Đây là trường hợp đầu tiên ở Phú Yên được áp dụng quy định mới có lợi cho người phạm tội theo Luật số 12/2017 (sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015) và Nghị quyết số 41/2017 (về việc thi hành BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung) của Quốc hội.
Không bằng lái, chạy xe ba bánh gây tai nạn
Theo hồ sơ, khoảng 6 giờ ngày 14-6-2014, trong lúc đang làm việc tại cơ sở nước đá của ông Nguyễn Hữu Tịnh ở khu phố Dân Phước (phường Xuân Thành, thị xã Sông Cầu), Tô Minh Nguyên (hơn 17 tuổi, làm thuê cho ông Tịnh) nghe ông Tịnh điện thoại nói với người khác là cần chở đá từ cơ sở 2 ở khu phố Vạn Phước (phường Xuân Thành) nhưng không có người chở.
Nghe vậy, mặc dù không có giấy phép lái xe, Nguyên vẫn lấy xe ba bánh gắn máy của ông Tịnh, có gắn sẵn chìa khóa chạy xuống cơ sở 2 để chở đá. Khi đến đoạn đường Nguyễn Hồng Sơn thuộc khu phố Vạn Phước, do cần sang số phát ra tiếng động, Nguyên cúi xuống nhìn, không chú ý quan sát phía trước nên để xe đi vào lề đường, đụng phải xe máy do chị Nguyễn Thị Kim Loan điều khiển đang đỗ phía trước cùng chiều. Tai nạn xảy ra làm chị Loan bị thương tật 39%.
Sau đó, Nguyên bị khởi tố về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Tháng 5-2017, VKSND thị xã Sông Cầu đã truy tố Nguyên về tội danh này với tình tiết định khung tăng nặng là không có giấy phép lái xe theo điểm a khoản 2 Điều 202 BLHS (có mức hình phạt tù 3-10 năm).
Tòa áp dụng quy định mới phạt nhẹ hơn
Tại phiên xử sơ thẩm của TAND thị xã Sông Cầu hồi tháng 8, bị cáo Nguyên thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng đã truy tố. Nguyên biết mình sai nên đã tác động đến gia đình cùng ông Tịnh bồi thường cho người bị hại 179 triệu đồng, được người bị hại bãi nại. Từ đó, Nguyên xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Đại diện VKS đề nghị HĐXX phạt Nguyên 15-18 tháng cải tạo không giam giữ. Luật sư bào chữa cho Nguyên cũng khẳng định việc truy tố bị cáo là không oan, bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên đề nghị tòa giảm nhẹ hình phạt thấp hơn mức đại diện VKS đề nghị.
Theo HĐXX, Nguyên thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, có ý thức tác động gia đình và chủ phương tiện kịp thời bồi thường toàn bộ thiệt hại, được người bị hại bãi nại và xin giảm nhẹ hình phạt, đồng thời tại thời điểm phạm tội bị cáo chưa đủ 18 tuổi, nhận thức pháp luật còn hạn chế. Bản thân bị cáo trước khi phạm tội chưa có tiền án, tiền sự. Với hành vi phạm tội của bị cáo, nếu là người đã thành niên thì mức án phải là hai năm sáu tháng cải tạo không giam giữ nhưng bị cáo là người chưa thành niên từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nên mức án phạt chỉ bằng 1/2 người đã thành niên.
Theo HĐXX, hành vi phạm tội của Nguyên thuộc trường hợp rất nghiêm trọng. Trong khi đó, hình phạt cải tạo không giam giữ tại Điều 31 BLHS hiện hành chỉ áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 100 BLHS 2015 quy định hình phạt cải tạo không giam giữ được áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng hoặc phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý hoặc người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý. Như vậy, hình phạt quy định tại khoản 1 Điều 100 BLHS 2015 là nhẹ hơn, có lợi cho bị cáo.
Căn cứ vào Nghị quyết số 41/2017 của Quốc hội, Công văn số 276/2016 của TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định có lợi cho người phạm tội của BLHS 2015, HĐXX đã phạt Nguyên một năm ba tháng cải tạo không giam giữ.
Vẫn bị VKS kháng nghị vì chưa cấu thành tội phạm
Qua kiểm sát bản án sơ thẩm, VKSND tỉnh Phú Yên thấy rằng việc cấp sơ thẩm khởi tố điều tra, truy tố đối với Nguyên về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ là có căn cứ, đúng pháp luật.
Tuy nhiên, theo Luật số 12/2017 (sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015) và Nghị quyết số 41/2017 của Quốc hội (về việc thi hành BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung) thì hành vi của Nguyên không cấu thành tội phạm. Bởi lẽ theo khoản 1 Điều 260 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung, người nào vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỉ lệ thương tật từ 61% trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là quy định có lợi cho người phạm tội nên được áp dụng kể từ ngày Luật số 12/2017 được công bố (ngày 3-7-2017).
Ở đây, Nguyên chỉ mới gây tổn hại cho sức khỏe của người bị hại 39% nên hành vi của bị cáo chưa đủ yếu tố cấu thành tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo khoản 1 Điều 260 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung. Do đó, cần áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội theo Luật số 12/2017 và Nghị quyết số 41/2017 của Quốc hội đối với Nguyên. Việc tòa sơ thẩm đưa vụ án ra xét xử và phạt Nguyên một năm ba tháng cải tạo không giam giữ về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ là không đúng với các văn bản pháp luật trên.
Từ đó, VKSND tỉnh Phú Yên đã kháng nghị phúc thẩm, đề nghị tòa phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án đối với Nguyên.
Quy định liên quan Theo khoản 1 Điều 202 BLHS hiện hành, người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì bị phạt tiền 5-50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm. Theo hướng dẫn, gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỉ lệ thương tật từ 31% trở lên được xem là “gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người khác” và sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo khoản 1 Điều 260 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù 1-5 năm: Làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên... |