Gắn camera cho nông sản Việt

Ngày 2-7, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (VN) phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hội thảo Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP): Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt.

Xuất khẩu nhiều nhưng vẫn “vô danh”

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng chất lượng sản phẩm đang là rào cản trong việc ổn định và mở rộng thị trường xuất khẩu của nông sản Việt. Cùng với đó, những rào cản về kỹ thuật là khó khăn lớn đối với doanh nghiệp khi hàng nông sản xuất khẩu của VN chỉ đạt tiêu chuẩn quốc tế khoảng 5%.

Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu nông sản chủ yếu tập trung vào các nước trong khu vực và luôn chịu sự cạnh tranh bởi các nước như Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia… cũng có những mặt hàng tương tự. Bên cạnh đó, doanh nghiệp VN chưa chủ động tìm hiểu thông tin, do đó thông tin về các thị trường tiềm năng còn mù mờ.

“Do hoạt động sơ chế, chế biến, kênh tiêu thụ sản phẩm, tiêu dùng nông sản VN vẫn chủ yếu theo phương thức truyền thống nên chủng loại sản phẩm chưa đa dạng, thiếu nhãn mác để nhận diện sản phẩm. Các mặt hàng nông sản chủ lực của VN có sức cạnh tranh kém, chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế, chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô nên giá trị gia tăng không nhiều và thường có giá trị xuất khẩu không cao” - bộ trưởng nhận xét.

Chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành nhìn nhận với các hiệp định thương mại tự do, cái khó nhất của nông sản Việt là chi phí tuân thủ rất cao. Chi phí tuân thủ liên quan đến xuất xứ, nội địa hóa rồi các loại tiêu chuẩn, nắm bắt thông tin… Ngoài ra, chi phí tuân thủ liên quan đến các khâu mang tính chất quyết định như chi phí pháp lý. Trong khi đó, các công ty Việt lại yếu về vấn đề này và các hiệp hội lại chưa có năng lực hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, TS Võ Trí Thành đề nghị khi đề cập tới nông sản Việt cần bàn đến vấn đề kinh tế số trong nông nghiệp vì đây là một trong các yếu tố để xuất khẩu nông sản ra thế giới. “Chúng ta cần lắp camera để đối tác các nước như Nhật Bản biết được quy trình sản xuất. Từ đó Nhật Bản sẽ biết được chúng ta sản xuất với quy trình ra sao, sản xuất như thế nào. Tôi cho rằng cơ hội của CPTPP đối với nông sản của chúng ta là rất lớn, cho nên hãy đẩy mạnh thương mại điện tử, kinh tế số và chất lượng của hàng nông sản VN. Song song đó giảm bớt các thủ tục, giảm bớt chi phí… sẽ đưa được nông sản của VN ra thị trường nước ngoài” - ông Thành cho biết.

Đến nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa biết Trung Quốc đã đưa ra nhiều quy định mới với nông sản Việt. Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại miền Tây. Ảnh: GIA TUỆ

Gắn camera, lập hàng rào sắt

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận hiện nay vấn đề đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp đang là một khó khăn rất lớn, với việc thường xuyên xảy ra hiện tượng được mùa thì rớt giá, được giá thì mất mùa. “Về hoạt động xuất khẩu, theo thống kê hiện nay, thị trường xuất khẩu thiếu ổn định, xuất khẩu chủ yếu lệ thuộc vào Trung Quốc (TQ) nhưng chủ yếu qua đường tiểu ngạch nên giá trị thấp” - ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Đáng chú ý, bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương, cho biết: “TQ đã áp dụng một loạt biện pháp siết chặt quản lý nhập khẩu nông sản VN. TQ là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất và quan trọng của VN, tuy nhiên hiện việc xuất khẩu nông sản Việt sang TQ đang gặp nhiều trở ngại.

Ví dụ, TQ áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với gạo, nếu nhập khẩu ngoài hạn ngạch sẽ bị áp thuế rất cao. Đồng thời tăng cường giám sát biên giới, ngăn chặn hàng tiểu ngạch qua các cửa khẩu phụ, lối mở.

Giảm 75%

Năm tháng đầu năm 2019, xuất khẩu nông thủy sản sang TQ chỉ đạt 2,78 tỉ USD, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm 2018. Riêng đối với gạo, xuất khẩu sang TQ chỉ đạt 111 triệu USD, giảm 75% so với cùng kỳ năm 2018, chiếm 9,4% thị phần. 

“Trong thời gian qua, TQ tiếp tục hoàn thiện hệ thống hàng rào sắt và camera quan sát dọc biên giới; tổ chức tuần tra kiểm soát bên trong và bên ngoài hàng rào, tuần tra 24/24 giờ; sử dụng ô tô tuần tra trên bộ, xuồng máy tuần tra trên sông; tiếp tục áp dụng chính sách hạn chế hàng tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan, hàng chuyển khẩu từ phía VN qua các cửa khẩu phụ, lối mở... Do vậy, nhiều mặt hàng nông sản của VN đã không thể xuất khẩu sang TQ” - bà Lê Hoàng Oanh dẫn chứng.

Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cũng cho hay hiện nay TQ không còn là thị trường dễ tính nữa vì tầng lớp trung lưu tăng dần, nhu cầu sử dụng nông sản chất lượng cao, an toàn cũng tăng theo. Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và TQ kéo dài dẫn đến nguy cơ TQ bị suy giảm tăng trưởng cao nhất trong ba thập niên qua. Chính điều này là nguyên nhân TQ siết chặt kiểm soát chất lượng, không cho nhập khẩu theo hình thức tiểu ngạch như trước đây.

Giải pháp đưa ra lúc này là các doanh nghiệp cần tiếp cận thị trường TQ như các thị trường khó tính khác như Mỹ, Nhật, EU... Thay đổi phương thức giao dịch để nâng cao năng lực tiếp cận thị trường, xóa bỏ kiểu làm ăn manh mún, dễ dãi. Cập nhật thông tin về quy định mới, về sự biến động của thị trường, thị hiếu thị trường TQ.

“TQ siết chặt quản lý nhập khẩu nông thủy sản của VN, yêu cầu sản phẩm chất lượng cao, an toàn hơn đã được thông báo từ trước. Tuy nhiên, đến nay nhiều doanh nghiệp VN vẫn còn chưa biết, cho rằng đây là quy định mới” - bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, nói.

Được hưởng thuế suất 0%

Bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, nhấn mạnh hiệp định CPTPP gồm 11 nước thành viên là Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và VN. Trong đó có các thị trường lớn như Canada, Úc và Nhật Bản giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng nông sản của ta sẽ tạo ra những tác động tích cực trong việc thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu. Các nước tham gia hiệp định chiếm 13,5% GDP toàn cầu với tổng kim ngạch thương mại hơn 10.000 tỉ USD, mở ra nhiều cơ hội khi chuỗi cung ứng mới hình thành.

Tuy vậy, các nhóm mặt hàng nông sản chế biến VN sẽ phải đối mặt với các mặt hàng rau quả chế biến phổ biến tại các thị trường mới với mẫu mã đa dạng và chất lượng cao do ngành công nghiệp chế biến nông sản của ta chưa được phát triển như các thành viên khác.

“Hàng hóa nông sản của VN còn phải đối diện với sức ép cạnh tranh tại “sân nhà” đến từ việc hàng hóa các nước CPTPP tràn vào thị trường trong nước. Nhưng sức ép từ hai phía sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp VN cải cách mô hình kinh doanh, đầu tư hơn vào dây chuyền sản xuất và nguồn lực lao động” - bà Mai nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm