Clip VKSND TP.HCM chính thức công khai xin lỗi ông Trương Bá Nhàn.
Chiều qua, VKS cũng thông báo cho ông biết đã chuyển 295,6 triệu đồng tiền bồi thường do làm oan qua tài khoản của ông.
Đông đảo phóng viên báo chí đến dự buổi công khai xin lỗi ông Trương Bá Nhàn sáng 11-8 - Ảnh: Hoàng Giang
Ngoài ra, VKSND TP.HCM sẽ phải đăng báo công khai xin lỗi khôi phục danh dự cho ông trong ba số liên tiếp trên hai báo Pháp Luật TP.HCM và Thanh Niên.
Tuy nhiên, buổi xin lỗi diễn ra chưa đầy 5 phút đã khiến những người đến tham dự không khỏi hụt hẫng.
Ông Trần Kiến Xương – Chánh văn phòng VKSND TP.HCM, phó ban chỉ đạo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, nhanh chóng đọc lời xin lỗi ngắn gọn: “Tôi đại diện VKSND TP.HCM xin lỗi ông và gia đình về những tổn thất mà ông và gia đình đã gánh chịu. Chúng tôi đã bồi thường đầy đủ cho ông theo luật định. Một lần nữa chúng tôi xin lỗi ông”.
Chánh văn phòng Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM Trần Kiến Xương bắt tay xin lỗi ông Trương Bá Nhàn - Ảnh: Hoàng Giang
Buổi lễ kết thúc lúc 9 giờ 5. Ông Nhàn cho biết ông khá bất ngờ vì sự nhanh chóng này. “Tôi chưa kịp nói gì thì các ông ấy đi mất rồi. Tôi muốn được kể về những tháng ngày cơ cực mà mình đã trải qua cho bà con, cho gia đình tôi và vợ con tôi được biết những tháng ngày sống mà như chết tôi đã trải qua”.
Câu chuyện làm oan này xảy ra gần 14 năm trước. Vào năm 2001, một phụ nữ ở đường Lạc Long Quân, phường 11, quận Tân Bình, TP.HCM được phát hiện nằm chết trên nền nhà, đồ đạc trong nhà ngổn ngang. Khám nghiệm hiện trường, công an thu giữ được dấu vân tay ở hộc tủ. Kết quả giám định cho thấy dấu vân tay này trùng khớp với dấu vân tay của ông Nhàn (người con bạn dì của chồng nạn nhân).
Ngoài dấu vân tay trùng khớp, số vàng mà cơ quan điều tra thu giữ tại nhà ông gần bằng số vàng mà chồng nạn nhân khai bị mất. Ông liên tục kêu oan ngay từ khi bị khởi tố, bắt giam về hai tội giết người và cướp tài sản ngày 3-1-2002.
Ông nói trước ngày xảy ra chuyện, ông có đến nhà nạn nhân chơi và được nhờ kê lại cái tủ nên còn lưu dấu vân tay ở đó. Số vàng thu ở nhà ông là do mẹ vợ ông bán đất và gửi giữ. Mẹ vợ ông cũng khai vậy.
May sao trên miếng vàng còn chữ ký của người mua đất. Vậy là không có chứng cứ kết tội ông. Tháng 9-2006, ông được tại ngoại sau 1.346 ngày bị tạm giam. Một tháng sau, vụ án được đình chỉ điều tra.
Suốt quá trình bị hàm oan, ông được VPLS Người Nghèo hỗ trợ pháp lý miễn phí. LS Trịnh Thanh (trưởng văn phòng) và các công sự đã động viên tinh thần, giúp ông giấy tờ thủ tục trên hành trình 10 năm đi đòi lại công lý.
Bị bắt oan, gia đình ông Nhàn tan tác, ông và vợ đã chia tay. Ông lưu lạc lên Bình Phước, Dăk Lăk làm thuê kiếm sống. Thỉnh thoảng, ông lại về TP.HCM hỏi thăm LS Trịnh Thanh về chuyện xin lỗi, bồi thường. LS Trịnh Thanh đã làm giúp ông giấy tờ yêu cầu bồi thường gửi VKSND TP.HCM và giúp ông tiền xe đi về.
“Lúc mới ra khỏi trại giam Chí Hòa, tôi ngơ ngác như trẻ con chập chững vào đời. Rồi tôi nhớ ra mình có một gia đình, người vợ trẻ và đứa con thơ chưa biết mặt nhau. Tôi vội vã trở về gặp vợ, gặp con. Phố xá đổi mới, tôi qua chốn xưa thì người không còn ở đó vì nhà đã giải tỏa. Khi tôi tìm được thì mọi thứ đã thay đổi, lòng người cũng đổi thay, vợ tôi làm mặt lạ với tôi. Tình thương không đủ mạnh để lấn át sự mặc cảm, lòng kiêu hãnh bị tổn thương”, ông Nhàn bùi ngùi kể.
Ông Nhàn cũng chia sẻ, lúc ông bị giam giữ, cha mẹ ông đã bán hết nhà cửa đất đai để lo lắng cho con. Ngày trở về, ông chỉ còn con số 0 tròn trĩnh. Vài năm sau thì cha ông chết mà không thấy được ngày con mình được minh oan.
Ông đã phiêu bạt làm thuê khắp nơi, từ Đăk Lăk đến Bình Phước, hành trang chỉ gỏn lọn vài bộ quần áo trong chiếc ba lô bạc thếch và mất gần 10 năm để có được lời xin lỗi hôm nay.
Ông Nhàn cám ơn gia đình luôn tin ông vô tội, bạn bè, các luật sư và báo chí đã đồng hành cùng ông suốt chục năm qua. "Nhiều người tin tôi vô tội, đó là niềm an ủi của tôi. Để đi được đến cuối đường như hôm nay, phải nói rằng nhờ báo Pháp Luật TP.HCM đã chuyển đơn kêu oan của tôi đến Đoàn giám sát án oan khi đoàn vào làm việc tại TP.HCM, nhờ đó tôi không còn phải dài cổ ngóng trông ngày đòi được công lý".
Hôm nay mẹ vợ, vợ và con ông cũng có mặt tại đây nhưng họ không nói với nhau lời nào dù không ai có gia đình mới. Con trai ông nay cũng đã 13 tuổi, nhìn cha bỡ ngỡ, ngại ngùng.
Một số hình ảnh ghi nhận tại buổi xin lỗi ông Nhàn (Ảnh Hoàng Giang)