Gần trăm ngàn người về miền Tây, nhiều tỉnh báo động đỏ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Từ ngày 30-9 đến nay, làn sóng người lao động, mưu sinh ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương về quê lên con số cả trăm ngàn người.

Gần 80.000 người về quê miền Tây

Liên tục từ tối 30-9, người dân tự phát về quê bằng xe máy trên tuyến quốc lộ (QL) 1A nối TP.HCM với 13 tỉnh, thành miền Tây.

Từ QL1A, dòng người, xe sẽ tách ra để về Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang hoặc đi thẳng về Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Thống kê sơ bộ từ các tỉnh, thành ở ĐBSCL, chỉ trong vòng vài ngày qua đã có gần 80.000 người dân tự phát về quê. Có nơi, con số lên đến 20.000-30.000 người như An Giang, Sóc Trăng, nơi ít cũng 1.000-2.000 người.

Bà con Sóc Trăng về quê khi TP.HCM và các tỉnh lân cận nới lỏng giãn cách. Ảnh: H.DƯƠNG

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, lượng người dân về quá đông khiến địa phương quá tải. Trong hơn 20.000 người về An Giang, có hơn 10 ca dương tính được phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc. Tỉnh đã phải trưng dụng nhiều trường học để làm điểm cách ly.

“Người dân về nhiều vào buổi tối, các lực lượng phải làm việc xuyên đêm. Hiện tỉnh vẫn còn một số ổ dịch và phải tập trung dập dịch, vừa phải tiếp nhận lượng lớn người về dồn dập nên đã vượt khả năng của tỉnh, trong khi tỉ lệ bao phủ vaccine chỉ khoảng 20% dân số được tiêm mũi 1…” - ông Bình nói.

Trà Vinh cũng tiếp nhận khoảng 5.000 người tự phát về quê và tỉnh này cho mở cửa tất cả trường học để cho người dân vào cách ly 14 ngày, sau đó mới có thể đón thêm người mới. Thống kê của tỉnh Sóc Trăng, từ tối 2-10 đến trưa 3-10, có gần 20.000 người từ TP.HCM và các tỉnh chạy xe máy về Sóc Trăng. Trước đó đã có hơn 10.000 người trở về quê làm cho các khu cách ly trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng rơi vào tình trạng quá tải.

Rất đông người dân về Sóc Trăng chưa qua xét nghiệm sàng lọc nên tiềm ẩn nguy cơ rất cao lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Tỉnh yêu cầu công an tăng cường lực lượng tại các chốt để kiểm soát việc đi lại của người dân và người trở về từ vùng có dịch.

Cả vạn người về Tây Nguyên

Ngày 3-10, lãnh đạo UBND huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) cho biết: Trong tối 2-10, có gần 10.000 công dân các tỉnh phía Nam di chuyển bằng xe máy về các tỉnh Tây Nguyên, qua chốt kiểm soát dịch bệnh Cai Chanh, thuộc xã Đắk Ru.

Cảnh sát giao thông hỗ trợ dẫn đoàn đưa người dân về quê. Ảnh: H.TRƯỜNG

Từ chiều 2-10 và ngày 3-10, lực lượng CSGT Công an tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với lực lượng CSGT công an các tỉnh tổ chức dẫn đường cho hàng ngàn công dân chạy xe máy về quê.

Trên đường về quê, người dân được các nhà hảo tâm tiếp sức bánh mì, bánh bao, trứng, sữa, nước suối. Lực lượng chức năng lập danh sách người dân theo từng tỉnh, liên lạc với địa phương nơi có người dân về quê để bàn phương án hỗ trợ đưa người dân về từng địa phương, đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19.

Còn ở Đắk Lắk, số lượng người dân về quá đông, ước tính còn khoảng 120.000 người ở các tỉnh phía Nam và có rất nhiều người muốn trở về. Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khẩn trương tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh và UBND tỉnh về kế hoạch tiếp nhận công dân từ vùng có dịch trở về địa phương phù hợp với tình huống mới. Trong đó có việc thu phí cách ly tập trung 120.000 đồng/người/ngày.

Tỉnh cũng nhận thông tin là trong ngày 3-10, có hơn 2.000 công dân Đắk Lắk đang từ tỉnh Bình Dương trở về quê…

Chúng tôi kiến nghị Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về việc tạm ngừng cho người dân về quê trong khoảng nửa tháng, thời gian này, tỉnh sẽ tập trung lo cho khoảng 30.000 người. Nếu bà con tiếp tục về quê ồ ạt, địa phương không lo nổi.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng TRẦN VĂN LÂU 

Đồng Nai: Về vì trụ không nổi

Trong những ngày đầu tháng 10 đến nay, lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai hỗ trợ hơn 7.000 người dân ở trọ trên địa bàn về quê.

Những người này cho biết sau gần ba tháng ở trong khu vực phong tỏa, không ra khỏi phòng trọ trong thời gian dài, rất ngột ngạt và không thể bám trụ nổi nên buộc phải tìm cách để về quê. Cũng có người đón con vào chơi thời gian nghỉ hè rồi mắc kẹt ba tháng nay, giờ muốn đưa con về lại quê để đến trường trong năm học mới…

Ông Nguyễn Văn Thuộc, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Cửu, cho biết chính quyền đã tuyên truyền, vận động, thuyết phục bằng nhiều hình thức khác nhau nhưng người dân không đồng ý ở lại. Do vậy, địa phương buộc phải để người dân về quê.

Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn, người dân được chia thành ba đoàn về miền Trung, miền Tây và Tây Nguyên. Ở mỗi đoàn, lực lượng chức năng bố trí xe chuyên dụng đi theo dẫn đường hỗ trợ người dân.

Khi được lực lượng chức năng đưa về, công nhân lao động reo hò vui mừng. Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng vận động, nhắn nhủ, khuyến cáo người dân trong quá trình di chuyển trên đường bình tĩnh, an toàn.

Ngoài việc hàng ngàn người dân đi xe máy về quê thì tỉnh Đồng Nai cũng tổ chức đưa người dân ở một số tỉnh về quê bằng ô tô. Dự tính ngày 3-10 và trong những ngày tới sẽ hỗ trợ gần 1.000 công dân về quê tại các tỉnh Ninh Bình, Bình Định và Phú Yên…

Nguy cơ thiếu lao động trầm trọng

Tỉnh Bình Dương đã tuyên truyền, vận động, giải thích nhưng hàng ngàn người vẫn về quê. Tỉnh đã huy động tối đa lực lượng chức năng để test nhanh cho người dân và kiểm tra chặt chẽ giấy tờ theo đúng quy định trước khi cho qua các chốt cửa ngõ.

Với số lượng người dân về quê rất đông, khi Bình Dương trở lại bình thường, các doanh nghiệp hoạt động thì khả năng sẽ thiếu hụt lao động nghiêm trọng.

Theo ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, hiện nay có khoảng 85% doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đang hoạt động “ba tại chỗ”. Theo dự báo thì từ nay đến cuối tháng, số lượng doanh nghiệp hoạt động trở lại rất cao, đây là cơ hội cho người lao động trong thời gian dài mất việc làm vì dịch bệnh.

Tuy nhiên, rất đông người dân đang về quê sẽ khiến doanh nghiệp tại Bình Dương thiếu hụt lao động.

Ông cho rằng cuộc sống đang dần trở lại bình thường, rất mong người dân cố gắng vượt qua khó khăn, ở lại để lao động sản xuất. 


Miền Tây kích hoạt các khu cách ly, hoãn nới giãn cách

.Kiến nghị kiểm soát việc người dân tự phát trở về quê.

Hàng chục ngàn người dân tự phát trở về quê khiến các tỉnh miền Tây lập tức chỉ đạo cho kích hoạt ngay các khu đón tiếp nhằm sàng lọc để đưa người dân vào các khu cách ly tập trung.

Đáng chú ý, ngay trong chiều 3-10, chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ký quyết định tạm ngưng nới lỏng giãn cách xã hội xuống Chỉ thị 19 (trước đó Cà Mau dự tính từ 0 giờ ngày 4-10 sẽ từ Chỉ thị 15 nới lỏng xuống Chỉ thị 19 - PV). Lý do là từ ngày 1 đến 3-10, có hơn 6.000 người về Cà Mau, qua sàng lọc hơn 1.000 người có 25 người dương tính với COVID-19.

Bà con về Kiên Giang chờ trước khi đi cánh ly tập trung. Ảnh: CHÂU ANH.

Theo ông Đồng Hoàng Dũng, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của UBND tỉnh Hậu Giang, chỉ trong hai ngày qua đã có hơn 3.000 công dân tỉnh tự đi xe máy về quê và đã được đưa đi cách ly tập trung. Hiện các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn cơ bản đảm bảo nhưng vài ngày tới, Hậu Giang sẽ không đủ chỗ cách ly tập trung.

Tỉnh dự kiến phối hợp với các tỉnh gửi văn bản kiến nghị Thủ tướng yêu cầu TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai… không để bà con tự ý về quê bằng xe máy như mấy ngày qua. Sau 15 ngày, các địa phương xem xét tình hình và có phương án đón rước bà con.

+ Theo Công an TP Cần Thơ tính đến 13 giờ ngày 3-10, Cần Thơ đã tiếp nhận 2.306 công dân từ các tỉnh khác về. Trong số này, công dân quận Cái Răng là nhiều nhất với 1.097 người.

Trước đó, ngày 2-10, với viêc người dân di chuyển từ các tỉnh miền Đông Nam Bộ, nhất là từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai về tăng đột biến, Chủ tịch UBND TP yêu cầu Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự TP, Chủ tịch UBND quận, huyện chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các ngành có liên quan khẩn trương kích hoạt thêm các khu cách ly tập trung, đảm bảo sẵn sàng tiếp nhận công dân về từ vùng có dịch bệnh COVID-19 theo đúng quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế.

+ Tại TP.HCM, theo một lãnh đạo Phòng CSGT (PC08) Công an TP.HCM, ngay trong ngày 3-10, tại các chốt kiểm soát ở cửa ngõ TP, lực lượng chức năng đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhiều người dân đảm bảo đủ điều kiện được qua chốt để về quê. Người dân có đủ điều kiện về tiêm vaccine, xét nghiệm âm tính thì được lực lượng chức năng hỗ trợ cho qua chốt.

Đội CSGT Bình Triệu đã gửi tặng người dân khó khăn 500 phần quà gồm nước suối, sữa tươi, khẩu trang, nước sát khuẩn. Một số trường hợp có hoàn cảnh khó khăn còn được CSGT hỗ trợ tiền mặt (500.000 đồng) để tiếp sức cho người dân trên đường về quê.

TP.HCM vẫn duy trì các chốt cửa ngõ và chốt giáp ranh với các địa phương để kiểm soát người qua lại. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.