay lập tức 80 tiêm kích F-16 thì điều này hoàn toàn không khả thi.

Theo tờ Telegraph, chỉ có 6 phi công Ukraine đã được các quốc gia thành viên NATO đào tạo để lái tiêm kích này. Điều này có nghĩa là hiện giờ, Không quân Ukraine chỉ có thể vận hành 3 chiếc F-16, với 2 phi công được phân công lái 1 chiếc.

Có được những tên lửa này từ Mỹ, tiêm kích F-16 như 'hổ mọc thêm cánh'
Tiêm kích F-16 của Đan Mạch được gắn tên lửa tại Căn cứ không quân Fighter Wing Skrydstrup gần thị trấn Vojens (Đan Mạch) ngày 25-5-2023. Ảnh: BO AMSTRUP/Ritzau Scanpix/AFP/Getty Images

Sự không chắc chắn nằm ở việc có bao nhiêu phi công Ukraine đã hoàn thành khóa đào tạo ở Mỹ. Năm nay, các chương trình huấn luyện tại Mỹ, Hà Lan và Đan Mạch nhằm mục đích đào tạo 20 phi công Ukraine. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ số phi công đã hoàn thành khóa huấn luyện tại Mỹ.

Việc thiếu các phi công được đào tạo là một thực tế khắc nghiệt. Ban đầu, Ukraine yêu cầu phương Tây cung cấp tiêm kích F-16 vào năm 2022, sau đó được hứa hẹn vào năm 2023 và dự kiến bàn giao trong năm 2024 và những chiếc F-16 sẽ được chuyển đến Ukraine trong hai đợt.

Với tốc độ đào tạo chậm chạp và thiếu phi công, một vấn đề ngày càng trở nên rõ nét hơn, đó là nhóm tiêm kích F-16 đầu tiên có thể bị phá hủy trước khi nhóm tiêm kích thứ hai sẵn sàng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm