Gặp những người tử tế quanh lô độc đắc

Người bán vé số dạo đặc biệt đó là chị Phạm Thị Lành, còn người mua vé số là anh Đỗ Ngọc Tuấn (ngụ khu phố 2, đường Bà Chánh Thâu, thị trấn Bến Lức, Long An).

Mua thiếu vé số, ai ngờ trúng độc đắc

Chuyện xảy ra ngày 15-11: Sau một ngày bán vé số mà vẫn còn dư một xấp, chị Lành gọi điện thoại cho anh Tuấn, “mối” mua vé số hằng ngày của mình, nài nỉ anh mua giùm. Anh Tuấn đồng ý mua nợ 20 tờ vé số. Đến chiều, khi đang ngồi dò vé số tại quán cà phê Cây Mai, Lành phát hiện xấp vé số anh Tuấn vừa mua thiếu có bốn tờ trúng giải đặc biệt, chín tờ trúng giải an ủi. Run quá, chị cất riêng xấp vé của anh Tuấn vào giỏ rồi nhờ người khác dò giùm cho chắc ăn. Tiếp đó, chị gọi chồng đến đưa về vì sợ trên đường về lỡ có người giật mất thì không biết lấy gì mà đền. Chồng chị Lành đến nơi thì thấy mọi người đã xôn xao nghẹt trong quán. Chị Lành run quá không bấm máy gọi anh Tuấn được nên nhờ chồng bấm giùm. Ở đầu dây bên kia, anh Tuấn nghe giọng chị Lành: “Anh cầm 200.000 đồng tới quán cà phê Cây Mai lấy vé số của anh đi. Mấy tờ anh mua trúng lớn rồi nè”.

Anh Tuấn không tin, nghĩ rằng cô bán vé số đùa. Giao mấy thanh sắt cho khách xong, anh chạy xe ba gác thẳng đến quán Cây Mai. Để chắc ăn, anh bấm điện thoại nhắn tin dò qua tổng đài. Kết quả tin nhắn giải đặc biệt đài Bến Tre vẫn là 191207. Biết chắc mình trúng lớn, tính tổng tiền chưa trừ thuế khoảng 6,9 tỉ đồng, mừng quá, anh Tuấn rút một tờ đặc biệt cho chị Lành.

“Nói thiệt nếu lúc đó cô Lành không trả vé tui cũng không bao giờ biết tui trúng. Tui chỉ nhớ mang máng vé tui mua có số đuôi 07 thôi, chớ không nhớ mấy số đầu” - anh Tuấn nói với mọi người.

Gặp những người tử tế quanh lô độc đắc ảnh 1

Chị Lành và anh Tuấn vẫn chất phác như lúc chưa trúng số. Ảnh: TM

Không tham của trời cho

Chúng tôi hỏi đường đến nhà chị Lành, một người dân nhiệt tình chỉ. Chỉ đường xong, anh này nói: “Con nhỏ đó hoặc là khùng hoặc là có tình ý gì với ông Tuấn, chứ ai dại gì đi giao không mấy tỉ đồng cho người ta”. Tôi chuyển lời nói này thành câu hỏi cho chị Lành, chị trố mắt: “Sao mà nghĩ ác vậy trời! Nói vậy vợ anh Tuấn nghe được thì chết tui. Thứ hổng phải của mình thì lấy làm gì!”.

Nhà chị Lành ở xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp. Lành vừa mua đất xây nhà cho cha mẹ từ tờ vé số anh Tuấn tặng và riêng chị hôm đó cũng có giữ lại cho mình một tờ đặc biệt. Lâu nay, gia đình Lành ở quê sống bằng “nghề” làm mướn, ai kêu gì làm đó. Cuộc sống khó khăn, Lành lên TP.HCM làm công nhân cho một hãng nước chấm. Túc tắc mãi vẫn không để dành được đồng nào, chị về Bến Lức, Long An thuê nhà trọ đi bán vé số từ sáu năm nay. Chị lấy chồng rồi đưa gia đình, họ hàng lên Bến Lức cùng bán vé số. Một ngày, người anh của chị sau khi đi bán về đã ngủ luôn không bao giờ dậy được nữa. Sau khi mai táng anh của Lành xong, cả gia đình lại dắt díu nhau về Đồng Tháp sống tạm. Lành định sau khi mãn tang anh (sau tết Nguyên đán) sẽ đưa cả nhà lên Bến Lức bán vé số trở lại. Nay thì nhờ có hai tờ đặc biệt (khoảng 3 tỉ đồng), Lành mua đất, cất nhà cho cha mẹ và các cháu ở. Số tiền còn lại, chị gửi ngân hàng để cha mẹ lấy tiền lãi hằng tháng lo cho cả nhà. Phần mình, Lành vẫn hằng ngày rời căn nhà trọ thuê với giá 700.000 đồng/tháng để đạp xe đi bán vé số.

“Người ta nói tui đổi xe đạp Martin đi cho đẹp nhưng tui đi chiếc xe đạp cà tàng này quen rồi. Có người còn kêu tui lấy tiền trúng số mở sạp trong chợ bán hàng nhưng tui lỡ thương cái nghề này rồi. Bữa nào đau bệnh nghỉ mấy bữa là có người chờ mình mua số”. Chồng chị Lành cũng cùng suy nghĩ như chị. Anh là người ăn chay trường nên nghĩ đồng tiền là vật ngoài thân. Dẫu đã khấm khá hơn nhưng hằng ngày anh vẫn chạy xe ôm kiếm sống bằng sức lao động của mình.

Anh Tuấn sau khi trúng số vẫn mang đôi dép lê cũ chạy xe ba gác cải tiến chở hàng cho khách, vợ anh vẫn làm công nhân. Chúng tôi thắc mắc sao anh không chuyển nghề, anh cười: “Nghề này gắn bó với tui 15 năm nay rồi, không bỏ được”. Trước đây, anh Tuấn chạy xe ba gác thô sơ. Sau khi có lệnh cấm chạy xe loại này, anh được Nhà nước hỗ trợ 5 triệu đồng và dồn tiền mua chiếc xe cải tiến để tiếp tục hành nghề. Sau khi trúng số, anh mua cho vợ và mẹ một ít nữ trang, để dành một khoản xây lại căn nhà và thuê xe du lịch đưa bà con trong xóm đi chùa ở Cà Mau, Phan Thiết. Số còn lại anh gửi hết vào ngân hàng. Anh giải thích: “Cái đó là của để dành cho con cái sau này, không được đụng vào. Tiền lãi tháng rồi tôi cũng không đi lấy luôn. Tôi coi như mình chưa từng có nó và không nghĩ tới nó nữa”.

Chúng tôi hỏi lý do sao không sắm sửa gì cho riêng mình, anh Tuấn đáp gọn rằng mình biết đủ là đủ. Anh từng chứng kiến rất nhiều cảnh người dân Bến Lức trúng số độc đắc rồi sa cơ cũng từ đó. Có người trúng số rồi mua đất, cất nhà, bao bồ bịch, cờ bạc, rượu chè…, cuối cùng cũng hết sạch. Cho nên anh coi đó là bài học cho bản thân và tự răn: “Tui năm nay mới 41 tuổi, còn sức lao động thì cứ sống bằng chính sức lao động của mình đi đã”.

Có người nói ra nói vào rằng sao vợ chồng tui không tráo mấy tờ vé số đó để số trúng thành của mình. Tôi nói cho ngay là trời cho ai nấy hưởng. Nếu trời đã không cho mà mình cứ giành lấy thì trước sau gì cũng mất, không mất cái này thì mất cái khác. Không phải của mình thì mình nhận làm gì.

Anh LÊ VĂN NAM, chồng chị Lành

Người bán vé số dạo mất tiền vì lòng tham của khách

Trưa 2-12, một thanh niên mua vé số của người bán vé số dạo tên Nguyễn Văn Mạnh (tạm trú tại C3 ấp Thống Nhất 1, xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, TP.HCM). Đồng thời, người thanh niên đổi ba tờ vé số trúng giải 6 ngày 1-12 của An Giang với số đuôi là 547 (tổng cộng 600.000 đồng).

Ngày 29-12, ông Mạnh đem vé số đi đổi mới biết đó là vé giả. “Bình thường để ý thấy dấu tẩy xóa hoặc cắt dán là tui biết vé giả ngay. Còn vé này do họ tự in ra giống y đúc, không phân biệt được. Nếu ai cũng tham kiểu này thì chết dân bán số dạo tụi tui vì thường không đổi thì họ không thèm mua vé mới” - ông Mạnh than thở.

THANH MẬN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm