Sở Xây dựng TP.HCM vừa có báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ kết quả thực hiện chương trình chống ngập và xử lý nước thải TP.HCM giai đoạn 2021-2025.
Nhiều tuyến đường ở TP.HCM ngập sau khi mưa. Ảnh: NC |
Theo đó, trong hơn hai năm, TP.HCM đã giải quyết được 5/18 tuyến đường ngập do mưa, bảy tuyến đường trục chính ngập do triều. Bên cạnh đó, TP đã khởi công xây dựng các hạng mục công trình của nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc-Thị Nghè giai đoạn 2.
Để đạt hiệu trong công tác chống ngập và xử lý nước thải, hiện TP.HCM có 120 dự án để thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 với tổng kinh phí hơn 101.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, thực tế giai đoạn này các dự án thuộc chương trình giảm ngập nước cũng chỉ dự kiến được TP giao hơn 17.500 tỉ đồng. Chỉ riêng trong năm 2021 và 2022, TP bố trí chỉ hơn 6.715 tỉ đồng.
"Do đó, một trong những khó khăn trong việc chống ngập và xử lý nước thải mà TP hiện đang gặp phải là về nguồn vốn, đặc biệt là các dự án thuộc danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025", Sở Xây dựng nêu.
Ngoài ra, theo Sở này, công tác mời gọi đầu tư đối với lĩnh vực thoát nước, chống ngập vẫn còn hạn chế, chưa khuyến khích các nguồn lực bên ngoài tham gia thực hiện.
Để giải quyết các vướng mắc này, UBND TP đã giao Sở Xây dựng chỉ đạo đơn vị trực thuộc tổ chức, vận hành hiệu quả hệ thống thoát nước hiện hữu. Bên cạnh đó, tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm kéo giảm tình hình ngập trong thời gian chờ các dự án lớn triển khai.
UBND TP Thủ Đức và UBND các quận, huyện cần đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước đối với hệ thống thoát nước trên địa bàn và có kế hoạch cụ thể xử lý các trường hợp lấn chiếm hiện hữu và phát sinh mới.
Trong thời gian tới, UBND TP yêu cầu Sở KH&ĐT cân đối vốn, bố trí vốn cho các dự án của đề án. Trong đó ưu tiên vốn đầu tư từ ngân sách TP cho những công trình hoàn thành trong giai đoạn 2021- 2025. Trong năm 2023 ưu tiên bố trí vốn thực hiện các dự án để giải quyết các điểm ngập.