G7 bàn cứu kinh tế, đối phó với Nga và Trung Quốc

(PLO)- G7 đang họp thượng đỉnh ở Đức, tập trung bàn các vấn đề kinh tế và chính trị cấp bách nhất của thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hội nghị thượng đỉnh G7 (nhóm bảy nền kinh tế lớn - Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Canada, Nhật) đang diễn ra tại Đức và dự kiến sẽ kết thúc vào hôm nay (28-6).

Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này diễn ra trong bối cảnh chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã bước sang tháng thứ năm với nhiều hậu quả sâu rộng, từ thiếu năng lượng đến khủng hoảng lương thực. Thậm chí, theo hãng tin Reuters, Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay diễn ra trong bối cảnh còn đen tối hơn năm ngoái khi các lãnh đạo gặp nhau lần đầu kể từ trước đại dịch COVID-19.

Tham gia hội nghị tại Đức ngoài các lãnh đạo G7 còn có Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel. Ảnh: REUTERS

Tham gia hội nghị tại Đức ngoài các lãnh đạo G7 còn có Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel. Ảnh: REUTERS

Trong bối cảnh này, nội dung thảo luận của các lãnh đạo G7 tập trung vào các vấn đề kinh tế và chính trị cấp bách nhất của thế giới. Giá năng lượng và lương thực tăng vọt trên toàn cầu đang ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Liên Hợp Quốc tuần trước đã cảnh báo về một “cuộc khủng hoảng đói toàn cầu chưa từng có”. Xung đột Nga - Ukraine, một Trung Quốc (TQ) ngày càng quyết liệt, biến đổi khí hậu cũng được đưa vào chương trình nghị sự.

Kìm lạm phát, giá dầu, cứu chuỗi cung ứng

Về kinh tế, các lãnh đạo tập trung thảo luận về lạm phát toàn cầu, kiềm chế tăng giá năng lượng, làm thế nào để thay thế dầu và khí đốt của Nga, xử lý việc đình trệ của chuỗi cung ứng thực phẩm.

Ngày 26-6, Thủ tướng Đức Olaf Scholz thừa nhận rằng thế giới phương Tây hiện phải đối mặt với nhiều thách thức: Tốc độ tăng trưởng giảm, lạm phát gia tăng, thiếu nguyên liệu thô và gián đoạn chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, ông tin tưởng rằng G7 “sẽ thành công trong việc gửi đi tín hiệu rất rõ ràng về sự thống nhất và hành động quyết đoán từ hội nghị thượng đỉnh này”.

Hiện chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu đang bị căng thẳng do hậu quả của các yếu tố kép: Xung đột Nga - Ukraine, tình trạng thiếu nhiên liệu và phân bón, đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu. Các lãnh đạo G7 đang chịu áp lực phải hành động cân bằng, để có thể vừa hỗ trợ Ukraine và gây áp lực lên điện Kremlin mà không để các lệnh trừng phạt làm cho lạm phát tồi tệ hơn và ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt người dân phải chịu.

Mỹ đang thúc đẩy thông qua giới hạn giá dầu của Nga, theo đó nước nào đồng ý mua dầu của Nga với giá trong giới hạn đã được thông qua thì sẽ không bị vướng trừng phạt của phương Tây. Việc định giới hạn giá dầu của Nga sẽ hạn chế lợi nhuận mà Nga có thể thu được từ dầu.

Tại hội nghị này, các lãnh đạo G7 dự định sẽ tái khẳng định cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, song các nước không dễ làm được điều này khi vừa phải nỗ lực chống lại cuộc khủng hoảng chi phí nhiên liệu, hạ giá dầu và khí đốt. Vì khủng hoảng nguồn cung năng lượng, đã có nhiều nước như Đức, Ý phải đảo ngược kế hoạch ngừng đốt than.

“Gói 600 tỉ USD này thể hiện một “động lực đầu tư mạnh mẽ, tích cực cho thế giới để các đối tác của chúng tôi ở các nước đang phát triển thấy rằng họ có quyền lựa chọn” - Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói về sáng kiến “Đối tác về cơ sở hạ tầng toàn cầu”.

Thống nhất mặt trận đối phó với Nga, TQ

Về chính trị, nhiều nước G7 như Mỹ, Anh, Canada và Nhật đang vận động phương Tây đồng lòng tiếp tục trừng phạt Nga, gói trừng phạt mới này sẽ nhắm vào xuất khẩu vàng của Nga, trong nỗ lực cắt giảm nguồn tài chính nước này. Dự kiến G7 sẽ có thông báo chính thức về nội dung này trong ngày hội nghị cuối (28-6).

Là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ ba của Nga sau dầu và khí đốt, xuất khẩu vàng mang lại cho Nga doanh thu khoảng 19 tỉ USD mỗi năm. Một trong những nước ủng hộ trừng phạt là Anh - nước nhập khẩu vàng nhiều nhất từ Nga. Theo Thủ tướng Anh Boris Johnson, lệnh cấm nhập vàng từ Nga sẽ “giáng đòn trực tiếp vào các nhà tài phiệt Nga và tấn công vào trung tâm bộ máy chiến tranh của ông Putin”.

Theo trang Politico, ngày 26-6, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các lãnh đạo G7 công bố sáng kiến “Đối tác về cơ sở hạ tầng toàn cầu” trị giá 600 tỉ USD trong năm năm tới làm đối trọng với sáng kiến “Vành đai và Con đường” của TQ - vốn được đưa ra nhằm tạo ảnh hưởng chính trị và thương mại thông qua các khoản đầu tư lớn với các nền kinh tế mới nổi. Sáng kiến “Đối tác về cơ sở hạ tầng toàn cầu” của G7 được công bố lần đầu tại hội nghị của khối năm ngoái ở Anh.

Cụ thể, phần Mỹ sẽ chi 200 tỉ USD, thông qua kết hợp giữa tài trợ liên bang và đầu tư của khu vực tư nhân. Các nước Liên minh châu Âu sẽ chi 300 tỉ euro. Phần còn lại sẽ do các thành viên khác đóng góp.

Theo Politico, với sáng kiến ​​“Vành đai và Con đường”, TQ cố gắng tăng cường quan hệ với thế giới đang phát triển, đặc biệt là ở châu Á và châu Phi, bằng cách cung cấp tài chính cho các dự án quy mô lớn như đường bộ, đường sắt và cảng. Phía Mỹ liên tục cảnh báo rằng các nước làm ăn với TQ sẽ phải gánh nợ, đồng thời đưa ra giải pháp thay thế là kế hoạch hạ tầng của phương Tây.

Ngày 26-6, Nhà Trắng công bố một số dự án ban đầu trong sáng kiến “Đối tác về cơ sở hạ tầng toàn cầu”. Chẳng hạn, các công ty Mỹ sẽ đi đầu trong một dự án điện mặt trời ở Angola, một cơ sở sản xuất vaccine ở Senegal, một lò phản ứng mô đun ở Romania, một tuyến cáp viễn thông ngầm kết nối Singapore đến Pháp qua Ai Cập và vùng Sừng châu Phi.

Các quốc gia G7 sẽ kết hợp các nguồn lực và hỗ trợ tiền mặt cho các nền kinh tế mới nổi để có thể đóng cửa các nhà máy than. G7 đang thực hiện chương trình chuyển đổi năng lượng ở Nam Phi, cũng như đang bàn bạc thêm chuyện hợp tác với Ấn Độ, Indonesia… Ngày 26-6, Đức cho biết khoản hỗ trợ nước này dành cho Nam Phi sẽ lên tới 300 triệu USD.•

Nhiều nước được mời tham gia hội nghị G7

G7 được thành lập vào năm 1975, với vai trò là diễn đàn để các quốc gia giàu có nhất thảo luận về các cuộc khủng hoảng, như lệnh cấm vận dầu mỏ của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). G7 trở thành G8 sau khi Nga được kết nạp, sau khi Liên Xô sụp đổ sáu năm. Tuy nhiên, Nga đã bị đình chỉ tư cách thành viên vào năm 2014 sau hành động sáp nhập Crimea từ Ukraine.

Hội nghị thượng đỉnh G7 hiện diễn ra tại lâu đài nghỉ dưỡng Schloss Elmau dưới chân ngọn núi cao nhất của Đức là Zugspitze - cùng địa điểm diễn ra Hội nghị thường niên G7 năm 2015 với chương trình nghị sự cũng tập trung chính vào Nga - Ukraine sau khi Nga sáp nhập Crimea.

Tham dự hội nghị ngoài các lãnh đạo G7 còn có Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel. Senegal - hiện là chủ tịch Liên minh châu Phi, Argentina - đang đứng đầu Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe, Indonesia - chủ tịch nhóm các quốc gia công nghiệp lớn G20 năm nay, Ấn Độ - nước sẽ là chủ tịch G20 năm tới và Nam Phi cũng được mời tham gia.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm