Ferguson coi thế hệ vàng 92 của MU như ‘đội quân nô lệ'

Mads Timm, một cựu thần đồng của M.U, từng thi đấu cho đội bóng chủ sân Old Trafford trong giai đoạn 2002-2006 đã đưa ra những thông tin gây sốc về đội bóng cũ trong cuốn tự truyện của mình.

Thế hệ vàng 1992 mà Ferguson đã tạo ra.

Mads Timm khẳng định Sir Alex Ferguson là nhà độc tài, một người thích kiểm soát khiến các cầu thủ phải sợ hãi và thế hệ vàng 1992 do ông tạo ra chính là nạn nhân điển hình. Mads Timm khẳng định Ferguson đối xử với các cầu thủ thuộc thế hệ vàng M.U năm 1992 như Scholes, Giggs, Beckham, anh em nhà Neville như một “đội quân nô lệ”.

Trong cuốn tự truyện được trích đăng trên tờ BT (Đan Mạch), Timm nói: “Ông ấy (Ferguson) đã thực hiện một thức văn hóa lãnh đạo rất tàn nhẫn. Ông đưa ra những ý tưởng và quản lý cầu thủ theo hệ thống cấp bậc. Các cầu thủ phải cống hiến hết mình và vô điều kiện. Ông ấy thích kiểm soát mọi thứ và ông thường thúc đẩy các cầu thủ bằng cách gieo vào đầu họ sự sợ hãi. David Beckham, Ryan Giggs, Paul Scholes và anh em nhà Neville (Gary và Phil) đều là những người có tính cách hoàn hảo, phù hợp với việc xây dựng “đội quân nô lệ” của Ferguson”.

Timm tin rằng cầu thủ thời nay chỉ quan tâm đến mức lương của họ thay vì cam kết lâu dài với CLB chủ quản và điều này khiến phong cách huấn luyện của Ferguson sẽ không còn hợp thời nữa.

Timm trong màu áo MU.

“Tôi không chắc ông ấy sẽ tạo nên thành công tương tự trong thời đại ngày nay”, Timm nói: “Ngày nay, không còn nhiều cầu thủ phục tùng hoàn toàn mệnh lệnh của HLV trưởng và sẵn sàng chết vì CLB. Hầu hết cầu thủ đều quan trọng chuyện hợp đồng (mức lương) hơn là tinh thần đồng đội”.

Tự truyện của Timm dường như quên rằng chính Ferguson cũng sống và làm việc trong bối cảnh bóng đá hiện đại ngày nay. Ông cũng là người rất thức thời, chịu thay đổi và vẫn tạo được thành công.

Bằng chứng rõ nhất là Rooney từng hai lần "bật" Ferguson đòi ra đi. Nhưng thay vì nổi giận bán xới Rooney, trong cả hai lần Ferguson đều chọn cách nhún nhường, dùng tiền (tăng lương) để bịt miệng cầu thủ này lại.

Trường hợp khác là Cristiano Ronaldo, cầu thủ này nhất quyết đòi chuyển sang Real nhưng Ferguson cũng đã thương lượng thành công, dàn xếp mọi chuyện êm thấm để Ronaldo ở lại Man United một mùa giải nữa. Sau đó, Ronaldo mới chuyển sang Real Madrid với giá kỷ lục thế giới vào năm 2008.

Đó là cách Ferguson ứng xử với những cầu thủ quan trọng, không thể thay thế, là số một ở đội bóng. Còn với những cầu thủ ngôi sao khác, dù là ai chăng nữa nếu vi phạm kỷ luật đều bị Ferguson tống cổ khỏi Man Utd không chút nuối tiếc. Stam, Tevez, Roy Keane hay Van Nistelrooy là ví dụ điển hình nhất.

Ferguson và Gary Neville.

Sự nghiệp của Mads Timm tại Man United không hề suôn sẻ. Vào năm 2005, Timm bị Man Utd phạt nặng vì đua xe trên đường với đồng đội Callum Flanagan. Flanagan bị MU sa thải ngay lập tức, còn Mads Timm tuy thoát án sa thải nhưng cũng chia tay MU một năm sau đó. Tháng 8-2009, sau những chấn thương liên miên, Timm tuyên bố chia tay sự nghiệp cầu thủ với lý do không còn động lực thi đấu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới