Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản về phương án hướng tuyến và nút giao dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 TP.HCM, đoạn cầu qua sông Sài Gòn - kênh Thầy Cai (gồm cầu vượt sông Sài Gòn). Trong các phương án mà báo cáo tiền khả thi của dự án nêu ra, đơn vị tư vấn đề xuất chọn phương án 2 với tổng mức đầu tư gần 20.500 tỉ đồng, với tổng chiều dài 17,12 km.
Ba phương án hướng tuyến
Trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi có ba phương án. Trong đó, phương án 1 tổng thể hướng tuyến cơ bản trùng với hướng tuyến trong đồ án quy hoạch chung TP.HCM (hướng tuyến này sẽ có hai phương án mặt cắt: Đường cao tốc chạy trên mặt đất và đường cao tốc chạy trên cầu cạn). Chiều dài tuyến là 17,6 km.
Phương án 2, hướng tuyến đi về phía đông nam (phía trái) so với hướng tuyến trong đồ án quy hoạch chung TP.HCM. Phương án này sẽ hạn chế ảnh hưởng các đồ án quy hoạch đã thực hiện, cũng như hạn chế ảnh hưởng tới Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi giai đoạn 2.
Đối với phương án 2, đoạn xa nhất cách đường Nguyễn Thị Rành - tuyến quy hoạch khoảng 1,1 km. Chiều dài tuyến theo phương án này là 17,12 km.
Phương án 3, tổng thể hướng tuyến đi về phía đông nam so với hướng tuyến trong đồ án quy hoạch chung TP.HCM. Tuyến gần thẳng nhất, ngắn nhất, hạn chế thấp nhất qua khu dân cư hiện hữu. Tuy nhiên, tuyến này cắt ngang qua Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi giai đoạn 2 (chưa xây dựng). Theo phương án 3, đoạn xa nhất cách đường Nguyễn Thị Rành - tuyến quy hoạch khoảng 1,3 km với chiều dài tuyến là 16,95 km.
Đơn vị tư vấn dự án là Liên danh tư vấn Hưng Nghiệp đã đề xuất chọn hướng tuyến 2. Chi tiết hướng tuyến: Đầu tuyến thẳng theo thống nhất giữa UBND TP.HCM và UBND tỉnh Bình Dương, sau khi qua đường Bàu Lách khoảng 750 m chuyển hướng về phía trái, sau đó chạy thẳng sát ranh khu trại heo Phước Long.
Qua trại heo này khoảng 325 m, tuyến chuyển hướng về phía trái ngang Khu du lịch sinh thái Củ Chi về phía gần cuối (hiện hữu đang là đất trồng cây). Tuyến đường vành đai 4 sẽ cắt đường Nhuận Đức ngay tại vị trí đường cong đổi hướng đông - tây sang nam - bắc.
Sau đó, tuyến giao cắt với cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, vượt rạch Đức Lập, đến vị trí sau đường Nhuận Đức sẽ chuyển hướng về bên phải để cắt ngang qua khoảng 1,5 ha trong khu quy hoạch Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi giai đoạn 2.
Tuyến tiếp tục chạy thẳng cắt qua Quốc lộ 22, qua kênh Đông, sau chuyển hướng trùng theo tuyến quy hoạch qua tỉnh Long An.
|
Sơ đồ các hướng tuyến đường vành đai 4 qua TP.HCM. Ảnh: TƯ VẤN DỰ ÁN |
Nhiều lợi thế khi né được đường hiện hữu
Theo đơn vị tư vấn, trong ba phương án thì phương án 2 tránh đường hiện hữu, chỉ cần đảm bảo giao thông tại các vị trí giao cắt. Vì vậy, khi triển khai sẽ thuận lợi cho phân kỳ đầu tư, xây dựng, khai thác. Ngoài tuyến đường hiện hữu, khu vực có thêm tuyến mới song hành đường vành đai 4 nên lưu thông sẽ tốt hơn.
Đơn vị tư vấn cũng đánh giá vì là tuyến tránh đường hiện hữu nên di dời hệ thống cấp điện, cấp nước... sẽ ít hơn. Ngoài ra, việc xây tuyến mới sẽ tạo khả năng khai thác quỹ đất hai bên tuyến lớn hơn. Đơn giá tiền sử dụng đất gia tăng cao, vì thế giá trị khai thác đất cũng sẽ tăng nhiều.
Đặc biệt, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cũng nêu đối với phương án 2, chi phí đầu tư xây dựng thấp hơn phương án 1 từ gần 24.500 tỉ đến hơn 36.500 tỉ đồng. Khối lượng giải phóng mặt bằng thấp hơn nhiều sẽ thuận lợi cho việc thu hút nhà đầu tư và bố trí vốn ngân sách.
Theo đó, giai đoạn 1 của dự án sẽ đầu tư đường với bốn làn xe cao tốc hạn chế, nền đường rộng 19,75 m. Các nút giao và một số đoạn đường song hành phù hợp dân cư dọc tuyến, tổng mức đầu tư giai đoạn này hơn 13.800 tỉ đồng. Tổng mức đầu tư giai đoạn hoàn thiện gần 20.500 tỉ đồng.
“Qua phân tích, đánh giá nêu trên, việc điều chỉnh hướng tuyến tách khỏi tuyến đường hiện hữu là cần thiết. Đề xuất kiến nghị Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung TP, gồm điều chỉnh tuyến đường vành đai 4 cùng tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài” - báo cáo nêu.
Đồng thời, tư vấn cũng kiến nghị UBND TP chấp thuận điều chỉnh quy hoạch chung huyện Củ Chi và điều chỉnh quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch chi tiết các đồ án liên quan.•
Cần hoàn thiện hạ tầng để khép kín đường vành đai 4
Đường vành đai 4 nằm phía ngoài TP, có vai trò quan trọng trung chuyển hàng hóa đến cả sân bay Long Thành qua cao tốc Bến Lức - Long Thành. Tuyến đường vành đai 4 là vành đai kết nối liên tỉnh nên rất cần các bên liên quan là các tỉnh và cả trung ương cùng làm.
Tuyến đường vành đai 4 kết nối liên vùng đến Long An, vì vậy cũng cần đẩy nhanh hơn việc xây dựng cao tốc Bến Lức - Long Thành còn dở dang để khép kín đường vành đai 4 trong tương lai.
TS VÕ KIM CƯƠNG, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM