Facebook chặn các group độc hại: Bạn đọc ủng hộ!

(PLO)- Nhiều bạn đọc bày tỏ đồng tình với quyết định gỡ bỏ các group độc hại trên Facebook và đề xuất một số giải pháp nhằm khắc phục vấn nạn trên.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, báo Pháp Luật TP.HCM có bài viết: “Facebook chặn nhiều group xúi nhau tự tử và hướng dẫn bùng nợ ở Việt Nam” có nội dung về Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) đã đề nghị Facebook chặn các group xúi nhau tự tử cùng các group hướng dẫn và chia sẻ cách bùng nợ.

Bình luận về vấn đề này, nhiều bạn đọc bày tỏ sự đồng tình trước quyết định của Bộ TT&TT và nỗi bức xúc trước vấn nạn các hội nhóm tiêu cực “mọc” lên như nấm trên mạng xã hội. Bạn đọc cũng đề xuất các giải pháp nhằm xử lý tình trạng trên.

Mối nguy từ những hội nhóm độc hại

Bạn đọc Thùy Trang bình luận: “Tại sao những hội nhóm độc hại như vậy tồn tại từ lâu đến bây giờ mới bị dẹp bỏ vậy? Tôi từng báo cáo một nhóm xúi nhau tự tử trên Facebook nhưng chẳng thấm vào đâu. Nhóm đó vẫn ngang nhiên hoạt động và thành viên ngày một tăng lên. Có rất nhiều cách để giải quyết vấn đề trong cuộc sống vậy mà nhiều người cứ nghĩ đến việc đi tìm cái chết. Thật đáng buồn!”.

Từ phương diện một phụ huynh, bạn đọc Lê Thy chia sẻ: “Tôi hoàn toàn nhất trí với quyết định này của Bộ TT&TT. Vào hai tháng trước, con gái tôi, 12 tuổi, nhận được lời mời vào một nhóm rủ nhau đi tự tử. Nếu tôi không kịp thời phát hiện thì con tôi đã tham gia nhóm đó rồi. Tâm lý của trẻ vị thành niên còn chưa vững vàng nên dễ bị lôi kéo, xúi giục. Nếu trẻ học theo mấy cách tự tử như uống thuốc trừ sâu, cắt cổ tay, treo cổ thì cha mẹ chỉ biết ân hận cả đời”.

“Vào mấy hội nhóm bùng nợ, người ta chỉ nhau cách vay và trốn nợ của app tín dụng không khác gì chiêu trò lừa đảo. Nhiều người cứ vay tiền cho đã tay rồi sau đó lên mạng tìm cách trốn nợ vì không có khả năng trả. Thậm chí, có người lấy thông tin cá nhân của người thân, bạn bè để làm tin với bên vay. Đến khi bùng nợ thì người không vay tiền lại là người bị khủng bố, đe dọa, ảnh hưởng đến danh dự và uy tín. Hành vi như vậy rất thất đức!” - Bạn đọc Nam Trần viết.

Bạn đọc Nghĩa Tô cho rằng: “Nhiều người có suy nghĩ lạ đời, cứ thích “không làm mà đòi có ăn”. Thay vì lao động chân chính, họ lại tham gia những group Facebook bùng nợ để học lỏi cách kiếm tiền phi pháp. Chúng ta cố gắng loại bỏ tín dụng đen nhưng tại sao lại không xử lý những người bùng nợ app? Cần xử phạt mạnh tay mới mong dẹp bỏ chiêu thức lừa đảo núp bóng trốn nợ này”.

Facebook chặn các group độc hại.jpg
Cần kịp thời phát hiện và loại bỏ những hội nhóm độc hại trên mạng xã hội. Ảnh: TUYẾT NHUNG

Cần loại bỏ những group Facebook độc hại khác

Bạn đọc Linh Lan bày tỏ: “Trách nhiệm của các nền tảng mạng xã hội đối với vấn đề bùng phát hội nhóm độc hại là gì? Đến lúc bị cơ quan chức năng yêu cầu xử lý mới gỡ bỏ. Tôi đề xuất cần xử phạt nghiêm minh nền tảng nào buông lỏng kiểm soát, để nhiều đối tượng mặc sức thành lập hội bùng nợ, xúi nhau tự tử cùng các tệ nạn khác. Cần trả lại môi trường mạng an toàn và lành mạnh cho người dùng”.

“Theo tôi, cần loại bỏ những group Facebook độc hại khác như hội túng quẫn làm liều, hội đâm thuê chém mướn, hội chửi thuê - bốc phốt,… Đồng thời, xử phạt mạnh tay cá nhân nào lập nên những hội nhóm nêu trên. Chúng ta cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân sử dụng mạng xã hội tích cực, phát hiện và báo cáo ngay những hội nhóm có nội dung không lành mạnh. Sự chung tay của mọi người là giải pháp hữu hiệu giúp ngăn tệ nạn hoành hành” - Bạn đọc Đồng An viết.

Bạn đọc Văn Thuận đề xuất: “Không chỉ trấn áp tín dụng đen, đòi nợ khủng bố mà cũng cần có chế tài xử lý đối tượng vay tiền mà không trả, lấy thông tin người khác để thế chấp vay và các chiêu thức lừa đảo khác. Tôi không chấp nhận việc lấy lý do túng thiếu để biện minh cho hành vi quỵt nợ của một số người”.

“Cuộc sống ngày càng áp lực, nhiều người gặp bế tắc, các vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu,… mà không biết cách nào để hóa giải. Họ không có sự đồng cảm, chia sẻ từ người thân, bạn bè, không thể giải quyết vấn đề và có xu hướng tìm đến cái chết. Đây chính là mầm mống của việc xuất hiện nhiều hội rủ nhau đi tự tử.

Do vậy, chúng ta cần quan tâm nhiều hơn, đồng cảm với những ai đang có vấn đề về tâm lý, cùng họ vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, tôi đề xuất Bộ Y tế đầu tư, phát triển dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, hướng dẫn người dân kỹ năng giải quyết vấn đề phi bạo lực,…”.Bạn đọc Ý Như

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm