“Do hạn chế nguồn cung nên giá cát ở An Giang cũng như nhiều địa phương khác tại ĐBSCL tăng mạnh, có nơi tăng 200%-300%” - ông Lâm Quang Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, phát biểu trong cuộc họp với Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Ban chỉ đạo Tây Nam bộ ngày 22-3.
Giá cát tăng 200%-300%
Theo đại biểu các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bến Tre, An Giang, Vĩnh Long, do khan hiếm cát nên một loạt công trình giao thông chậm tiến độ. Vấn đề nằm ở chỗ việc cấp phép khai thác cát đang bị ngưng dẫn đến cung không đủ cầu, chứ không phải trữ lượng cát tại địa phương không đủ cung ứng cho các công trình.
Lãnh đạo Trà Vinh cho biết thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh đã đóng 36 mỏ cát, hiện nay chỉ còn lại sáu mỏ. Từ khi đóng cửa các mỏ, giá cát tăng đột biến nên hầu như các công trình xây dựng cơ bản đều bị ách tắc. Hiện Trà Vinh đã phải chỉ đạo không cho xuất cát ra ngoài tỉnh để tập trung xây dựng các công trình công ích.
Tại Đồng Tháp, rất nhiều gói thầu xây dựng của tỉnh này cũng đang bị chậm tiến độ do thiếu cát. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh này, cho hay tỉnh vẫn còn 3 triệu m3 cát để phục vụ các dự án trong tỉnh đến cuối năm nay. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất là cát đội giá quá cao, 200%-300% so với năm trước.
Một dự án khai thác cát tại huyện Thanh Bình, Đồng Tháp. Ảnh: GT
Kiến nghị được tiếp tục khai thác cát
Theo ông Thi, hiện rất nhiều dự án nạo vét thông luồng kết hợp khai thác cát khoáng sản bị tạm dừng. Lý do là theo quy định hiện hành (Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường) thì muốn tận thu khoáng sản phải có đánh giá tác động môi trường (ĐTM), muốn nạo vét thông luồng phải lấy ý kiến của cộng đồng dân cư. Nhưng khi được hỏi, đa số người dân không đồng ý cho khai thác cát vì e ngại gây sạt lở.
Ông Thi kiến nghị đối với các dự án nạo vét thông luồng, Chính phủ cho các tỉnh tự thực hiện đánh giá tác động môi trường và sẽ chịu trách nhiệm với Chính phủ nếu xảy ra sai sót.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cũng kiến nghị Chính phủ nên giao Bộ GTVT và các tỉnh khảo sát từng dự án cụ thể. Những dự án đủ điều kiện (như không gây sạt lở, thay đổi dòng chảy, đảm bảo cân bằng sản lượng cung cầu…) thì Chính phủ cho phép các tỉnh được chủ động cấp phép khai thác cát.
Trước kiến nghị của các địa phương, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, Bộ Xây dựng và các địa phương cùng rà soát lại các quy hoạch liên quan; bổ sung, điều chỉnh khi cần thiết, làm cơ sở cho việc cấp phép khai thác cát. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý các tỉnh phải cương quyết chống nạn khai thác cát bừa bãi gây ảnh hưởng đến dòng sông, bờ sông, thiệt hại tài sản của người dân. Cùng đó, Bộ Xây dựng phải chủ trì nghiên cứu ngay vật liệu thay thế cát xây dựng, cát san nền.
Giá cát tăng, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đội giá Ông Phan Anh Dũng, Giám đốc Công ty CP BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cho hay: Dự án xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận với chiều dài 51 km (từ nút giao ngã ba Trung Lương đến nút giao ngã ba An Hữu) đang triển khai công tác giải phóng, san lấp mặt bằng. Để phục vụ cho công tác san lấp mặt bằng, dự án cần khoảng 6 triệu m3 cát. “Mặc dù một số tỉnh vùng ĐBSCL hứa sẽ cung cấp đủ khối lượng cát cho dự án nhưng với giá cát tăng như hiện nay thì kinh phí thực hiện sẽ tăng lên đáng kể. Cụ thể, giá dự toán của dự án là trên 80.000 đồng/m3 cát, tuy nhiên trong thời gian gần đây giá cát đã tăng lên khoảng 200.000 đồng/m3 khiến cho riêng kinh phí về cát đội lên khoảng 720 tỉ đồng. Nếu tình hình này không được cải thiện thì năm 2019 sẽ khó hoàn thành được dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận như kế hoạch đã đề ra” - ông Dũng nói. |